22/03/2020 09:30 GMT+7

Doanh nghiệp ngóng giảm lãi suất khoản vay cũ, ngân hàng nói sẽ tiếp tục theo dõi

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm hàng loạt lãi suất (LS) điều hành và hạ trần LS tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, các khoản vay mới được dự báo sẽ hưởng LS "mềm" hơn nhưng các khoản vay cũ cũng cần được giảm LS.

Doanh nghiệp ngóng giảm lãi suất khoản vay cũ, ngân hàng nói sẽ tiếp tục theo dõi - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nam Á (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh làm ăn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết các DN đều cố xoay xở để nuôi bộ máy, trả lãi cho các khoản vay trước đó chứ chưa tính đến việc vay mới. 

Do đó, các gói hỗ trợ cho vay mới với LS thấp được nhiều ngân hàng (NH) tung ra thời gian qua không có nhiều tác dụng.

Không dám vay mới

Đang vay NH hơn 50 tỉ đồng sắp đến hạn phải trả một phần gốc và lãi vay, ông N.T.Vinh, giám đốc một doanh nghiệp (tại Q.1, TP.HCM), đã gọi điện thoại hỏi NH sau kỳ trả lãi và gốc này liệu có được giảm LS cho vay hay không. Tuy nhiên, phía NH cho biết mới chỉ có gói ưu đãi cho các khoản vay mới. Còn khoản vay cũ vẫn theo LS đã ký.

"DN tôi còn hạn mức nên tôi muốn trả khoản vay cũ để vay mới nhằm hưởng LS ưu đãi nhưng NH cho biết không thực hiện được vì không đúng mục đích. Kinh doanh đang khó khăn, doanh số giảm, nhiều DN đâu có nhu cầu vay mới làm gì. Chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ LS cho khoản vay cũ để vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Vinh nói.

Nhiều cá nhân vay mua nhà cũng đau đầu vì dịch COVID -19 bất ngờ ập tới. Chị Kim Thoa (Q.9) cho hay năm ngoái khi công việc đang tốt, hai vợ chồng chị đã vay hơn 800 triệu đồng với lãi suất 12%/năm để mua căn chung cư đang ở. Mỗi tháng trả lãi và gốc hơn 11 triệu đồng.

Sau tết, công ty chồng của chị Thoa làm ăn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên đã đề nghị giảm lương. Bản thân chị Thoa là giáo viên, do trường học nghỉ dịch từ giữa tháng 1 đến nay nên thu nhập của chị cũng bị ảnh hưởng. "Tôi mong có chính sách hỗ trợ giảm LS cho vay để chúng tôi dễ thở hơn" - chị Thoa nói.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời gian qua nhiều NH đã tung ra các gói cho vay LS ưu đãi nhưng đa phần dành cho các khoản vay mới. Một số NH cho biết sẽ thực hiện cơ cấu nợ, giảm LS vay nhưng chỉ ưu tiên cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, dệt may, da giày, nông nghiệp, nông thôn, vận tải, kho bãi...

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng động thái của NHNN gần đây sẽ giúp các NH có cơ sở để hạ LS cho các khoản vay mới. 

Nhưng lúc này ít DN nào dám vay mới để đầu tư sản xuất kinh doanh. Chưa kể với tình hình như hiện nay, việc xét duyệt cho vay sẽ khó hơn. Trong khi phần lớn DN hiện gặp khó trong kinh doanh, dòng tiền nên việc vay mới để hưởng LS thấp không khả thi.

"Điều DN mong ngóng là giảm LS các khoản vay cũ. Có thể qua hình thức gói hỗ trợ của Chính phủ, NHNN để các NH có thể cho vay LS thấp sau đó được cấp bù LS. Như vậy phải có sự vào cuộc của Chính phủ, NHNN chứ bản thân NH thương mại rất khó" - ông Hưng đề nghị.

Sẽ thêm nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo TS Bùi Quang Tín, sự kỳ vọng của các DN nhiều hơn so với những chính sách đang được triển khai. Bởi DN muốn nhận được sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa thông qua việc giảm LS với hợp đồng vay vốn hiện tại hoặc có thời gian miễn lãi, khoanh nợ, giãn nợ. 

"Nhưng các khoản vay cũ DN có được hỗ trợ hay không thuộc quyền quyết định của NH và các NH cũng xem xét từng hồ sơ xem thiệt hại thế nào, bởi không thể giảm lãi nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận" - ông Tín nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết theo số liệu báo cáo của các NH, dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn là 926.000 tỉ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ. 

Thời gian qua, NHNN nhận được rất nhiều công văn của Hiệp hội Cà phê, Hiệp hội Da giày, cơ sở giáo dục ngoài công lập... đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Với thông tư 01 hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho các khoản vay đến hạn phải trả mà không trả được do bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ông Hùng cho biết bước đầu đã có 21.753 tỉ đồng được cơ cấu nợ. 

Các NH đã miễn giảm lãi cho 8.000 khách hàng với trên 350 tỉ đồng. Các NH cũng đang xem xét miễn giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 180.000 tỉ đồng và tiếp tục hồ sơ cho vay mới với hơn 5.400 khách hàng với dư nợ 24.000 tỉ đồng.

"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và tác động của dịch đến nền kinh tế để triển khai các biện pháp điều hành tín dụng cho phù hợp với thực tế và các chỉ tiêu vĩ mô. Quan điểm là phải nâng cao chất lượng tín dụng và vốn sẽ được tập trung phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các NH tùy theo tình hình tài chính của mình để giảm LS cho vay phù hợp 0,5-1%/năm" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, chưa biết đến khi nào dừng và khả năng thiệt hại, ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào để đưa ra giải pháp phù hợp. Do đó trong thời gian tới, khi xác định được thiệt hại, có thể áp dụng chính hỗ trợ như các DN đề xuất là khoanh nợ.

"Nhưng để khoanh nợ phải xác định được thiệt hại, phải có quy trình, thủ tục, cơ quan xác định thiệt hại, hỗ trợ LS... Đấy là phụ thuộc vào vốn của ngân sách" - ông Hùng cho biết.

* Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc NHNN):

Ngân hàng Nhà nước đang theo sát tình hình

NHNN có bộ phận đánh giá, theo sát diễn biến của dịch, tác động của dịch và mức độ thiệt hại đến nền kinh tế.

Để chia sẻ khó khăn của khách hàng, bên cạnh việc chủ động giảm LS, giữ nguyên nhóm nợ..., NHNN đã giảm một loạt LS điều hành nhằm giúp các NH có thanh khoản dồi dào, có thêm nguồn vốn LS thấp hơn để cho vay và miễn giảm LS cho các khách hàng, nhất là những lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải... bị thiệt hại do COVID-19.

Vì sao chưa hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc?

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất NHNN sử dụng liều thuốc mạnh hơn là giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, ông Vũ Viết Ngoạn, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng việc cần làm trong tình hình hiện nay để hỗ trợ NH và DN là giảm LS cho vay.

NHNN có nhiều phương thức, công cụ để thực hiện nhưng điều quan trọng là liều lượng và thời điểm áp dụng. Vì thị trường tài chính, tiền tệ rất nhạy cảm. Nếu áp dụng cùng lúc các biện pháp có thể gây sốc cho thị trường. "Có thể thời gian tới, việc áp dụng các biện pháp khác, trong đó có giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cũng nên được tính đến" - ông Ngoạn nói.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

TTO - Ngày 17-3, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất vào tối qua. Nhiều ngân hàng còn áp dụng lãi suất thấp hơn mức trần quy định.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp