05/12/2023 18:22 GMT+7

Doanh nghiệp FDI muốn đầu tư, địa phương nghe 'có vẻ bị ô nhiễm' đã bỏ qua

Đó là tình trạng tại một số địa phương hiện nay được tổng biên tập báo Thanh Niên chia sẻ tại hội thảo về vấn đề xanh hóa ngày 5-12.

Các diễn giả tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" - Ảnh: NHẬT THỊNH

Các diễn giả tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" - Ảnh: NHẬT THỊNH

Chỉ tiêu cao hơn cả các nước phát triển

Tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - tổng biên tập báo Thanh Niên - chia sẻ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài phản ánh đến báo Thanh Niên rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào "có vẻ ô nhiễm là không mặn mà, thậm chí gạt luôn đi".

Ông Toàn nhấn mạnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là con đường tất yếu song trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực hiện nay, nếu không thống nhất quan điểm, không có một bộ tiêu chí cụ thể, rất có thể sự cẩn trọng cũng như áp lực tăng trưởng xanh lại khiến chúng ta mất đi các dự án lớn vào các ngành quan trọng để phát triển đất nước.

Tương tự, ông Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh sản xuất xanh là tấm thẻ thông hành để vào thị trường thế giới, không bàn cãi.

Tuy nhiên, quá trình xanh hóa không thể vội vàng, ngủ một đêm dậy xanh ngay. Ví như trường hợp chuyển đổi năng lượng sạch nhưng vẫn cần đảm bảo an ninh năng lượng nên trước mắt không thể bỏ luôn điện than.

Theo ông Lộc, hiện vẫn có một số tỉnh thành không cho phép doanh nghiệp mở rộng dự án sản xuất dù họ đảm bảo các tiêu chuẩn như các nước phát triển. Hay thậm chí một số chỉ tiêu của bộ ngành đưa ra còn cao hơn cả các nước phát triển.

"Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Cần cẩn trọng từng bước, chọn lộ trình phù hợp, nếu đi sai đường rất dễ chệch hướng", ông Lộc nhận định.

Lọc công nghệ, không 'lọc ngành'

Từ những khó khăn thực tiễn, ông Lộc đề xuất các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo cụ thể để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng theo chuẩn để thúc đẩy và giám sát đầu tư.

Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh.

"Quá trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ", ông Lộc nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng thời điểm hiện tại là cơ hội có một không hai để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. 

Nhận diện một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh, vị chuyên gia kinh tế này phân tích: Vốn đâu để chuyển đổi? Chúng ta đang theo hướng tiếp cận với các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới, đó là cách giải quyết hiệu quả nhưng không hề dễ dàng.

Cũng còn thách thức chính từ nội tại, đó là doanh nghiệp Việt quá nhỏ, muốn chuyển đổi rất khó về cả tiềm lực và năng lực. Ngoài ra, hạ tầng, nguồn đất tại các địa phương cũng đang vô cùng hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao.

Dẫn chứng bài học thành công của Bình Dương, ông Thiên lưu ý quá trình chuyển đổi công nghiệp hóa phải triển khai theo nghĩa đặt kinh tế xanh như mục tiêu. Lọc ngành, phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, "lọc công nghệ, không lọc ngành".

"Đây là thời đại "đi trước ăn to", chúng ta phải khuyến khích làm sao để người ta chấp nhận một chút rủi ro mà sẵn sàng hành động", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. 

"Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công", TS Trần Đình Thiên nói.

Dệt may Việt Nam chật vật trước Dệt may Việt Nam chật vật trước 'tiêu chuẩn xanh' của các nước phát triển

Trong bối cảnh khó khăn, thiếu đơn hàng, doanh nghiệp dệt may phải chật vật tồn tại trên thị trường. Các nước phát triển là thị trường trọng điểm liên tục ra các luật định mới về xanh hóa, phát triển bền vững... khiến ngành dệt may càng điêu đứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp