Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã cho biết như vậy tại hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025", do UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 16-10.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thành bại trong sự phục hồi những tháng cuối năm nay và năm 2022 phụ thuộc vào chất lượng chính sách được ban hành và thực thi chính sách hỗ trợ kinh tế.
Chậm hỗ trợ doanh nghiệp, thiệt hại càng lớn
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cho rằng dù đã có tín hiệu hồi phục từ tháng 9-2021 nhưng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP vẫn chưa đạt 50% trạng trái bình thường so với cùng kỳ năm 2020.
Lực cầu giảm sâu, nếu kéo dài trong vài tháng nữa sẽ có nguy cơ cản trở phục hồi kinh tế, thậm chí suy thoái. Do đó cần khẩn cấp các biện pháp kích cầu, hỗ trợ không để lực cầu giảm sút nữa.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, từ tháng 5-2021 đến nay, lượng người lao động nghỉ không lương và chấm dứt hợp đồng tiếp tục gia tăng với hơn 1 triệu lao động mất việc trong số 2,4 triệu lao động có bảo hiểm lao động của TP.HCM.
Trong khi đó, doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính và dòng tiền nhưng đến nay chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời. Hoạt động sản xuất đã trở lại, nhưng các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp thu hút lao động trở lại vẫn chưa được kích hoạt.
"Chính sách hỗ trợ dòng tiền vào cho doanh nghiệp chưa được quan tâm để kịp thời triển khai sẽ làm chậm tiến trình phục hồi và tăng khả năng giải thể, phá sản. Tốc độ phản ứng chính sách là yếu tố tác động tích cực đến tốc độ phục hồi, độ trễ chính sách hỗ trợ gây nên tổn thất chi phí cơ hội không thua kém so với tác hại của Covid-19. Cần ưu tiên mục tiêu tốc độ hỗ trợ" - ông Khánh cảnh báo.
Dù cho rằng IMF đã quá lạc quan khi dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là 3,8%, nhưng ông Nguyễn Xuân Thành - Trường ĐH Fulbright - cho rằng vẫn có những điểm tích cực với sự hồi phục của kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vì nhu cầu ở các thị trường lớn đối với hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn cao.
"Dù nhiều đơn hàng đang được chuyển khỏi VN, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn" - ông Thành nhận định.
Chính sách có nhưng thực thi chính sách cũng quan trọng. Thực thi hành chính công hiệu quả là nhóm chính sách ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất. Cần áp dụng nghị quyết 128 linh hoạt nhất, thành bại cuối năm nay là nhờ vào vận dụng sáng tạo nghị quyết này.
TS TRẦN DU LỊCH
Thành bại tại chính sách
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam có dư địa chính sách nhưng vẫn chưa sử dụng, cần áp dụng để tăng trưởng kinh tế.
Phục hồi kinh tế trong quý 4-2021 hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Bởi vì tâm lý của doanh nghiệp là lo "mở ra có bị đóng lại không", nên cần có chính sách khoanh vùng nếu xảy ra dịch bệnh, không đóng cửa toàn bộ nhà máy. Một khi đã đạt được tiêu chí để hạ cấp độ dịch thì phải chủ động làm luôn.
"TP.HCM đã trải qua điều tồi tệ nhất và cũng có thể là nơi phục hồi và mở cửa sớm nhất với quốc tế nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch so với các địa phương khác" - ông Thành nói, đồng thời cho rằng cần tập trung hỗ trợ cho xuất khẩu bởi đây là động lực tăng trưởng duy nhất của khu vực tư nhân hiện nay.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu chi phí logistics cao, cần phải có chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp xuất khẩu bù được chi phí logistics.
Cũng theo ông Thành, ách tắc cảng biển còn phức tạp nhưng nếu có chính sách giúp thông thoáng các cảng, đủ lao động và kết nối hợp tác, Việt Nam sẽ lấy lại được lợi thế cạnh tranh và các đơn hàng sẽ quay về.
"Trong bối cảnh cảng biển thế giới bị ách tắc, nếu vùng Đông Nam Bộ giải quyết được vấn đề lao động vận tải logistics, xóa bỏ rào cản cho lưu thông hàng hóa thì sẽ tạo lại cơ hội thu hút đơn hàng hóa sản xuất phục vụ xuất khẩu cho năm 2022..." - ông Thành gợi ý.
Trong khi đó, theo TS Trần Du Lịch, tăng đầu tư công, kích tổng cầu là biện pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay. Với các dự án, công trình đầu tư công đã được thông qua, cần sớm triển khai nhằm vừa cứu kinh tế vừa giải quyết bài toán hạ tầng...
"Vốn mồi của TP.HCM là công cụ quan trọng để tăng đầu tư khôi phục kinh tế. Nếu 4 năm tới làm được bằng tổng đầu tư 2011 - 2020, TP sẽ bật dậy, có một diện mạo hoàn toàn mới" - ông Lịch nhận định.
Đủ điều kiện sống chung với COVID-19
Theo PGS.TS Đỗ Hùng Dũng (Trường ĐH Y dược TP.HCM), với tỉ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2 vắc xin, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần nhưng sẽ không thể nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng hoàn toàn nếu chỉ dựa vào vắc xin. Và khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca nhiễm chắc chắn sẽ gia tăng.
"Do đó, chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cá nhân; có quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp cũng như có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả, xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời" - ông Dũng nói, đồng thời đề nghị TP cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế, bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận