Các chuyên gia cho rằng cần đưa các chính sách hỗ trợ vào thực tế nhằm tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp - Ảnh: A.H |
Hội thảo diễn ra với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khoảng cách lớn nhất là từ chính sách đến thực tế
Ông Tuấn cho biết hiện nay môi trường kinh doanh đã có chuyển biến, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cũng giảm bớt nhờ những cải cách trong chính sách thuế.
Từ việc phải báo cáo hàng tháng đến nay doanh nghiệp chỉ còn khai thuế hàng quý và tiến tới với những doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ còn phải khai thuế hàng năm hoặc nửa năm một lần.
Các chính sách của Chính Phủ cũng tập trung hướng đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chỉ tập trung vào khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước như trước.
Thế nhưng, theo ông Tuấn, dù Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Chỉ thị 20 nhưng điều đáng buồn là các chính sách trên tương đối chung chung.
Dù chính sách đã ban hành nhưng việc áp dụng vào thực tế thế nào lại phụ thuộc vào các bộ ngành, như Bộ Tài Chính trong việc cải tiến các chính sách thuế, chế độ kế toán và phụ thuộc Ngân hàng Nhà Nước trong việc đơn giản các thủ tục tiếp cận vốn…
“Tuy nhiên dù gì các chính sách trên cũng tạo ra bước tiến, hành lang pháp lý để phát triển đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm DN mà trước đây không chỉ VN mà nhiều quốc gia coi là nhỏ, yếu”, ông Tuấn nói.
Vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ gì?
Ông Tuấn cho biết khi VCCI tiếp xúc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nhiều đơn vị nói là chẳng cần hỗ trợ gì cả, cơ quan quản lý chỉ cần tạo chính sách tốt, tạo điều kiện cho các thủ tục nhanh gọn, thì đó đã là cách hỗ trợ tốt nhất chứ không cần nhà nước phải rót tiền ra.
“Các chính sách hỗ trợ phải tốt. Cái tốt ở đây là tốt trên thực tế chứ không phải tốt trên văn bản, tốt trên quy định.
Nhiều người từng nói đùa là khoảng cách lớn nhất tại Việt Nam không phải là từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà khoảng cách dài nhất là 'từ miệng đến tay', nghĩa là từ lời nói đến việc làm, từ chính sách đến thực tế. Hiện nay đúng là khoảng cách này rất lớn", ông Tuấn nói.
Đồng thời ông cũng lưu ý rằng việc khuyến khích các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là tốt nhưng chạy theo thành tích quá là không nên.
“Ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp mà không theo tín hiệu, theo hiệu quả kinh doanh thì không mang lại mục tiêu bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội kết nối - Ảnh: A.H |
Nhà nước nên đi tiên phong trong lĩnh vực khó
Ông Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho rằng song song với việc đặt ra mục tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược cụ thể đồng thời Nhà nước nên đi tiên phong trong những lĩnh vực khó để mở đường.
Bên cạnh đó cần ban hành các Luật riêng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo hành lang pháp lý thuận lợi và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông An cũng kiến nghị cơ quan quản lý tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, khắc phục tình trạng chính sách thiếu nhất quán, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành. Cần đơn giản thủ tục như thủ tục xin giấy phép, hải quan, xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp ở nhiều nơi.
Tư vấn thuế miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) vừa có văn bản gửi các đại lý thuế, các hội viên yêu cầu cam kết cùng với cơ quan thuế địa phương tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Theo văn bản này, vừa qua Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” đang được triển khai trên cả nước. Theo quy chế phối hợp với Tổng cục Thuế, VTCA đề nghị các đại lý thuế, hội viên thuộc VTCA gửi kế hoạch chi tiết cũng như cam kết hỗ trợ về Tổng cục Thuế, VTCA trước ngày 20-7. Trước đó VTCA cùng với các cơ quan như: Cục Thuế TP.Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, Công ty cung cấp phần mềm kế toán MISA cam kết hỗ trợ miễn phí cho DN khởi nghiệp bằng các hình thức như cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn qua e-mail, cập nhật bản tin thuế hàng tuần miễn phí cho các DN khởi nghiệp, DN chuyển đổi từ nay đến năm 2020. Thời gian miễn phí là 1 năm kể từ ngày thành lập, chuyển đổi. Riêng tại TP.HCM, có gần 50 đại lý thuế đã phối hợp với Cục Thuế TP và các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN tại 24 quận huyện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận