Sản xuất sữa tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - Ảnh: L.ANH
Kiến nghị trên vừa được Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA) gởi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng thông tin 70-80% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bún, mì, phở bắt tay khôi phục hoạt động, 100% doanh nghiệp nhóm chế biến rau củ quả, sữa, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm… đáp ứng đủ năng lực cung ứng.
Theo bà Lý Kim Chi - chủ tịch FFA, thời gian qua doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, thị trường bị chậm, nhiều đơn hàng đã mất. Và để có thể trở lại như hôm nay, các doanh nghiệp đã phải dồn toàn bộ những hơi sức cuối cùng huy động tài chính, nhân công, tìm kiếm các đơn hàng mới.
Do đó, FFA kiến nghị Chính phủ ban hành sớm hướng dẫn tạm thời "Thích ứng, linh hoạt với COVID-19" phù hợp với tính chất đặc thù của TPHCM, cũng như giữ vững lập trường tiến tới bình thường mới, vì nếu không "doanh nghiệp sẽ quỵ luôn".
Cụ thể, không áp dụng phong tỏa theo diện rộng, quy định rõ quy trình khi có F0 để xử lý, tránh xét nghiệm diện rộng gây lãng phí, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp do phải dừng để xét nghiệm.
Cho phép doanh nghiệp tự chủ động và tự chịu trách nhiệm về xây dựng, triển khai các phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm.
Sớm đưa kit xét nghiệm vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá, hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá.
Cần có những gói hỗ trợ "tiền tươi thóc thật" trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua việc giảm, miễn các loại thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thay vì gia hạn đến cuối năm, nhằm giúp doanh nghiệp mau chóng vực dậy.
Đồng thời, Chính phủ cần quán triệt tất cả các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhất quán các quy định từ trung ương, không được tự ý quy định trái với các quyết định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.
Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp lên phương án phòng chống dịch để sản xuất, không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp khi xuất hiện ca F0 vì các doanh nghiệp sản xuất mặc dù ở TP.HCM, nhưng các nhà cung cấp lại nằm rải rác ở các tỉnh, nếu những đơn vị này phải đóng cửa thì doanh nghiệp sản xuất cũng khó hoạt động thuận lợi.
FFA cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tạm ngừng việc trong thời gian qua do doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc "3 tại chỗ", hoặc phải đi cách ly theo khoản 1, điều 28 Luật bảo hiểm xã hội (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/hay cách ly để phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu Nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được doanh nghiệp trả lương tối thiểu).
Đối với những lao động đã và đang làm việc "3 tại chỗ", cho phép doanh nghiệp và người lao động được giảm 50% mức đóng bảo hiểm xã hội trong 6 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận