Chiều 11-10, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã có trả lời, hướng dẫn cho doanh nghiệp về các thắc mắc liên quan đến sử dụng hóa đơn điện tử.
Doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử
Đối với thắc mắc của nhiều doanh nghiệp về việc sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa trả lời rằng Luật Quản lý thuế có quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (điều 90).
Cụ thể là: "Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
"Trường hợp người bán có sử dụng máy tính tiền thì người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế".
Về hóa đơn, chứng từ, theo quy định tại nghị định số 123/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại thông tư 78/2021/TT-BTC: doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã.
Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa trả lời rằng theo các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp có sử dụng máy tính tiền hoặc có đăng ký kinh doanh nhóm ngành nghề trực tiếp đến người tiêu dùng như: nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch...) thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Nếu doanh nghiệp không thuộc các trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đặc thù (quy định tại điểm a khoản 6 điều 10 nghị định 123/2020/NĐ-CP) thì phải lập hóa đơn điện tử khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ cho từng khách hàng.
Doanh nghiệp được sử dụng đồng thời hình thức hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Chữ viết không dấu phải đảm bảo không dẫn tới hiểu sai nội dung hóa đơn
Cũng theo Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, theo quy định tại nghị định số 123/2020/NĐ-CP, "việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế, quản lý thuế và quy định tại nghị định này".
Theo đó, nội dung của hóa đơn phải thể hiện đầy đủ: tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời "chữ viết hiển thị trên hóa đơn là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt".
Còn "trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn".
Về đơn vị tính, theo quy định, người bán căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa để xác định tên đơn vị tính của hàng hóa thể hiện trên hóa đơn theo đơn vị tính là đơn vị đo lường (ví dụ như: tấn, tạ, yến, kg, g, mg hoặc lượng, lạng, cái, con, chiếc, hộp, can, thùng, bao, gói, tuýp, m3, m2,m…).
Cũng theo quy định trên, đối với dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức "đơn vị tính", mà đơn vị tính xác định theo từng lần cung cấp dịch vụ và nội dung dịch vụ cung cấp, và phải đảm bảo cơ sở để tính tổng số tiền thanh toán trên hóa đơn theo quy định (tại khoản 6 điều 10 nghị định số 123/2020/NĐ-CP).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận