Nhiều doanh nghiệp phản ảnh không mua được đủ lượng xăng theo nhu cầu từ các doanh nghiệp đầu mối. Trong ảnh: bồn chứa xăng E5 tại một tổng kho xăng dầu ở Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: P.A.
Theo ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch HĐQT Công ty xăng dầu Tự Lực I, hiện cơ bản các đầu mối nhập khẩu đều không có xăng RON95, trừ Petrolimex có RON95 IV.
"Việc mua xăng rất khó khăn khi các đầu mối chỉ bán ra nhỏ giọt" - ông Tiu nói.
Hàng bán ra nhỏ giọt
Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Công ty xăng dầu tư nhân Vĩnh Phúc, cũng cho biết trung bình mỗi tháng doanh nghiệp của ông tiêu thụ khoảng 1.000m3 xăng nhưng giờ mua từ các nguồn chỉ được 50%, đặc biệt là xăng RON95 các đầu mối bán ra nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Tiến Thành - đại diện một công ty xuất nhập khẩu xăng dầu tại TP.HCM - cho biết hiện các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng trong nước đều bị nguồn cung khan hiếm.
Theo ông Thành, từ đầu năm 2019, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp xăng, các công ty phải chuyển sang nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng nguồn hàng lại không ổn định.
"Hiện chúng tôi chỉ đảm bảo đủ xăng dầu phân phối cho hệ thống của mình, bán ra ngoài cho các khách hàng rất hạn chế. Có thời điểm chúng tôi phải giới thiệu khách đến các doanh nghiệp khác còn xăng để mua tạm" - ông Thành nói.
Để cầm cự tại thời điểm này, ông Thành cho biết các doanh nghiệp phải hỗ trợ lẫn nhau, vay mượn xăng của nhau.
Tương tự, đại diện bộ phận xuất nhập khẩu một công ty đầu mối xăng dầu cung cấp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết trước tình hình khan hiếm nguồn cung, công ty đã phải từ chối các đơn hàng của các khách hàng mới để tập trung cung cấp cho các "mối" lâu năm cũng như những chi nhánh, đại lý của công ty.
Vị này cảnh báo nếu tình hình khan hiếm nguồn cung kéo dài, không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả người tiêu dùng trực tiếp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Với việc xả quỹ tới 2.800 đồng/lít xăng RON92, nếu giá thế giới tiếp tục tăng, nguy cơ xăng dầu sẽ tăng giá sốc, cần cân nhắc biện pháp phù hợp.
Một chuyên gia về điều hành giá xăng dầu
Do lỗ hay doanh nghiệp gây sức ép?
Ông Nguyễn Văn Tiu nhận định với mức giá bán ra quá thấp, doanh nghiệp đầu mối không còn nhiều lợi nhuận, sẽ giảm hoặc ngừng kinh doanh một số mặt hàng do không thể bù lỗ. Ông xác nhận mức chiết khấu các doanh nghiệp đầu mối chi ra giảm mạnh, xăng RON95 trước đây là 1.000 đồng/lít, nay còn khoảng 500 đồng/lít.
Một chuyên gia lĩnh vực xăng dầu nhận định do phải trích lập và xả quỹ lớn trên lượng xăng dầu nhập vào và bán ra nên có thể các doanh nghiệp đã hạn chế nguồn hàng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam (chiếm thị phần lớn) xác nhận hiện quỹ bình ổn xăng dầu đặt tại doanh nghiệp này bị âm tới 300 tỉ đồng nên đang phải ứng vốn để bù vào. Giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua, doanh nghiệp mua giá cao, nhưng giá bán lại không tăng tương ứng, nên "tác động tiêu cực" tới hoạt động kinh doanh.
"Về nguyên tắc doanh nghiệp phải lấy vốn để bù cho khoản âm quỹ bình ổn. Trong khi đó, việc mua xăng ở các nhà máy Hàn Quốc khó khăn vì các nhà máy này đang vào giai đoạn bảo dưỡng. Giai đoạn này nan giải về nguồn cung nhưng doanh nghiệp vẫn phải cố duy trì" - vị này nói.
Một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh khác tại phía Nam cũng xác nhận hiện nguồn cung xăng dầu đang gặp khó khăn. Bởi với nguồn nhập khẩu, doanh nghiệpN chỉ nhập từ Hàn Quốc do mức thuế 10% tương đương với trong nước (còn nhập tại các nguồn khác thuế đều trên 10%).
"Nhà nước phải tính toán cho phù hợp. Nếu phụ thuộc một nguồn nhập khẩu Hàn Quốc và trong nước không ổn định, nguồn cung xăng dầu rất rủi ro" - vị này nói.
Chờ Bộ Công thương trả lời
Ông Nguyễn Văn Hải cho hay mức chiết khấu cho công ty của ông giảm mạnh, chỉ còn khoảng 200 - 300 đồng/lít, không đủ chi phí vận tải...
Ông Nguyễn Đức Hạnh, giám đốc Công ty dầu khí Sơn Hải, cũng khẳng định hiện nay nguồn hàng đang rất khan hiếm, không chỉ xăng RON95 mà cả xăng E5 do các đầu mối nhập khẩu và nhà máy bán ra hạn chế sản lượng.
Nguyên nhân, theo ông Hạnh, là do thời gian qua trích lập quỹ bình ổn quá nhiều, giá giữ nguyên nên đầu mối nhập khẩu không còn nguồn, càng nhập càng lỗ.
Ông Hạnh đề nghị với hai lần điều chỉnh mà trích quỹ bình ổn liên tục ở mức cao, cơ quan chức năng nên xem xét lại, để giá bán lẻ diễn biến đúng giá thị trường thế giới.
"Giờ nhập chỉ được 50% so với trước, các đầu mối chỉ chiết khấu 300 - 400 đồng, trừ chi phí vận chuyển cửa hàng xăng dầu không còn gì, trong khi còn phải trả lương, quyết toán thuế, hao hụt, các chi phí khác... khiến doanh thu chúng tôi giảm tới 50%" - ông Hạnh nói.
Trước phản ánh của doanh nghiệp và những lo ngại về tình hình nguồn cung xăng dầu đang khan hiếm, báo Tuổi Trẻ đã liên hệ với Bộ Công thương là cơ quan quản lý, điều hành giá xăng dầu, chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ra thị trường và thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xăng dầu là ông Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn Bộ Công thương, nhưng đến ngày 24-3 bộ vẫn chưa có phản hồi.
Quỹ bình ổn xăng dầu sắp cạn
Trong kỳ điều hành ngày 18-3, quỹ bình ổn xăng dầu được xả để giữ giá ở mức kỷ lục: xăng E5RON92 lên tới 2.801 đồng/lít; các mặt hàng dầu chi sử dụng quỹ ở mức 1.000 - 1.600 đồng/lít.
Giữ ổn định giá xăng dầu rất có ý nghĩa, để ổn định giá cả hàng hóa đầu vào. Tuy nhiên, việc liên tục trích quỹ bình ổn đã làm nguồn quỹ này cạn dần.
Thông tin cho Tuổi Trẻ, Petrolimex cho biết do chi quỹ bình ổn liên tục nên tính đến thời điểm trước 20h ngày 18-3 (giờ điều chỉnh giá xăng dầu), quỹ bình ổn của Petrolimex chỉ còn 655 tỉ đồng (trong khi ngày 2-3 quỹ còn 1.210 tỉ đồng).
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ xác nhận hiện chỉ còn một số doanh nghiệp lớn có số dư quỹ bình ổn rất mỏng, đa số các doanh nghiệp khác đều đang âm quỹ. Thậm chí, để có nguồn duy trì quỹ, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng trong khi tiếp tục phải chi tiền để xả quỹ. Điều này tạo áp lực lớn đến việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận