Tại tọa đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 10-10, ông Ngô Hữu Trường - phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - đã nêu ra các giải pháp để đưa bất động sản về giá trị thực.
Theo ông Trường, thị trường bất động sản vẫn đang chịu nhiều tổn thương, khách hàng bị ảnh hưởng và lòng tin của thị trường chưa thể phục hồi.
Về phía các chủ đầu tư, nhiều công ty bất động sản đang đối mặt với khó khăn pháp lý, lượng hàng tồn kho còn lớn và dòng tiền bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án mới cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng cũ vẫn gặp trở ngại, dẫn đến chi phí tăng cao, thời gian chờ đợi pháp lý càng lâu thì chi phí càng gia tăng.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, ông Trường cho rằng doanh nghiệp phải hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới.
Quan trọng nhất là làm sao giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết giảm chi phí.
Đối với giải pháp cho doanh nghiệp địa ốc, ông Trường cho rằng phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc và hướng đến đúng khách hàng tiềm năng.
"Doanh nghiệp phải quay về thực tế, làm sao để có nhà thật, bất động sản thật và đúng giá trị của nó.
Đồng thời cần chọn đúng điểm rơi để dự án xử lý nhanh, gọn lẹ và hấp thụ được", ông Trường nói.
Ngoài ra, ông Trường cho rằng cần phải định giá đúng, quay về giá trị thực, không giống như giai đoạn trước khi "thị trường lên thì 1-2-3 chúng ta cùng lên".
Theo ông Trường, doanh nghiệp cần phải cân đối về mặt chi phí đầu tư, lợi nhuận hợp lý để định giá đúng.
"Bốn dự án được cấp phép năm nay đều là cao cấp, ví dụ như khu vực quận 2 cũ lên đến 10.000 USD/m² (tương đương 250 triệu đồng/m²) thì cao quá", ông Trường cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng để giảm giá nhà, cần phải tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền.
Nhưng muốn tăng nguồn cung phải giải quyết hơn 148 dự án đang vướng mắc, tồn đọng. Đơn cử dự án gồm 1.000 căn, thị trường sẽ có thêm đến 148.000 căn hộ mới, điều này trực tiếp điều tiết thị trường và kéo giảm giá nhà.
"TP.HCM và doanh nghiệp cần tăng sản phẩm nhà ở, đặc biệt sản phẩm nhà ở vừa túi tiền. Đồng thời nếu triển khai thành công 1 triệu căn nhà xã hội sẽ kéo giảm giá nhà", ông Châu nói.
Người dân nộp thêm 5.888 hồ sơ đất đai
Tại tọa đàm, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay đã giải quyết xong tất cả các hồ sơ tồn đọng từ ngày 1-8 đến 21-9, với tổng số 15.800 hồ sơ.
Từ ngày 23-9 đến 3-10, người dân và doanh nghiệp đã nộp thêm hơn 5.888 hồ sơ, trong đó gần 3.800 hồ sơ đã được giải quyết, còn lại hơn 1.900 hồ sơ đang trong thời gian chờ xử lý.
Cục Thuế đang tích cực động viên các chi cục thuế đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo không để xảy ra vướng mắc.
Ông Đào Quang Dương - phó phòng kinh tế đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho hay sáng 10-10, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và TP Thủ Đức để đánh giá toàn diện về bảng giá đất, tình hình kinh tế - xã hội, và các ngành nghề nhằm phân tích từng lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ đối với lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, việc áp dụng bảng giá đất mới đang được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mức thu hợp lý và phù hợp với từng lĩnh vực.
Mục tiêu là khi bảng giá đất mới được ban hành sẽ giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế TP.HCM và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận