Nguồn: VCCI - Đồ họa: N.KH. |
Theo rà soát của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trong đó, Bộ Công thương dẫn đầu về việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh với 1.220 điều kiện. Tiếp đến là Bộ Y tế với 740 điều kiện, rồi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải...
Doanh nghiệp mất cơ hội, tăng chi phí
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, cho biết khi có thông tin sửa đổi thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu và kinh doanh ôtô cách nay một năm, nhiều DN nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ có cơ hội tham gia thị trường.
Tuy nhiên, do hoạt động nhập khẩu và kinh doanh ôtô nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các DN này “hết cửa” làm ăn vì yêu cầu đặt ra càng khắt khe hơn.
“Theo dự thảo mới, với yêu cầu hãng xe phải xác nhận cơ sở được cam kết bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi của hãng..., các DN trong nước đã bị bịt cửa làm ăn, thị trường ôtô VN sẽ giao hoàn toàn cho các hãng nước ngoài được độc quyền nhập khẩu” - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, bà Cao Minh Trúc, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, cho biết có nhiều điều kiện là các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra trong lĩnh vực du lịch rất vô lý.
Chẳng hạn, để được cấp phép tiêu chuẩn 5 sao phải có sân tennis, spa... khiến DN phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đáp ứng yêu cầu mà hiệu quả sử dụng thấp.
Chưa hết, để được cấp phép đạt tiêu chuẩn 5 sao, DN phải đi xin tới 3 loại giấy phép con gồm ngành nghề kinh doanh đặc biệt, giấy đủ điều kiện an ninh trật tự trong spa và giấy phép cho hoạt động lưu trú.
“Dù đã thuê chuyên gia nước ngoài với đủ chứng chỉ, bằng cấp về spa, nhưng để hoạt động ở VN vẫn phải đi học lớp nghiệp vụ 3 tháng mới được cấp phép hoạt động!” - bà Trúc cho biết.
Theo ông Trương Thanh Đức - chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, dù đã giảm xuống còn 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh, nhưng việc giảm này là do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành nghề với nhau.
Trong đó, nhiều ngành nghề có điều kiện vẫn mơ hồ, đơn cử như quy định 3 nhóm ngành nghề “kinh doanh thực phẩm” đều thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế nên rất khó để phân biệt.
“Vẫn còn nhiều loại yêu cầu tương tự như điều kiện kinh doanh “trá hình” gây rất nhiều khó khăn cho DN” - ông Đức nói.
Cơ quan quản lý “quá bao đồng”?
Nghiên cứu rà soát của (VCCI) đã chỉ ra những ngành nghề đầu tư, kinh doanh được xem là không phù hợp đã đặt ra các yêu cầu về can thiệp vào thị trường một cách bất hợp lý, đặc biệt là can thiệp vào quyền tự quyết của DN và quy mô của DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI, điều này là không cần thiết, không phù hợp nên cần rà soát, sửa đổi.
“Việc rà soát, sửa đổi hiện nay vẫn còn hạn chế, thiếu công khai, minh bạch. Như tại Bộ Công thương dù đã công bố danh mục thủ tục hành chính cần sửa đổi, nhưng việc thực hiện như thế nào đến nay vẫn chưa rõ” - ông Tuấn cho biết.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN, cho biết nhiều DN than rằng Nhà nước “quá bao đồng”.
“Cơ quan quản lý cứ nhìn DN như là đối tượng có tiềm năng trốn thuế, lách luật, tránh quy định rồi thiếu lòng tin như vậy là không phù hợp” - bà Loan nói.
Theo ông Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), danh sách 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là quá rộng và vẫn chung chung, bởi có những ngành nghề chưa xác định thế nào là ảnh hưởng cộng đồng sức khỏe, an ninh quốc gia.
Do đó, khi xác định các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải có nghiên cứu đánh giá tác động các đối tượng liên quan, đồng thời rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh bị biến tướng, nằm trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Đồng cho rằng bên cạnh việc rà soát các điều kiện kinh doanh, phải có cơ quan trọng tài để kiểm soát, giải quyết tranh chấp thương mại.
Bởi thực tế có những điều kiện kinh doanh được ban hành nhưng không đúng quy định, cần phải có quy định và thiết chế để giúp DN có thể khởi kiện trong trường hợp gặp rủi ro, mất cơ hội do các điều kiện kinh doanh biến tướng gây ra.
Theo bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải dựa trên nguyên tắc tính toán các chi phí lợi ích mà DN bị ảnh hưởng, tạo sự bình đẳng cho DN lớn - nhỏ cùng tham gia thị trường. Để tránh xung đột lợi ích, cơ quan quản lý và xây dựng các quy định về điều kiện kinh doanh cần phải tách biệt. “Đã đến lúc đánh giá lại toàn diện thực hiện nghị quyết 19 và 35 để xem trong những năm qua đã gỡ bỏ được những rào cản nào cho DN, rào cản nào bị phát sinh và tăng cường giám sát thực hiện” - bà Hương khuyến nghị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận