02/04/2019 19:25 GMT+7

Doanh nghiệp khởi nghiệp mất cả tháng xin giấy phép

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Thủ tục đăng ký doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hiện còn kéo dài, quỹ đầu tư Việt Nam có những khoản đầu tư nhưng quá trình xin giấy phép đầu tư mất cả tháng khiến cho việc đầu tư trở nên... mạo hiểm.

Doanh nghiệp khởi nghiệp mất cả tháng xin giấy phép - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo vẫn bị khó khăn về thủ tục hành chính - Ảnh: T.T

Tại hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" ngày 2-4 tại TP.HCM do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Trần Nhật Khanh, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm VincaCapital Ventures, cho biết các quỹ đầu tư đang nhắm Việt Nam như một thị trường tiềm năng của khu vực ASEAN để rót vốn đầu tư. 

Tuy vậy, thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Việt Nam hiện còn kéo dài khiến cho nhiều khoản đầu tư trở nên... mạo hiểm. Quỹ đầu tư Việt Nam có những khoản đầu tư nhưng quá trình xin giấy phép đầu tư mất cả tháng. Trong khi đó, một tháng có thể không quá lâu với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhưng có thể giết chết những đơn vị khởi nghiệp. "Cần làm gì đó thay đổi thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn nhanh hơn", ông Khanh đề xuất. 

Trước ý kiến này, bà Lê thị Huỳnh Mai, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, cho biết theo cam kết của VN khi gia nhập WTO, Việt Nam được phép giữ một số ngành nghề, lĩnh vực hạn chế tỉ lệ cũng như loại hình doanh nghiệp cấp phép với nhà đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 11 năm gia nhập, nhiều quy định, giới hạn dành cho nhà đầu tư nước ngoài đang được Việt Nam dần mở cửa. Trước đây, với một số dự án, ngành nghề không nằm trong danh sách cam kết với WTO, khi cấp phép, Sở phải qua bước xin ý kiến của Bộ kế hoạch & đầu tư hoặc các cơ quan liên quan và điều này đã làm kéo dài thời gian của doanh nghiệp. 

Bà Mai cho biết, tuy nhiên, theo hướng dẫn mới đây của Bộ này, nếu những ngành mà chưa nằm trong cam kết của WTO nhưng đã có tiền lệ thì sở được quyền cấp phép, tránh tốn thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp. 

"Chúng tôi hiểu các doanh nghiệp khởi nghiệp thường có mô hình, lĩnh vực sáng tạo cao. Hiện số dự án rơi vào trường hợp này chỉ chiếm khoảng 3,2%, tuy con số này nhỏ nhưng vẫn cần giải quyết ngay", bà Mai nói thêm.

Trước đó, đánh giá về tiềm năng gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, ông Khanh cho biết hiện nay Việt Nam cùng Indonesia đang là hai thị trường mà các nhà đầu tư thế giới tập trung rót vốn. Ước tính trong 70 tỉ USD mà nhà đầu tư ngoại dành cho khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 5 năm tới, có đến 90% sẽ vào VN và Indonesia, trong đó 70% số tiền này sẽ rót vào công nghệ, đầu tư mạo hiểm.

Ông Khanh cho biết tiêu chí để các quỹ rót vốn phải đảm bảo ba yếu tố gồm thị trường phải đủ lớn, sản phẩm mang tính cách mạng, doanh nghiệp phải đưa ra được giải pháp, giải quyết nhiều giá trị cho xã hội và cuối cùng là phải có tiềm năng nhân rộng ra khỏi thị trường VN.

Quỹ này cho rằng nếu có những giải pháp công nghệ tốt sẽ giúp giảm tỉ lệ này xuống và đưa mọi người tham gia nhiều hơn vào hệ sinh thái số hóa và quản lý nhiều thứ hiệu quả. Quỹ này đánh giá trong vòng 10-12 năm tới giá trị tăng thêm trong lĩnh vực tài chính sẽ đạt khoảng 78 tỉ USD.

Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn, ông Nguyễn Trung Tín, tổng giám đốc công ty An Gia, cho rằng một trong những cách đi ra ngoài nhanh nhất là kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy vậy, thực tế đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt khi muốn hội nhập với các đối tác kinh tế có uy tín trên thương trường quốc tế. Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bộ ngành trung ương, địa phương.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp