03/11/2023 12:00 GMT+7

Doanh nghiệp chiếm dụng quỹ bình ổn, Bộ trưởng Tài chính lên tiếng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm không đồng tình với dự thảo nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm về việc chưa thông qua dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu - Ảnh: N.AN

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm về việc chưa thông qua dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu - Ảnh: N.AN

Theo ông Phớc, tại phiếu lấy ý kiến về dự thảo nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương đưa ra, Bộ Tài chính không đồng tình thông qua dự thảo, bởi cần phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước với mặt hàng này.

“Hiện nay, vấn đề cấp phép kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương làm; quản lý doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng thuộc Bộ Công Thương; mua bán, sản xuất mặt hàng xăng dầu cũng thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương quản lý; tính các chi phí kinh doanh, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng do Bộ Công Thương làm…” - ông Phớc nói.

Theo ông, trên cơ sở dữ liệu cách tính chi phí định mức do Bộ Tài chính đưa sang và tập hợp trên chi phí của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tính bình quân gia quyền để Bộ Công Thương đưa vào giá cơ sở. 

Do vậy, Bộ Tài chính muốn phân rõ trách nhiệm. “Nếu giao quản lý mặt hàng xăng dầu cho Bộ Tài chính, chúng tôi làm ngay”, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính cũng bày tỏ quan điểm về quản lý quỹ bình ổn xăng dầu tại dự thảo nghị định. Việc này nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn quỹ bình ổn khi vừa qua có tình trạng có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

Theo ông Phớc, quỹ bình ổn giá xăng dầu phải mở một tài khoản chuyên thu chi riêng, giao ngân hàng thương mại quản lý. Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép, ngay lập tức số tiền của quỹ bình ổn giá xăng dầu được nộp vào ngân sách nhà nước. Như vậy mới quản lý được.

Về vấn đề này, ông Phớc nói trong cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây góp ý về dự thảo nghị định 95, Bộ Tài chính cũng nêu ý kiến về việc ngân hàng sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp.

“Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của cơ quan nhà nước. Khi trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có quyết định của Bộ Công Thương, mọi chuyện phải rõ ràng”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay việc hoàn thiện dự thảo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần lưu ý đến mức chi phí đủ cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động.

“Nếu không có chi phí hoạt động đương nhiên doanh nghiệp bán lẻ không bán, mà không bán thì dân không có xăng dầu để dùng. Bên cạnh đó, cần cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được mua hàng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu”, ông nói.

Bộ Công Thương đã đưa nội dung quản lý quỹ bình ổn vào dự thảo

Tại dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được cập nhật gần nhất, Bộ Công Thương đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến quản lý quỹ bình ổn.

Cụ thể, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được nằm ở doanh nghiệp và do thương nhân đầu mối quản lý trên cơ sở trích lập, hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

Điểm mới của dự thảo quy định ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Ngăn trục lợi quỹ bình ổn xăng dầu: Cho phép phong tỏa tài khoản doanh nghiệp?Ngăn trục lợi quỹ bình ổn xăng dầu: Cho phép phong tỏa tài khoản doanh nghiệp?

Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi và chiếm dụng quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra các quy định nhằm siết chặt hơn việc quản lý quỹ và tăng trách nhiệm các bên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp