Ngày 22-1, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo lắng nghe các ý kiến tâm huyết "hiến kế" để Bình Dương tăng trưởng 2 con số, góp phần vào sự phát triển vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Ngoài sự chủ trì, lắng nghe của ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cùng điều hành hội thảo còn có đại diện của Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu, các chuyên gia.
Ông Kim Jin Woo - chủ tịch Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc (KOCHAM) - cho biết ông coi Bình Dương như quê hương thứ hai, mong muốn cùng gắn bó, xây dựng Bình Dương phát triển.
Theo ông Kim Jin Woo, để Bình Dương tăng trưởng thì phải gắn với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, nhà đầu tư rất cần sự ổn định trong chính sách, tạo thuận lợi trong việc gia hạn giấy phép đầu tư, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)...
Ông Nguyễn Văn Khoa - tổng giám đốc Tập đoàn FPT - cho rằng nếu phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên thì sẽ có lúc cạn, còn nếu khai thác chất xám thì sẽ là nguồn lực bền vững. Ông Khoa cho rằng Bình Dương có lợi thế để lấy khoa học công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Khoa, cần làm sao để mỗi cán bộ, công chức đều có tình yêu với Bình Dương. Từ đó khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Dương thì không chỉ là lãnh đạo mời gọi mà mỗi cán bộ, công chức cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư.
TS Trần Du Lịch góp ý để "tăng trưởng 2 con số", Bình Dương cần có kế hoạch không chỉ cho năm 2025 mà còn cần dài hạn. Ông Lịch đề xuất Bình Dương cần có những đề xuất táo bạo, đột phá, như cần có nghị quyết đặc thù để Bình Dương phát triển như nghị quyết 98 với TP.HCM.
Bình Dương cũng cần có các dự án hạ tầng kết nối đột phá như đường sắt gắn với mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), đường kết nối để tránh cảnh từ TP.HCM về Bình Dương phải mất 2 tiếng như hiện nay...
TS Lịch cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, lấy đầu tư công để dẫn dắt, khuyến khích đầu tư của toàn xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thuận - tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (vốn nhà nước chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương) - cho biết với quy hoạch tỉnh Bình Dương vừa được thông qua đã xác định đường hướng rất rõ ràng, là công cụ quý báu để thu hút nguồn lực phát triển.
Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp tại các huyện, thị phía Bắc của tỉnh, trong khi các đô thị phía nam giáp với TP.HCM (gồm thành phố Dĩ An, Thuận An...) sẽ chuyển dịch sang phát triển thương mại, dịch vụ với hàm lượng chất xám cao hơn. Bình Dương nỗ lực thu hút đầu tư chất lượng cao để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình".
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết Bình Dương gắn với vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2024, mức tăng trưởng GRDP của Bình Dương là 7,48%. Để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, đạt tới tăng trưởng 2 con số thì Bình Dương luôn lắng nghe, đồng hành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp để tạo ra những đột phá trong thời gian tới.
Để "đi Bình Dương" không chỉ là "đi làm" mà còn là "đi chơi"
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết cụm từ "đi Bình Dương" đã rất nổi tiếng. Bình Dương là nơi mà người dân từ nhiều nơi tới làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần có các giải pháp để thay đổi nội hàm của cụm từ "đi Bình Dương". Làm sao để "đi Bình Dương" không chỉ là để "đi làm", mà còn là để "đi chơi", để hưởng thụ văn hóa.
Nhà báo Xuân Trung gợi ý Bình Dương nên mời gọi đầu tư các khu liên hợp thể thao đa năng, xây dựng những cao tốc kết nối TP.HCM và Bình Dương... Qua đó rút ngắn thời gian di chuyển, để mọi người đến Bình Dương không chỉ đi làm mà còn ở lại, sử dụng thương mại dịch vụ tại Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận