Nhiều doanh nghiệp đang chờ được hưởng hỗ trợ trên thực tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không ít doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng do COVID-19 đề nghị nên sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp hưởng hỗ trợ trên thực tế.
Sớm được giãn nợ cho yên tâm
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ tín dụng và các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, tính đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng với tổng số tiền khoảng 285.000 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đây là các gói tín dụng mà ngân hàng chủ động dùng nguồn vốn của mình để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng. Cách đây 1 tháng, các ngân hàng chủ động miễn giảm lãi vay từ 0,5-2%/năm, giãn nợ cho đối tượng khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu... đến hết ngày 30-4.
Theo ông Hùng, đến thời hạn trả lãi vay, nợ gốc mà chưa có nguồn tiền để trả, xác định khách hàng bị khó khăn do dịch bệnh này thì ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng giảm các phí như giao dịch chuyển khoản cho khách...
Về cho vay dự án mới, các ngân hàng cũng tích cực triển khai, hỗ trợ giải ngân kịp thời cho vay các dự án vay như BOT, vay phục vụ sản xuất kinh doanh nhu yếu phẩm trong nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Linh, giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn (TP.HCM), lại không lạc quan như thế. Ông Linh cho hay có vay ngân hàng hơn 100 tỉ đồng và sắp tới hạn phải trả một phần gốc và lãi vay nhưng vì doanh số giảm 50% nên không có nguồn tiền để trả nợ. Ông mới gọi điện thoại hỏi ngân hàng nhưng ngân hàng nói phải chờ thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.
"Chúng tôi chỉ hi vọng ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp từ 3-6 tháng và không chuyển nhóm nợ để khi có nguồn tiền chúng tôi sẽ trả nợ" - ông Linh nói.
Nhiều doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng gián tiếp nhưng cũng thiệt hại nặng, ông Linh đề nghị cần hỗ trợ cả doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty Tân Nhất Hương (TP.HCM), cũng cho biết đang vay ngân hàng vài chục tỉ và dự kiến nếu kinh doanh suôn sẻ thì có thể trả ngân hàng trong vài năm. Đến nay, chúng tôi chưa thấy ngân hàng thông tin gì về hỗ trợ doanh nghiệp.
"Chúng tôi rất mong ngóng được giảm lãi suất để giảm bớt gánh nặng trong lúc khó khăn này" - bà Sơn nói và cho biết thật sự lo lắng khi doanh số của doanh nghiệp giảm đi vài chục phần trăm do trước đây xuất đi nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... nhưng hiện nay không xuất được. Trong nước tình hình buôn bán cũng rất chậm.
Tránh làm theo kiểu đối phó
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 9-3, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - cho biết cơ quan này vẫn chưa tổ chức họp để bàn, quyết về việc xem xét thời điểm đóng phí công đoàn để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề mới và rất lớn, do dịch bệnh COVID-19 nên đoàn chủ tịch tổng liên đoàn vẫn chưa ngồi với nhau để trao đổi về việc này. Tinh thần là tổng liên đoàn hưởng ứng và ủng hộ chỉ thị 11 của Thủ tướng. Đoàn chủ tịch tổng liên đoàn sẽ sớm họp bàn với Bộ Tài chính và các bên liên quan để thống nhất" - ông Hiểu cho biết.
Theo phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp tức là ảnh hưởng đến người lao động. Vì vậy, tổng liên đoàn rất chia sẻ với những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp.
"Mục tiêu chung là doanh nghiệp phát triển thì người lao động mới có việc làm và thu nhập ổn định. Chúng tôi sẽ sớm ngồi bàn để thống nhất việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức về thời điểm đóng phí công đoàn".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về quy mô gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỉ đồng rất lớn, tương đương hơn 10 tỉ USD. Tuy nhiên, gói này dựa vào nội lực của các ngân hàng chứ không phải nguồn tiền từ Chính phủ. Sau chỉ đạo của Thủ tướng và khi có thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, ngoài các "ông lớn", mức độ hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào năng lực của các ngân hàng.
Đây cũng là điều lo lắng vì các ngân hàng rất sợ nợ xấu. Chưa kể trong lúc này nhiều doanh nghiệp đi vay cũng gặp khó khăn vì đang dịch, cầu yếu, nhiều nơi nguyên liệu đầu vào không có. Ngân hàng đẩy tiền ra không khéo lặp lại tình trạng nợ xấu.
"Theo tôi trong lúc này, để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp cần chính sách đặc biệt và sự góp sức của các tổ chức khác bên cạnh ngân hàng và cần cơ chế thông thoáng, tránh tình trạng làm theo kiểu đối phó" - ông Hiếu nói.
* Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (giám đốc Công ty TNHH thuế kế toán luật Việt Á):
Sớm hướng dẫn gia hạn đóng bảo hiểm xã hội
Trong lúc khó khăn đặc biệt như hiện nay, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền để trả lương cho người lao động và ngay cả tiền nộp thuế cũng khó khăn. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bảo hiểm xã hội nên sớm có hướng dẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được chậm nộp bảo hiểm xã hội 12 tháng.
Để chính sách hỗ trợ kịp thời đến với doanh nghiệp, đúng đối tượng bị thiệt hại, cần có hướng dẫn rõ ràng. Một trong những tiêu chí đánh giá là qua doanh thu, doanh thu tháng này so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái... sẽ thấy rõ ngành, lĩnh vực nói chung và doanh nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng ra sao.
* Ông Trần Đình Liệu (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN):
Chuẩn bị có hướng dẫn
Cơ quan bảo hiểm đang chuẩn bị có văn bản hướng dẫn thực hiện. Dự kiến văn bản sẽ có vào ngày 10-3, để doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 6 hoặc tháng 12-2020. Trong thời gian được tạm dừng đóng bảo hiểm không tính lãi phạt chậm nộp.
Ông Liệu cho biết việc giãn thời gian đóng bảo hiểm là thực hiện theo tinh thần chỉ thị 11 ngày 4-3 của Thủ tướng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong hướng dẫn sẽ có thông tin cụ thể trường hợp nào được giãn thời gian đóng trong bao lâu và thủ tục cụ thể ra sao.
LÊ THANH - LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận