07/06/2017 14:01 GMT+7

Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chọn Việt Nam đầu tư

NHƯ BÌNH ghi
NHƯ BÌNH ghi

TTO - Những con số và các chỉ số cho thấy người Nhật vẫn tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam một cách bền vững và điều đó mở ra nhiều cơ hội mới và sự lan tỏa lớn.

22 tỉ USD là kết quả của chuyến "xúc tiến thị trường" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản. Trong ảnh là hai thủ tướng chứng kiến việc ký kết và trao các văn kiện hợp tác song phương - Ảnh: Lê Kiên

Chuyến viếng thăm cấp cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản vừa qua càng trở nên ý nghĩa hơn khi hai quốc gia đang hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trong lần thứ hai nắm giữ cương vị này ở Nhật Bản. Hai tháng trước nhân dân Việt Nam cũng đã chào đón Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản sang thăm …

Điều đó cho thấy Nhật Bản đang rất trân trọng mối quan hệ với Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang được chính phủ nước này đứng sau, hỗ trợ rất lớn khi xúc tiến vào thị trường Việt Nam.

Những con số về cuộc khảo sát của Jetro được công bố tại hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp Nhật Bản ở Tokyo như: 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào VN, 66,6% doanh nghiệp Nhật đang ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng, giúp họ tăng doanh thu, cho thấy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản mới vẫn đang không ngừng tăng.

Trong những ngày thông tin về chuyến thăm cấp cao của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nóng hổi trên mặt báo, tôi vừa đón tiếp một tập đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp này muốn phát triển mảng thương mại điện tử dành cho mặt hàng linh kiện, phụ tùng xe hơi với giá cạnh tranh nhất nhờ tận dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin.

Rồi một doanh nghiệp nữa muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là trồng cà chua chất lượng cao. Họ đang chọn những vùng đất xa, có khí hậu phù hợp, mà Đà Lạt là một trong những địa phương được quan tâm.

30 năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những nhà đầu tư có trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đúng các cam kết. Nếu gặp khó khăn, họ sẽ thông báo trước, nếu sai họ nhận trách nhiệm chứ không dấu diếm các vướng mắc của mình. Vì thế, các dự án của nhà đầu tư Nhật thường đúng tiến độ, ít có vấn đề nảy sinh với lao động, môi trường, hay đất đai…

Cách đối xử với lao động của những doanh nghiệp Nhật rất nhân văn. Chính phủ Nhật đang hướng đến đề xuất kéo dài thời gian làm việc cho các lao động có tay nghề, có trình độ của Việt Nam từ 3 năm lên 5 năm.

Nhưng doanh nghiệp Nhật không muốn dừng lại ở đó, họ rất quan tâm đến lực lượng lao động này về nước sẽ như thế nào, sẽ được làm gì ở Việt Nam, đóng góp gì cho đất nước này sau những năm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức ở các nhà máy Nhật Bản.

Chính doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động đề xuất phía Việt Nam bàn thảo tổ chức nơi tiếp nhận các lao động sẽ trở về này.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4... Bởi vậy, hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo lần này có tính lan tỏa kêu gọi vốn mới và được nâng chất lẫn lượng bởi sự hợp tác chặt chẽ của chính phủ hai nước.

Con số 22 tỉ USD của các thỏa thuận hợp tác đầu tư vừa được ký kết phần nào nói lên điều đó.

Làm cách nào để duy trì mối quan hệ này?

Chúng ta cảm nhận Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận hết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư Nhật, cam kết nâng cấp môi trường kinh doanh một cách thực sự.

Các nhà đầu tư Nhật Bản thường vào một thị trường mới không rầm rộ, ồ ạt mà từng bước một, chậm và chắc nhưng dòng vốn này mang tính dẫn dắt, tạo sức lan tỏa với các nhà đầu tư những nước khác rất cao.

Đặc biệt, lần đầu tiên có doanh nghiêp nước ngoài thực sự đặt chân vào thị trường BOT giao thông của Việt Nam.

Do đó, tôi nghĩ, thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ để làm sao cam kết này triển khai thực sự có hiệu quả và đảm bảo đôi bên cùng có lợi.

Trong bối cảnh, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, có khoảng cách giữa cơ quan ban hành và cơ quan thực thi, giữa trung ương và địa hương, hoàn thiện pháp luật là điều Việt Nam cần phải làm lúc này.

Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, sẵn sàng cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa và mong các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ mà doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh.

Sau chuyến đi của Thủ tướng, từ thực tiễn ghi nhận qua các câu chuyện của doanh nghiệp Nhật Bản gần đây, nhiều cơ hội thu hút đầu tư mới đang dần mở ra.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng

Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài

NHƯ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp