19/04/2019 12:22 GMT+7

Doanh nghiệp hàng không chia cổ tức khủng, đưa 1,4 tỉ cổ phiếu lên sàn

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Nếu chưa kể "đại gia" Vietjet (mã VN30: VJC) thì các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không và phục vụ hàng không đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đều chứng kiến nhiều chuyển động đột biến trong năm tài chính 2018.

Doanh nghiệp hàng không chia cổ tức khủng, đưa 1,4 tỉ cổ phiếu lên sàn - Ảnh 1.

Theo số liệu của HoSE, tới thời điểm hiện tại, có 5 doanh nghiệp thuộc mảng hàng không niêm yết trên sàn HoSE, đạt giá trị vốn hóa 77.449 tỉ đồng tại ngày 17-4 - ẢNH : Hoạt động phục vụ mặt đất

Tính tới ngày giao dịch 19-4, mã VJC đạt mức giá 115.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là thị giá xếp thứ ba trong nhóm doanh nghiệp niêm yết liên quan đến lĩnh vực hàng không.

Một mã khác là SGN của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn vừa chuyển niêm yết lên HoSE được 9 tháng, đang giao dịch với mức giá 146.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù SGN không đạt lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp khủng như Vietjet, nhưng mức tăng trưởng theo tính toán dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 khoảng 27%, đạt 293 tỉ đồng. 

Lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu SGN lên đến 10.772 đồng, vượt xa so mới mặt bằng chung của nhiều doanh nghiệp niêm yết khác.

Đại hội cổ đông năm 2019 của SGN cho biết doanh nghiệp sẽ phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng 30% cổ tức tiền mặt và 40% cổ tức bằng cổ phiếu. Tổng giá trị cổ tức được chia bằng khoảng 57% lợi nhuận sau thuế.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV), đơn vị đang sở hữu 48,01% cổ phần ở SGN, cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 là gần 6.148 tỉ đồng, tăng trưởng đột biến 49,1% so với năm 2017.

Giải trình về chênh lệch tăng trưởng, ACV đã có văn bản báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước nêu lý do là "sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên", "lãi từ tiền gửi ngân hàng", "cổ tức lợi nhuận được chia".

Năm 2019 cũng chứng kiến Vietnam Airlines (mã UpCom: HVN) chuyển niêm yết đến hơn 1,4 tỉ cổ phiếu lên sàn HoSE, được HoSE chấp nhận chính thức vào ngày 11-4-2019. Đây là đợt niêm yết có khối lượng cổ phiếu "khủng" nhất từ đầu năm đến nay.

Bản cáo bạch niêm yết của Vietnam Airlines tiếp tục khẳng định doanh nghiệp này là hãng hàng không số một Việt Nam, có số lượng tàu bay nhiều nhất tính tới thời điểm 31-12-2018 đạt 93 chiếc, chủ yếu do hai hãng Boeing và Airbus chế tạo.

Các doanh nghiệp hàng không và phục vụ hàng không ngoài việc báo cáo những con số khủng về tăng trưởng và lợi nhuận thì giá giao dịch cổ phiếu niêm yết đều rất cao.

Đại diện của SGN cũng công nhận mã cổ phiếu này có biên độ dao động không mạnh, thị giá giữ nguyên khi được chuyển niêm yết từ sàn UpCom sang sàn HoSE. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp khẳng định "đó là sự rõ ràng và minh bạch của công ty trong quá trình chuyển sàn".

Mặc dù việc chuyển sàn niêm yết đem đến cơ hội huy động vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp thuộc ngành hàng không nhưng Vietnam Airlines cũng thừa nhận trong bản cáo bạch những lo ngại khi lạm phát tăng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, khách hàng tiết giảm chi tiêu đi lại bằng hàng không.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng bay có nhiều khoản vay và thuê tài chính để mua máy bay, thanh toán cho đối tác bằng ngoại tệ nên rủi ro tiềm ẩn ở tỉ giá.

Đối với hoạt động phục vụ hàng không, SGN cũng chỉ ra khó khăn từ việc nhiều hãng bay quốc tế ngưng khai thác trong năm 2018, doanh nghiệp phải có giải pháp ứng phó để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu của HoSE, tới thời điểm hiện tại, có 5 doanh nghiệp thuộc mảng hàng không niêm yết trên sàn HoSE, đạt giá trị vốn hóa 77.449 tỉ đồng tại ngày 17-4, tương ứng với hơn 3,3 tỉ USD. Trong đó, Vietjet dẫn đầu với gần 61.500 tỉ đồng vốn hóa.

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp