20/08/2015 08:21 GMT+7

Doanh nghiệp đề nghị mua ĐH An Giang

H.TRÍ DŨNG - Đ.VỊNH - C.QUỐC (tridung@tuoitre.com.vn)
H.TRÍ DŨNG - Đ.VỊNH - C.QUỐC ([email protected])

TT - Mấy ngày qua thông tin Trường ĐH An Giang đã được UBND tỉnh đồng ý bán lại cho một doanh nghiệp lớn ở tỉnh này khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Trường ĐH An Giang có mặt bằng và cơ sở vật chất rất khang trang, to đẹp - Ảnh: Đ.VỊNH
Trường ĐH An Giang có mặt bằng và cơ sở vật chất rất khang trang, to đẹp - Ảnh: Đ.VỊNH

Tuổi Trẻ đã tìm hiểu thực hư xung quanh câu chuyện này.

Ngày 19-8, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, TS Võ Văn Thắng, hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, xác nhận vừa qua Tập đoàn Sao Mai - An Giang đề nghị với UBND tỉnh xin mua lại ĐH An Giang, hoặc nếu trường chuyển sang cổ phần hóa thì sẽ tham gia với tư cách là cổ đông lớn nhất.

“Nhưng đây mới là ý tưởng, hiện chưa có đơn vị nào làm việc với trường về nội dung liên quan đến việc chuyển đổi hay mua bán gì” - ông Thắng nói.

Mua hoặc là cổ đông chi phối

Ông Trương Vĩnh Thành, phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết ĐH An Giang vốn được đầu tư cơ sở vật chất... thuộc dạng lớn, đẹp.

Trong khi đó, mỗi năm nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, do là trường ĐH thuộc tỉnh nên ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại. Tình trạng ấy kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ GD-ĐT nhưng không được. Đã thế chất lượng đào tạo còn hạn chế, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, tỉ lệ thất nghiệp khá nhiều.

“Chúng tôi nhận thấy điều đó nên muốn đầu tư để trường trở thành ĐH quốc tế đầu tiên tại ĐBSCL, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng hội nhập, vừa giảm gánh nặng ngân sách đầu tư” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, Tập đoàn Sao Mai đặt trụ sở tại An Giang nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực và đặc biệt là xuất khẩu nên có mối quan hệ với một số tập đoàn quốc tế. Khi đề cập ý tưởng này, một số đơn vị, giáo sư ở Mỹ ủng hộ, cam kết sẽ hỗ trợ, từ đó tập đoàn mạnh dạn đề nghị với UBND tỉnh An Giang xin mua lại cơ sở vật chất hoặc liên kết, tham gia 51% cổ phần.

Về vấn đề dư luận đặt ra phải chăng việc này nhằm mục đích mua đất ở khu vực ĐH An Giang, ông Thành giải thích: “Theo Luật đất đai thì đất hiện hữu của trường thuộc diện Nhà nước cho thuê, tập đoàn chỉ đề nghị mua lại cơ sở vật chất của trường hoặc tham gia cổ đông chứ chưa đề cập gì tới chuyện liên quan đất đai. Hiện nay UBND tỉnh An Giang giao cho Sở GD-ĐT và một số sở ngành của tỉnh xem xét, nghiên cứu để cụ thể hóa đề nghị này. Tập đoàn Sao Mai đang chờ chủ trương cho phép của Chính phủ tới đâu, nếu thấy khả thi sẽ triển khai thực hiện”.

Đã đồng ý chủ trương

Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết Tập đoàn Sao Mai vừa qua có đề nghị UBND tỉnh về chuyện mua lại, hợp tác liên kết hoặc tham gia cổ đông lớn nhất nếu ĐH An Giang cổ phần hóa, với mục đích tham gia đầu tư để trường này trở thành trung tâm liên kết đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Sau khi tham khảo nhiều ý kiến, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở GD-ĐT cùng một số sở ngành nghiên cứu chọn phương án, hình thức chuyển đổi tối ưu.

“Về chủ trương là tỉnh sẵn sàng giao cho Tập đoàn Sao Mai nếu chọn ra được phương án thiết thực, hiệu quả. Sau khi chuyển đổi, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quản lý, giám sát, hỗ trợ để trường phát triển theo đúng mục đích đề ra” - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cho rằng An Giang đông dân, ngân sách đầu tư cho giáo dục phổ thông khá lớn vốn đã là gánh nặng cho tỉnh.

Trường ĐH An Giang được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho An Giang và một số tỉnh lân cận, do tỉnh An Giang quản lý, lo kinh phí đảm bảo hoạt động mỗi năm tới 70 - 80 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động vào năm 2000, Bộ GD-ĐT chỉ cấp 5 tỉ đồng, từ đó đến nay không hỗ trợ thêm gì dù UBND tỉnh An Giang nhiều lần kiến nghị.

Tỉnh đã đề nghị giao trường về Bộ GD-ĐT nhưng bộ lại không chịu nhận. Cũng do thiếu kinh phí nên trường không thể nâng cao chất lượng đào tạo, không thể mở thêm ngành nghề đào tạo. Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, ngành sư phạm năm nay có 600 sinh viên ra trường nhưng chỉ tuyển dụng 30 người.

“Thực tế này buộc phải tìm hướng đi, chuyển đổi cách làm. Mô hình ĐH tự chủ cũng đã được chấp nhận, nên khi Tập đoàn Sao Mai đề nghị thì tỉnh cũng đồng tình” - ông Hiệp giãi bày.

GS Võ Tòng Xuân (từng là hiệu trưởng Trường ĐH An Giang những năm đầu mới thành lập):

GS Võ Tòng Xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC
GS Võ Tòng Xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nên giao lại cho Bộ GD-ĐT

“Tôi mới nghe phong thanh việc bán trường. Đây là việc không hay, tôi thấy rất buồn. Từ năm ngoái tôi nghe nói vấn đề này rồi, ban giám hiệu trường phải tự túc, lấy thu bù chi để cân đối. Nếu giao cho Tập đoàn Sao Mai, họ là công ty, học phí cao thì hình ảnh của trường mình ở đâu?”.

Về việc tỉnh có tham khảo ý kiến của ông trước khi bán trường, GS Võ Tòng Xuân cho biết “hoàn toàn không có”. Về giải pháp giải quyết vấn đề, ông Xuân gợi ý: “Bây giờ chỉ có một cách là thương thuyết cho Bộ GD-ĐT nhận trường này. Tốt nhất là đặt vấn đề với Thủ tướng, để Thủ tướng có quyết định nên thành lập trường công hơn trường tư”.

“Chúng tôi rất bất ngờ và rất tiếc”

Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Ảnh: Đ.VỊNH
Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Ảnh: Đ.VỊNH

Xung quanh chuyện bán trường cho Tập đoàn Sao Mai - An Giang, TS Võ Văn Thắng - hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ.

* Việc bán trường thực tế như thế nào, khi có thông tin này thì tâm lý cán bộ giảng viên ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi nhận thông báo kết luận của chủ tịch UBND tỉnh trong tuần rồi. Đón nhận thông tin này tôi rất tiếc, rất bất ngờ. Trong trường cũng có người chưa hay, còn ai hay rồi cũng phản ứng rằng trước đây họ chỉ nghe bán đất, ai dè bây giờ có cả chuyện bán trường. Mấy ngày nay tôi phải ổn định tư tưởng cán bộ nhân viên vì có tình trạng hoang mang, trưa nay tôi tiếp tục đề nghị các chi bộ khi sinh hoạt cần nói rõ tình hình cho anh em biết.

* Là người trực tiếp điều hành, ông đánh giá hiệu quả hoạt động của trường thế nào? Liệu chi phí hoạt động của trường có quá sức với ngân sách của tỉnh?

- Hiện chi phí hoạt động của trường mỗi năm khoảng 70 - 80 tỉ đồng. Nếu so sánh với một tỉnh nông nghiệp như An Giang thì đó là gánh nặng, nhưng so sánh chỗ khác thì nhẹ thôi. Trường có 858 cán bộ nhân viên, trong đó cán bộ giảng dạy gần 600, tỉ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên gần 70%.

Mỗi năm hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Năm nay đầu vào dự kiến chỉ tiêu 3.200 nhưng rà sơ trúng tuyển 3.400 rồi. Trường có đội ngũ nhân lực quá lớn, đã làm được cho tỉnh và khu vực rất nhiều. Tính tới năm rồi trường đã có 15.000 - 16.000 sinh viên ra trường. Biết gánh nặng của tỉnh về ngân sách nên trường cũng đã tiến hành tự chủ từ từ.

Như trung tâm tin học chúng tôi tự chủ bằng việc thu tiền người học, rồi trung tâm ngoại ngữ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, và sắp tới ký túc xá tỉnh giao lại chúng tôi cũng tự chủ để giảm gánh nặng ngân sách tỉnh.

* Ông lo ngại nhất điều gì nếu trường được bán cho Tập đoàn Sao Mai? Phía tập đoàn có làm việc gì cụ thể với trường chưa?

- Tôi khẳng định là chưa lần nào bên Sao Mai gặp để bàn, thảo luận vấn đề này. Hôm UBND tỉnh mời làm việc thì tôi đi công tác, đây cũng là lần đầu tiên trường được mời, chứ trước đó không có thảo luận gì cả.

Hiện nay câu hỏi nhiều anh em đặt ra là: Thứ nhất, nếu chuyển từ mô hình công sang tư thì xử lý bộ máy nhân sự hiện tại thế nào, tài sản đang có sử dụng ra sao? Hồi xưa lấy đất dân làm trường học của Nhà nước, nay chuyển cho tư nhân thì thế nào?

Tài sản xây dựng mấy năm nay, rồi đầu tư thì xử lý ra sao, vì đâu đơn giản nhà tôi đang ở anh vô bỏ 51% để sau đó chi phối, điều hành, đến lúc nào đó anh tuyên bố sử dụng không hiệu quả rồi chuyển đổi mục đích kinh doanh. Nếu trường xây dựng 1.000 tỉ đồng mà tập đoàn bỏ ra 1.000 tỉ đồng để mua thì tôi không buồn. Còn đằng này họ tham gia 51% cổ phần để nắm quyền điều hành.

Hiện đất của trường là đất vàng của thành phố. Ngay trung tâm là 3,2 triệu đồng/m2, trong đó khu cũ 40ha, khu mới hơn 10ha. Trong số này chúng tôi còn khu liên hợp thể thao khoảng 5ha (chuẩn bị xây nhà đa năng).

* Ông có lưu ý gì trong việc nếu trường được bán thật sự?

- Nói một cách chân tình, bất kỳ thay đổi nào trong giáo dục tôi cho rằng phải suy nghĩ thận trọng. Chỉ cần một sai lầm nhỏ thì trả giá lớn.

Giờ cán bộ của tôi bắt đầu có người muốn đi, mà nếu bán thật sự thì bỗng nhiên trường bị mất 36 tiến sĩ, tình hình lộn xộn khiến An Giang mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ lâu họ về đây, chấp nhận đồng lương thấp 5 triệu đồng/tháng và chấp nhận gắn bó với tỉnh.

Chúng ta không thể so sánh đầu tư cho giáo dục với đầu tư cho kinh tế, vì đầu tư cho kinh tế thì mang lại lợi nhuận ngay, nhưng đầu tư cho giáo dục thì hiệu quả lại khác: đó là đầu tư cho con người, đầu tư cho nguồn nhân lực của tỉnh và của vùng.

H.TRÍ DŨNG - Đ.VỊNH - C.QUỐC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp