Hiện trường nơi xảy ra vụ xô xát giữa người dân và bảo vệ của Công ty Long Sơn tại tiểu khu 1535 thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc công ty tổ chức lực lượng đi “cưỡng chế” đất là “hoàn toàn trái pháp luật”.
Theo luật sư Quynh, khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp, bao gồm cả phần đất bị người dân xâm canh thì nguyên tắc vẫn phải xem xét hỗ trợ, bồi thường tài sản trên đất.
Luật sư Quynh cho rằng, các tranh chấp đất đai tại hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực hết sức phức tạp, dù vậy việc thu hồi đất cũng phải làm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
“Theo quy định khoản 3, điều 70 Luật đất đai năm 2013, “chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế”. Đồng thời việc cưỡng chế để thực hiện quyết định thu hồi đất phải căn cứ theo quy định tại Điều 71 Luật đất đai 2013.
Người dân cũng có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định cưỡng chế do chính quyền địa phương ban hành và tòa sẽ phân xử. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp không được tự ý tổ chức lực lượng với gậy gộc, dao rựa đi “cưỡng chế”, làm thay việc chính quyền” - luật sư Quynh phân tích.
Ở diễn biến liên quan, chiều 25-10, ông Nguyễn Hữu Huân - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho rằng Công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn đưa lực lượng đi lấy lại đất nhưng không hề báo với chính quyền và người dân địa phương đã dẫn đến vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng hôm 22-10.
Theo phản ánh của người dân, nhiều lần để lấy lại đất được UBND tỉnh Đắk Nông giao, Công ty Long Sơn (được giao dự án tại đây) đã tổ chức “cưỡng chế” thu đất, của người dân, làm thay việc của chính quyền.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu - phó giám đốc Công ty TNHH Long Sơn cho biết dù được UBND tỉnh Đắk Nông giao 1.091 ha từ năm 2006 nhưng cho tới cuối năm 2016 này công ty mới chỉ “thu hồi” chưa tới 500 ha, lí do chính là mỗi lần công ty “thu hồi” thì lại bị người dân ngăn chặn hết sức quyết liệt.
Riêng phần đất nơi xảy ra vụ việc ngày 22-10, công ty đã tổ chức “cưỡng chế” nhiều lần. Trước khi “cưỡng chế” công ty đều tổ chức thông báo, mời người dân tới đối thoại nhưng người dân vẫn không chịu hợp tác.
Ông Sửu cho biết khu vực mà công ty thực hiện dự án dân cư rất phức tạp, hầu hết người dân ở các nơi khác, có nhà cửa bề thế hẳn hoi, thậm chí có nhà xây dựng nhà bạc tỉ nhưng vẫn vô dựng lều để phát rẫy.
“Tất cả các công văn đi đến, họp dân thế nào, ý kiến tỉnh ra sao chúng tôi còn giữ đây hết. Chúng tôi cố gắng tìm cách đối thoại, giải quyết cho dân để lên phương án bồi thường nhưng dân không chịu thì phải làm thế nào? Như thế làm sao mà nói chúng tôi không hợp tác, không bồi thường theo yêu cầu của tỉnh được? Vấn đề là dân người ta không chịu, người ta không muốn bồi thường mà chỉ muốn giữ đất” - ông Sửu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận