Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thể tiếp cận vốn giá rẻ từ gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại của Chính phủ - Ảnh: T.T.
Nghịch lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã "đói vốn" nhưng không thể tiếp cận được gói hỗ trợ giảm 2% lãi vay thương mại do Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại trên cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, trước thềm kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc vào cuối tháng 10-2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8-2022 chính sách hỗ trợ 2% lãi suất các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình mới thực hiện được 13,5 tỉ đồng. So với quy mô gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỉ đồng thì tỉ lệ hỗ trợ chỉ đạt khoảng 0,03%, một con số rất thấp.
Theo nghị quyết 43/022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong 2 năm (2022-2023), ngân sách nhà nước sẽ tăng chi khoảng 176.000 tỉ đồng để thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Trong đó ngân sách nhà nước sẽ phân bổ 40.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi vay thương mại cho doanh nghiệp thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, phần còn lại được bố trí cho các dự án y tế, giao thông, nhà ở xã hội, đào tạo dạy nghề, việc làm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến cuối tháng 9-2022 kết quả thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 61.000 tỉ đồng.
Cụ thể giải ngân 5 chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỉ đồng.
Giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã thực hiện khoảng 3.545 tỉ đồng và hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động.
Đối với các khoản hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, đến nay đã thực hiện miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 39.422 tỉ đồng.
Đồng thời các bộ, ngành đã thực hiện gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 97.895 tỉ đồng, chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.
Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký VCCI - cho rằng tiếp cận vốn đang là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng, nhu cầu mở rộng sản xuất cũng tăng nên nhu cầu vốn rất lớn.
Và trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang cạn kiệt tích lũy, phải đối mặt với áp lực trả các khoản nợ cũ thì tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp là ưu tiên số một.
Nhưng muốn tiếp cận vốn, cần có sự nỗ lực từ hai phía, bản thân doanh nghiệp cần có sổ sách tài chính, kế toán rõ ràng, minh bạch. Đây chưa phải là điểm mạnh của nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa thực sự chuyên nghiệp về sổ sách kế toán.
Nhiều doanh nghiệp chưa có đủ tài sản thế chấp để vay vốn, muốn vay vốn doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, bảo đảm cho các khoản vay vẫn rất phổ biến, ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua nhiều hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có kiến nghị gửi đến VCCI cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên thúc đẩy gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, rẻ hơn.
Cần cải thiện điều kiện vay vốn theo hướng thuận lợi hơn để nguồn vốn hỗ trợ tới được với nhiều doanh nghiệp hơn vì đây là chương trình rất quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ngân hàng Nhà nước cần thúc giục, hỗ trợ ngân hàng thương mại để họ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận