Phóng to |
Doanh nghiệp may lo sốt vó trước nguy cơ bỏ quy định ân hạn thuế - Ảnh: T.V.Nghi |
Trong tình hình tài chính eo hẹp hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng nếu bỏ chính sách ân hạn thuế sẽ làm cho việc duy trì sản xuất càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Dù đã có đơn hàng đến hết tận quý 4-2012, nhưng ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, lại lo ngay ngáy. “Khả năng bỏ chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may như cái bẫy treo lơ lửng chẳng biết lúc nào sập xuống!” - ông Hồng nói.
Trong dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, đã được Chính phủ trình Quốc hội, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đề xuất của Bộ Tài chính. Theo đó, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp thuế trước khi được thông quan, hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí như có kết quả hoạt động kinh doanh tốt trong hai năm, có hoạt động xuất khẩu đủ 365 ngày... thì doanh nghiệp sẽ được ân hạn thuế 275 ngày. |
Ông Nhữ Hồng Hanh, phụ trách xuất khẩu Tổng công ty May Việt Tiến, cho biết khi chọn phương thức xuất khẩu FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thì nguyên liệu nhập khẩu được xem là hàng hóa thuộc diện tạm nhập, tái xuất. “Mà đã tạm nhập, tái xuất thì việc gì phải bắt doanh nghiệp nộp tiền thuế ngay để rồi khi làm thủ tục hoàn thuế thì vô cùng nhiêu khê, phức tạp” - ông Hanh thắc mắc.
Bà Đặng Phương Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết Vitas đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại quy định này. Tuy nhiên, theo bà Dung, Bộ Tài chính vẫn kiên quyết cho rằng nếu doanh nghiệp không muốn bị đóng ngay tiền thuế thì chọn cách để được ngân hàng làm bảo lãnh, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được yêu cầu để được bảo lãnh
Ông Nhữ Hồng Hanh cũng chia sẻ quan điểm khi cho rằng việc đưa ra quy định muốn ân hạn thuế phải có sự bảo lãnh của ngân hàng là một kiểu gây khó cho doanh nghiệp do thủ tục bảo lãnh tốn rất nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp hoặc bị tạm thời phong tỏa tiền trong tài khoản đến khi hàng được xuất đi.
Theo bà Dung, trong khi kêu gọi doanh nghiệp nâng cao giá trị xuất khẩu bằng phương thức xuất khẩu FOB thì với quy định mới này, những doanh nghiệp nào cố gắng chuyển đổi từ may gia công sang làm hàng xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao lại chịu thiệt hại nhất.
“Không thể chỉ vì không thu được thuế đối với những doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản mà cơ quan quản lý lại chọn giải pháp tận thu đối với các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng theo kiểu thà thu nhầm còn hơn bỏ sót” - bà Dung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận