Một số doanh nghiệp đầu mối, nhất là doanh nghiệp nhà nước, bức xúc cho rằng cần xem xét lại cơ sở phân bổ tổng nguồn, đảm bảo phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp cũng như công bằng trong cạnh tranh.
Chiết khấu giảm do hàng khan hiếm?
Chuyên mua hàng ở một thương nhân phân phối gửi hàng tại kho Nhà Bè, một doanh nghiệp xăng dầu ở một tỉnh phía Nam cho hay do nguồn xăng dầu không đầy đủ như trước nên doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn ở các kho lân cận.
Tuy vậy, nguồn hàng cũng không nhiều hoặc mức chiết khấu rất thấp, chỉ vài trăm đồng, khiến doanh nghiệp thêm "nản".
"Mỗi tuần chúng tôi có 3 - 4 lần nhập hàng với khối lượng cho mỗi lần lấy về khoảng 18.000 lít. Vừa rồi đơn vị phân phối hàng cho biết chỉ có dầu, còn xăng bị hạn chế. Do chỉ lấy nguồn hàng từ một nhà phân phối nên chúng tôi cũng lo có thể không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mặc dù biết là chiết khấu rất thấp" - vị này cho hay.
Theo một thương nhân bán lẻ tại TP.HCM, nguồn hàng không thiếu nhưng mức chiết khấu quá thấp khiến các nhà bán lẻ không mặn mà với việc kinh doanh.
"Trong thực tế do giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian dài, doanh nghiệp đầu mối thua lỗ nặng nên khi giá bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, đầu mối bóp chiết khấu để bù đắp lại các khoản thua lỗ trước đó", vị này nói.
Ngoài ra dù các đầu mối đều có trữ hàng, nhưng do ảnh hưởng của bão lũ khiến tàu bè về không kịp, có thời điểm nguồn cung bị gián đoạn cục bộ. Vì vậy mức chiết khấu giảm mạnh còn 500 - 600 đồng, thậm chí có thời điểm chỉ còn 300 - 400 đồng/lít.
Với giá xăng dầu giảm liên tục thời gian qua, trong khi chu kỳ điều chỉnh giá quá nhanh chỉ trong 7 ngày, các nhà bán lẻ cũng không dám nhập về nhiều do có nguy cơ thua lỗ nặng nếu không bán hết. Khi giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại thời gian gần đây, các đầu mối và thương nhân phân phối lại giảm chiết khấu.
"Khi doanh nghiệp lỗ quá thì không muốn nhập hàng vào. Những đơn vị có tài chính tốt, làm chuyên nghiệp đều có dự trữ, gối đầu 2 - 3 ngày để không bị thiếu hàng. Nhưng nếu chiết khấu thấp quá, không có hiệu quả kinh doanh thì sẽ phải cân nhắc để nhập lượng hàng phù hợp nhằm tránh thua lỗ" - doanh nghiệp này bộc bạch.
Một thương nhân phân phối tại miền Nam cũng cho hay việc lấy hàng không khó, nhưng các thương nhân đầu mối chỉ bán đúng sản lượng đã ký theo hợp đồng với các nhà phân phối.
Đặc biệt khi giá có xu hướng tăng, chiết khấu giảm xuống, hoặc nguồn cung có dấu hiệu khan hàng, thiếu hàng cục bộ, các thương nhân phân phối và đại lý muốn mua nhiều hơn cũng không thể có hàng.
"Ngược lại khi giá có xu hướng giảm, mức chiết khấu tăng cao, doanh nghiệp không thể nhập hàng về nhiều do lo ngại thua lỗ. Vì vậy doanh nghiệp chỉ nhập đủ lượng hàng để bán, không thể hoặc không dám đầu cơ do thị trường hiện nay có quá nhiều rủi ro", vị này giải thích.
Đầu mối lỗ nặng vì tồn kho, giá giảm
Trong khi các thương nhân phân phối, đại lý và cửa hàng bán lẻ lo lắng trước tình trạng bóp chiết khấu, nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng đang "đau đầu" vì mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (lượng hàng được phân bổ yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo đủ nguồn theo phân giao - PV) được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm khó có thể đạt được.
Theo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở miền Nam, do giá giảm liên tục suốt mấy tháng qua nên doanh nghiệp đầu mối cứ ôm hàng về là lỗ. Đặc biệt là với doanh nghiệp xăng dầu nhà nước được phân giao tổng nguồn số lượng lớn, trong khi lượng tiêu thụ không theo kịp.
Hơn nữa chu kỳ điều chỉnh giá chỉ trong 7 ngày, nên khi doanh nghiệp nhập hàng về, tồn kho lớn lên tới vài chục tỉ đồng. Riêng doanh nghiệp này xin điều chỉnh giảm 30% hạn ngạch được phân giao nhưng vẫn chưa được đồng ý.
"Năm nay cạnh tranh thị trường rất lớn, giá xuống liên tục. Trong khi lượng phân giao tổng nguồn lớn nên hàng tồn kho nhiều, dẫn tới khi giá giảm thì lỗ.
Vì vậy chúng tôi buộc phải giảm chiết khấu cho các đại lý và thương nhân phân phối, song lại gặp tình cảnh éo le hơn là sẽ càng bị mất khách. Nhiều đơn vị đã quay sang lấy hàng của nhà cung cấp khác có giá cạnh tranh hơn" - doanh nghiệp này than thở.
Trong khi đó, một thương nhân đầu mối tư nhân cho biết không gặp quá nhiều áp lực về việc phân giao tổng nguồn tối thiểu, thậm chí còn thực hiện vượt quá 300%.
Lý do là doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều chính sách để linh hoạt mức chiết khấu, liên tục mở rộng đại lý, cửa hàng bán lẻ trên cả nước nên thu hút được khách hàng trên thị trường, tăng lượng tiêu thụ. Điều này cũng giúp doanh nghiệp thoát được lỗ.
Bất cập cơ chế phân phối tổng nguồn?
Theo các thương nhân đầu mối, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu xin điều chỉnh tổng nguồn tối thiểu là do việc phân giao, phân bổ sản lượng của Bộ Công Thương không hợp lý.
Trong khi các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước được giao sản lượng ở mức cao, chiếm 70 - 80% thị trường, các doanh nghiệp tư nhân chỉ phải đảm nhận sản lượng thấp hơn nhiều.
Do đó khi thị trường có biến động về giá cả, nhu cầu thị trường giảm sút, doanh nghiệp được phân giao nhiều phải đối mặt với thua lỗ lớn. Thực tế có doanh nghiệp đầu mối chỉ được phân giao tổng nguồn mỗi tháng chưa đến 2.000m3 là mức quá thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhà nước được phân giao đến hàng trăm nghìn m3/tháng, thậm chí gần 1 triệu m3/tháng.
Theo vị này, việc phân giao tổng nguồn không có cơ sở, không phù hợp với năng lực doanh nghiệp và tình hình thị trường, nên những đơn vị nào bị phân giao tổng nguồn ở mức cao đều khó thực hiện.
Ngược lại, các doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn thấp lại có lợi thế khi chỉ cần nhập về đủ sản lượng đã được giao, sau đó có thể "canh me" các đơn vị đầu mối đang có hàng tồn lớn để mua vào và bán lại cho thị trường để hưởng lợi.
"Cơ chế phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đang bộc lộ nhiều bất cập. Chúng tôi được phân giao quá nhiều, trong khi sản lượng tiêu thụ rất hạn chế, lúc nào cũng thừa đầy kho nên phải chịu lỗ lớn.
Các doanh nghiệp đầu mối khác chỉ được giao tổng nguồn ở mức thấp, không chịu áp lực tồn kho nên cạnh tranh tốt hơn. Chúng tôi kiến nghị xin điều chỉnh tổng nguồn sao cho phù hợp và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp" - một thương nhân đầu mối nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong năm 2024, Bộ Công Thương thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (gồm từ nhập khẩu, sản xuất, pha chế và mua từ nguồn trong nước tại các nhà máy lọc dầu) cho 36 doanh nghiệp đầu mối.
Đáng chú ý là trong khi có những doanh nghiệp được phân giao từ vài trăm nghìn đến cả triệu m3/tấn xăng dầu, có doanh nghiệp chỉ được giao tạo nguồn với sản lượng rất nhỏ, chỉ vài chục nghìn m3/tấn.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, một số thương nhân kiến nghị điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao với lý do nhu cầu của người dân về cơ bản không có sự tăng trưởng đột biến.
Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, một số doanh nghiệp bị lỗ do giá xăng dầu giảm mạnh thời gian gần đây, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối đang gặp khó khăn.
Tổng nguồn được phân giao chênh lệch lớn
Theo phân giao của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có vai trò tạo nguồn lớn nhất với 11,5 triệu m3/tấn, bình quân gần 1 triệu m3/tháng; kế đến là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với hơn 6 triệu m3/tấn, Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ hơn 1,3 triệu m3/tấn...
Trong khi đó, một số doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn rất thấp. Chẳng hạn Công ty xăng dầu Tây Nam S.W.P hơn 48.000 m3, tương đương 4.000 m3/tháng; Công ty Xăng dầu Vĩnh Long Petro là 27.182 m3, tương đương 2.260 m3/tháng; Công ty CP Phúc Lộc Ninh 21.746 m3, tương đương 1.812 m3/tháng...
Các bộ ngành phải chịu trách nhiệm về việc thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước nhân dân nếu thiếu chủ động để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Bộ Công Thương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Tài chính cập nhật, rà soát và điều chỉnh các chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu; bảo đảm thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, giám sát việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu...
Tồn kho 8 tháng tăng 8%
Theo báo cáo từ Vụ Thị trường trong nước, tổng nguồn được phân giao cho 36 thương nhân đầu mối xăng dầu trong năm nay là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong đó 8 tháng đầu năm, tổng nguồn nhập khẩu và mua từ hai nhà máy trong nước của các thương nhân đầu mối là 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao.
Lượng tiêu thụ đạt 18 triệu m3/tấn; tồn kho khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Dự kiến 4 tháng cuối năm tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, ước tiêu thụ hơn 8 triệu m3/tấn và tồn kho 1 - 2 triệu tấn. Bộ Công Thương khẳng định nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối mới đây, ông Phan Văn Chinh - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp.
Do đó bộ sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp để đáp ứng mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận