Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, bàn luận tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá", do báo Đầu Tư tổ chức vào ngày 31-10.
Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc về hạ tầng logistics
Mở đầu chủ đề thảo luận, câu chuyện hàng Trung Quốc vào Việt Nam thông qua sàn thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ, có những sản phẩm Việt Nam có thể sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách này? Nếu không làm được, không sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng chìa khóa thành công của Trung Quốc nằm ở một chiến lược phát triển logistics đồng bộ và nhất quán từ trung ương đến địa phương.
Ngay từ sớm, Trung Quốc đã nhận ra rằng logistics không chỉ là vận tải mà còn là hạ tầng thiết yếu quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế quốc gia.
Chính phủ nước này chủ động đầu tư lớn vào đường cao tốc, đường sắt và các trung tâm logistics quy mô, hiện đại.
Đặc biệt, với vai trò điều tiết mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính, Trung Quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp logistics bứt phá, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn mở rộng thị trường quốc tế.
Sự hỗ trợ này không chỉ nằm ở chính sách mà còn bao gồm các ưu đãi về thuế, đất đai, và các quy định hành chính được đơn giản hóa tối đa.
Việt Nam hiện có khả năng sản xuất nhiều sản phẩm tương tự Trung Quốc nhưng giá bán ra cao hơn, do chi phí logistics quá lớn. Với cấu trúc hạ tầng còn nhỏ lẻ, các trung tâm logistics chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và thiếu tính kết nối với hệ thống giao thông quốc tế.
Các trung tâm lớn như kho lạnh, kho nông sản và các khu vực lưu trữ hàng hóa chuyên dụng gần như chưa phát triển mạnh. Hạ tầng logistics tại Việt Nam vẫn phân tán, tự phát và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các vùng kinh tế trọng điểm.
Điều này khiến chi phí lưu kho, vận chuyển và phân phối sản phẩm tăng lên đáng kể, khiến sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá.
Theo ông Hải, sự manh mún trong hệ thống logistics khiến doanh nghiệp Việt phải chấp nhận chi phí vận tải cao gấp nhiều lần so với Trung Quốc. Đơn cử, hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam có thể đạt mức giá rẻ nhờ mạng lưới vận tải hiệu quả, trong khi chiều ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc chi phí cao hơn tới 10 lần.
Cần nhanh chóng thiết lập khu logistics quy mô lớn
Một giải pháp được các chuyên gia đề xuất là thiết lập các khu thương mại tự do và trung tâm logistics quy mô lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Đây là các khu vực đặc quyền mà hàng hóa có thể lưu thông mà không chịu thuế và quản lý hành chính phức tạp. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ lưu trữ hàng hóa mà còn thực hiện các dịch vụ gia tăng giá trị như đóng gói, phân loại và phân phối quốc tế.
Các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu đề xuất thí điểm các khu thương mại tự do này. Đồng thời, sân bay Long Thành đang được xây dựng cũng là một đầu mối tiềm năng để tạo ra các khu logistics chuyên dụng.
Những khu vực này không chỉ giúp hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam dễ dàng mà còn tạo nền tảng cho các dịch vụ logistics tại Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, như Lạng Sơn, Lào Cai có thể được thiết kế thành các khu logistics "thông minh" để tăng cường năng lực thông quan 24/7. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước láng giềng.
Dù vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn vướng cơ chế, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải dần tháo gỡ. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tương lai sẽ có bước chuyển mình mạnh cho hạ tầng logistics.
Ví dụ, làm việc với địa phương miền Trung, xây dựng khu xuyên biên giới. Khu đó như thế nào, nửa đất của Việt Nam, nửa đất bên bạn. Vậy áp dụng luật pháp giữa hai bên như thế nào…
Ông Bùi Thiên Thu - cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) - cho rằng các trung tâm logistics không chỉ phục vụ sản xuất nội địa mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối với các thị trường quốc tế. Việc đầu tư vào các khu thương mại tự do, các trung tâm logistics chuyên dụng và hệ thống giao thông thông minh là yếu tố sống còn để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.
Để làm được điều này, không chỉ cần nguồn lực tài chính mà còn đòi hỏi quyết tâm và phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nước ngoài hiến kế cách Việt Nam bứt phá logistics
Ông Yap Kwong Weng, CEO, Việt Nam SuperPort, nhấn mạnh sự phát triển logistics của Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nguồn lực và chính sách hỗ trợ nhất quán từ nhà nước.
Chính phủ Trung Quốc không chỉ cung cấp tài chính mà còn tạo ra các ưu đãi về thuế và đất đai, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tăng khả năng mở rộng và ứng phó với những biến động thị trường.
Chính sách này đã thúc đẩy hệ thống logistics của Trung Quốc phát triển, giúp họ có thể cạnh tranh toàn cầu với mức chi phí thấp và tốc độ cao.
Yếu tố thứ hai khiến logistics Trung Quốc hiệu quả là quy mô lớn của các trung tâm logistics, với các cơ sở được đầu tư bài bản và hiện đại.
Nhờ đó Trung Quốc có thể xử lý khối lượng hàng hóa khổng lồ một cách nhanh chóng và tối ưu, đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh và chi phí vận chuyển giảm xuống đáng kể. Đây là mô hình mà Việt Nam cần xem xét để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước và tăng cường khả năng phục vụ thị trường quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận