"Sau COVID-19, du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ. Nhiều quốc gia muốn đưa khách vào nhưng visa du lịch đang làm khó các doanh nghiệp", ông Nguyễn Sơn Thủy, giám đốc Công ty Du lịch Visit Indochina, chia sẻ.
Visa du lịch đang là điểm nghẽn
Đánh giá về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm, ông Đặng Mạnh Phước, chuyên gia du lịch, cho rằng Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nằm trong top 3 của khu vực Đông Nam Á về thị trường khách quốc tế.
Nhiều điểm đến được làm mới, các hãng lữ hành liên tục đổ khách khiến du lịch sôi động trở lại.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nêu Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có ngành du lịch phát triển và đa dạng nhất thế giới.
Cả nước có hơn 38.000 cơ sở lưu trú, lượng khách liên tục tăng qua các năm.
Dù tăng trưởng nóng, đóng góp lớn vào thu nhập xã hội, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng có nhiều rào cản vô hình đang tồn tại khiến Việt Nam chưa tận dụng được các thị trường tiềm năng.
Đặc biệt trong giai đoạn mở cửa từ sau COVID-19 tới nay, nhiều nước đã áp chính sách phá rào visa để đưa khách ùn ùn tới các điểm đến. Một trong số đó là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Thái Lan…
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - giám đốc Công ty Du lịch Visit Indochina, visa đang trói buộc các công ty lữ hành.
"Doanh nghiệp chúng tôi đang khai thác 10 thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là một số nước ở châu Á như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Thời gian qua khách từ Ấn Độ, Đài Loan quay lại Việt Nam nhiều. Nhưng visa đang thực sự rất khó cho các đơn vị lữ hành. Trước đây Nha Trang (Khánh Hòa) từng áp dụng cởi mở visa du lịch và cho thấy hiệu quả.
Ở miền Trung có nhiều điểm đến khách rất yêu thích như cố đô Huế, Đà Nẵng, Hội An… Tôi nghĩ các địa phương nên sớm kiến nghị để tháo gỡ, cởi trói thủ tục nhằm đưa khách vào nhiều hơn trong thời gian tới" - ông Thủy nói.
"Chính sách visa hiện nay đã tốt rồi, nhưng để thu hút khách nhiều hơn thì cần thông thoáng hơn, đặc biệt tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một số thị trường tiềm năng" - ông nói thêm.
Không nên tự đặt rào cản "mùa thấp điểm"
Chia sẻ về bối cảnh du lịch miền Trung, các diễn giả và đại diện các công ty lữ hành cho rằng Đà Nẵng đang liên tục ghi điểm và nổi lên như một điểm đến đa dạng, được khách du lịch yêu thích nhất.
Nhờ nỗ lực làm mới các sự kiện, doanh nghiệp lớn tạo ra các hoạt động có chất lượng nên Đà Nẵng là tâm điểm miền Trung.
Tuy nhiên, khi theo dõi biến động lượng khách trong năm, các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn tính "mùa vụ" trong du lịch Đà Nẵng.
Nêu quan điểm riêng, bà Nguyễn Thị Hoài An, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng địa phương đang nỗ lực hết mình để tạo sản phẩm hấp dẫn cho du khách. Về "tính mùa vụ", bà An cho rằng không nên tự đặt những rào cản này bởi mỗi mùa ở Đà Nẵng đều có những sản phẩm, có sự hấp dẫn riêng.
Theo ông Trần Hoàng Linh - đại diện Vietjet miền Trung, vận tải hàng không quốc tế đến Huế, Đà Nẵng, Hội An đang sôi động trở lại. Các chuyến bay này luôn kín khách, du lịch Việt Nam đang càng ngày càng hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Ông Linh cũng cho hay để tăng cường khách từ Ấn Độ, sắp tới đây Vietjet sẽ nối thêm một đường bay thẳng giữa hai nước. Khách Ấn sẽ đổ vào miền Trung nhiều hơn.
Về chặng bay từ miền Trung đi Phú Quốc, ông Linh cũng cho biết sẽ nối lại "ở thời điểm thích hợp".
Triển lãm và diễn đàn công nghệ đổi mới sáng tạo ngành khách sạn HorecFex Việt Nam 2024 diễn ra lần đầu tiên tại Đà Nẵng, từ ngày 23 đến 24-9.
Diễn đàn quy tụ hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ du lịch, các diễn giả trong nước và quốc tế, đại diện chính quyền và ngành du lịch nhiều tỉnh miền Trung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận