Hàng trăm ngàn người dân Hong Kong xuống đường biểu tình hôm chủ nhật (9-6) phản đối dự luật dẫn độ - Ảnh: REUTERS
Ngày mai (12-6), dự luật dẫn độ mới sẽ có phiên thảo luận thứ 2 và 3 trước Hội đồng lập pháp Hong Kong (LegCo). Giới quan sát dự báo nó sẽ dễ dàng được thông qua, do các nghị sĩ thân Bắc Kinh chiếm thế áp đảo trong cơ quan này.
Trong khi đó, các nhóm phản đối thề sẽ tổ chức một đợt biểu tình mới bên ngoài tòa nhà LegCo và kêu gọi người dân tham gia.
Trên mạng xã hội, rất nhiều chủ doanh nghiệp Hong Kong thể hiện sự đoàn kết bằng tuyên bố đồng loạt đóng cửa, cho phép nhân viên nghỉ đi biểu tình.
Tính đến sáng thứ ba (11-6), đã có hơn 100 doanh nghiệp nhỏ công bố kế hoạch đình công, từ cửa hàng cà phê, nhà hàng, cửa hàng máy ảnh, tiệm làm móng, phòng tập yoga...
"Hong Kong được xây dựng bởi công sức vất vả của nhiều thế hệ chúng tôi. Một Hong Kong không có tự do - hay là chúng ta xóa nó luôn khỏi bản đồ và gọi là Trung Quốc luôn đi?" - Trung tâm Meet Yoga của Hong Kong viết trên tài khoản mạng xã hội Instagram.
Chủ một cửa hàng bán hoa bổ sung: "Tôi là một cô gái Hong Kong không biết gì về chính trị, chỉ tìm cho mình những niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Nhưng người như tôi cũng hiểu chính trị thực sự ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của chúng tôi".
Chủ một văn phòng luật sư tên Michael Vidler tuyên bố sẽ cho phép 12 nhân viên "hành động theo lương tâm", nếu xuống đường biểu tình là điều họ muốn.
Hong Kong hiện có hiệp ước dẫn độ với 20 quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Singapore... Theo sửa đổi mới, đặc khu trưởng Hong Kong sẽ có quyền quyết định từng trường hợp dẫn độ với bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Cuộc biểu tình phản đối cuối tuần trước có quy mô lớn nhất kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc năm 1997. Các nhà tổ chức nói hơn 1 triệu người đã xuống đường, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa làm lung lay quyết tâm của đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận