12/05/2012 07:02 GMT+7

Doanh nghiệp gặp khó, công nhân tự lo

NGUYỄN NAM - TRẦN HƯNG
NGUYỄN NAM - TRẦN HƯNG

TT - Doanh nghiệp gặp thời buổi khó khăn khiến công nhân ngày càng có ít việc làm, thu nhập giảm sút. Nhiều người phải trở về quê, người khác bám trụ lại thành phố buôn bán kiếm sống qua ngày.

y7qPjXxu.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Tiến Thành chuyển từ công nhân sang buôn dừa - Ảnh: TRẦN HƯNG

Bước đường mưu sinh của những công nhân ngoại tỉnh mỗi ngày lại chất chồng thêm những nhọc nhằn...

“Có chỗ nào nhiều việc không?”

Mấy tuần nay không khí tại khu trọ 67 đường Trần Thanh Mại (Q.Bình Tân, TP.HCM) buồn thiu. Những cuộc tụ họp ăn uống hát hò vào mỗi cuối tuần trong các phòng trọ đã không còn nhộn nhịp như trước nữa. Câu cửa miệng của nhiều người giờ đây là hỏi xem công ty bạn có gọi đi làm thường xuyên không, có chỗ nào nhiều việc không. “Tôi vẫn đang được hưởng 80% lương nhưng quan trọng là phải có việc nhiều, tăng ca mới đủ sống. Còn ngày làm ngày nghỉ, có khi nghỉ cả tuần như bây giờ thì khó quá” - Trần Thị Loan (quê Nghệ An), công nhân Công ty Pou Yuen, than thở.

Con số thất nghiệp thực tế cao hơn

Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho biết mỗi ngày có khoảng 400 lượt người đến đăng ký thất nghiệp và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trên 90% trong số này là lao động phổ thông, công nhân. Trong ba tháng đầu năm BHXH TP.HCM đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 15.852 người với số tiền 37,2 tỉ đồng. Một lãnh đạo cơ quan BHXH TP.HCM cho hay trên thực tế số người thất nghiệp lớn hơn con số trên, do nhiều doanh nghiệp khó khăn chậm đóng và nợ BHXH khiến người lao động thất nghiệp không được giải quyết trợ cấp thất nghiệp.

Đồng nghiệp của chị Loan là Bùi Thị Hiền (quê Thái Nguyên) đã quyết định trở về quê. Hiền cho hay chị và đứa con nhỏ sẽ về trước. Chồng chị là anh Nông Văn Hạnh (cùng quê Thái Nguyên, công nhân cơ khí) sẽ về sau. “Sống nhà trọ trả tiền hằng tháng, giá cả liên tục tăng, công việc cũng không nhiều như mọi năm nên hai vợ chồng bàn với nhau về quê”, Hiền nói.

Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Nghệ An), công nhân trong KCX Linh Trung I (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay nhiều công nhân như chị đang làm việc với tâm trạng đến đâu hay đến đó. “Dạo này ít việc lắm. Mình cố bám trụ thêm vài tháng, đợi công ty gần nhà hoạt động sẽ xin về quê làm”, Tâm thổ lộ. Chủ tịch công đoàn một công ty may mặc thuộc KCX Linh Trung 1 cho biết trước đây công ty có 500 lao động nhưng hiện nay cắt giảm xuống còn khoảng 100, sản xuất cầm chừng. Đơn hàng hiện nay mà công ty có chủ yếu là thời vụ, làm giao nhanh chứ không có đơn hàng dài hạn.

Tại điểm đăng ký thất nghiệp 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), anh Phan Văn Hoàng (quê Quảng Nam), làm tại Công ty CP Xây dựng và thiết kế số 1, lúi húi ghi tờ khai đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh Hoàng cho hay gần 20 năm đi làm trong ngành xây dựng thì đây là lần đầu tiên anh bị công ty cho nghỉ việc với lý do thiếu công trình, nhiều dự án gặp khó khăn. “Như tôi vẫn còn may vì được hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn nhiều công nhân khác làm việc công nhật không được ký hợp đồng chưa biết sống ra sao. Công ty chúng tôi cho nghỉ việc khá nhiều người”, anh Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Định, phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2012 đến nay các doanh nghiệp trong các KCX-KCN TP.HCM đã cắt giảm khoảng 3.000 lao động, chủ yếu là lao động thời vụ. Một số doanh nghiệp thiếu việc làm, không có đơn hàng để công nhân tăng ca. Có doanh nghiệp còn cho thuê lại mặt bằng, nhà xưởng trống của mình. Nhiều doanh nghiệp cũng đang khó khăn với nhiều loại thuế, phí khác nhau làm tăng giá thành sản xuất.

Tìm đường khác mưu sinh

Hơn một tuần nay Hương (công nhân Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức) chuyển sang công việc mới là bán sữa, nước giải khát trước cổng KCX Linh Trung 1. “Công ty tôi ngày càng tăng ca ít hơn nên thu nhập giảm đi. Tôi nghỉ việc từ tháng 3, công ty nói tháng 4 sẽ tăng lương nhưng mấy đứa bạn bảo lương vẫn chưa tăng. Nếu cầm cự hoài thì không đủ lo cho con cái”, Hương nói.

6g Hương chở con đi học rồi ghé bán nước trước cổng KCX Linh Trung 1. Bán đến 8g cô chở thùng xốp đựng sữa, nước ngọt về phòng trọ phía bên thị xã Dĩ An. Kế đến Hương đi lấy mía về róc vỏ ép nước bán. Chiếc xe nước mía Hương đặt ngay trước khu trọ, khách ra vào lai rai cả ngày, cộng với tiền lãi từ bán sữa, nước ngọt vào buổi sáng tính ra cũng nhỉnh hơn thu nhập đi làm công nhân.

Trường hợp khác là chị Bùi Thị Ánh Tuyết (quê Thanh Hóa), sau một năm làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Tung Shin (KCN Bình Đường, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã quyết định nghỉ việc chuyển sang bán mía dạo. “Làm công nhân bây giờ thu nhập rất thấp trong khi chi phí sinh hoạt cao nên tháng nào mình cũng trong tình trạng hụt trước thiếu sau”, chị Tuyết nói. Chị Tuyết cho hay từ đầu năm đến nay nhiều bạn bè làm cùng công ty cũng xin nghỉ việc vì lương thấp mà tăng ca ít. Hiện nay chị Tuyết lãi mỗi ngày khoảng 200.000 đồng từ nghề bán mía dạo.

Còn anh Nguyễn Tiến Thành (Ba Vì, Hà Nội), công nhân Công ty Shyang Hung Cheng (khu sản xuất An Thạnh, Bình Dương), sau sáu năm làm việc tại đây cũng đã xin nghỉ việc. Nghề mới hiện nay của anh là buôn dừa. Anh Thành tính toán nếu làm công nhân có tăng ca như bây giờ cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Mấy năm trước công ty làm ăn được, công nhân tăng ca đều đều thì một tháng anh kiếm được khoảng 4 triệu đồng. Bây giờ công ty đang gặp khó khăn, ít việc, nhiều người như anh đã nghỉ việc chuyển sang nghề khác. Bạn bè anh người đi học cắt tóc, người về quê làm, có người tính đến chuyện đi bán vé số sống qua ngày. “Mới sáng nay ra đến cổng, bà chủ nhà trọ đã níu lại nhắc tiền nhà trọ tháng sau sẽ tăng thêm 50.000 đồng/phòng”, anh Thành than thở.

Dịch chuyển lao động theo mùa

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết sự dịch chuyển lao động (người lao động nghỉ việc, chuyển việc) từ đầu năm đến nay ở TP.HCM vào khoảng 20%. Con số này được tổng hợp từ thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong các KCX-KCN TP.HCM, số liệu từ các doanh nghiệp bên ngoài và khảo sát trên mạng. “Qua tết thường là thời điểm doanh nghiệp có ít đơn hàng, đến khoảng tháng 5-6 tình hình sản xuất mới ổn định trở lại. Khi không có đơn hàng thì âm thầm cắt giảm, nhất là lao động phổ thông, khi có đơn hàng lại tuyển vào”, ông Tuấn đánh giá.

NGUYỄN NAM - TRẦN HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp