Phóng to |
Ông Bùi Đức Thụ - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội |
* Ông nghĩ sao khi các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước vẫn đầu tư với nguồn vốn rất lớn và rất lãng phí nhưng lại không được điều chỉnh bởi Luật đầu tư công?
- Hiện tại trong dự thảo Luật đầu tư công xác định phạm vi điều chỉnh không có đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn tổng công ty. Bởi vì theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, sắp tới sẽ ban hành Luật đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Lúc đó các đầu tư của doanh nghiệp, tập đoàn tổng công ty sẽ được điều chỉnh bằng luật này. Nếu quy định trong Luật đầu tư công sẽ dẫn tới chồng chéo.
Hiện tại, đầu tư của tập đoàn, tổng công ty đã có các văn bản pháp luật điều chỉnh - sắp tới khi nâng lên thành một luật độc lập thì sẽ tiếp tục điều chỉnh chứ không phải là bỏ sót. Nhưng cũng phải thừa nhận đầu tư của các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.
Các văn bản hiện hành vẫn quy định việc đầu tư phải đảm bảo hiệu quả và người chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi cho là nếu làm nghiêm các quy định của pháp luật thì tình trạng đầu tư dàn trải chắc chắn sẽ được hạn chế. Đặc biệt nếu ta kiểm soát chặt trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Vừa qua, bên cạnh nguyên nhân khách quan, sự đổ vỡ của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như Vinashin, Vinalines còn có nguyên nhân chủ quan là cơ chế quản lý vốn của chúng ta. Đối với vốn ngân sách, tổng mức bao nhiêu, nguồn ở đâu, phân bổ cho bộ ngành địa phương nào thì phải trình ra Quốc hội.
Còn đối với vốn đầu tư của tập đoàn, tổng công ty, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giao thẩm quyền cho hội đồng quản lý hoặc hội đồng quản trị và tổng giám đốc điều hành quyết định. Hiện tại có những tập đoàn, tổng công ty tổng vốn đầu tư lên tới trên một trăm ngàn tỉ đồng. Tôi cho giao thẩm quyền như thế là quá lớn. Tới đây có lẽ phải xem xét lại để quy định chặt chẽ hơn.
* Thưa ông, như vậy đầu tư công sẽ gắn với quá trình tái cơ cấu như thế nào?
- Trước hết là bản thân đầu tư công cũng phải tái cơ cấu. Một trong những yếu tố của tái cơ cấu đầu tư công là phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Yêu cầu đầu tư phải đúng theo thời hạn quy định, với nhóm C là 2 năm, nhóm B là 4 năm. Rồi việc quyết định dự án đầu tư phải đảm bảo cân đối nguồn vốn. Người quyết định đầu tư mà không đảm bảo nguồn vốn thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Quốc hội.
* Theo ông, liệu Luật đầu tư công ra đời có khắc phục được tình trạng đầu tư lãng phí kém hiệu quả này hay không?
- Dĩ nhiên sẽ có tác dụng ngăn chặn hạn chế việc đầu tư kém hiệu quả. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là luật còn nhiều điểm phải giao Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn. Vậy thì phải xem các văn bản hướng dẫn này đồng bộ và chi tiết đến mức độ nào. Tôi cho rằng một đạo luật tốt, một hành lang pháp lý tốt nhưng chấp hành của các chủ thể không nghiêm và không có chế tài mạnh thì tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công chắc chắn vẫn còn.
Chế tài trong dự thảo luật cũng đã có đưa ra. Nhưng tôi vẫn khẳng định phải đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư và xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Điều đáng nói hiện nay của chúng ta là nhiều quyết định đầu tư mang tính chất tập thể. Do đó chuyện cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu đang là vấn đề đặt ra. Phải đổi mới thẩm quyền quyết định đầu tư theo hướng cá thể hóa trách nhiệm.
* Xin cảm ơn ông!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận