09/11/2022 23:11 GMT+7

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng 9 giải pháp ‘cứu’ thị trường và doanh nghiệp

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập ‘ban công tác đặc biệt’ hoặc ‘tổ công tác đặc biệt’ để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự.

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng 9 giải pháp ‘cứu’ thị trường và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được giải quyết các khó khăn trong đầu tư, xây dựng các dự án và tiếp cận nguồn vốn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 9-11, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tổ chức hai cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vào ngày 8-11 tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này đã tác động rất tích cực, làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư. 

Theo ông Châu, hiện nay thị trường bất động sản rất khó khăn và các doanh nghiệp đã chỉ thẳng 9 vấn đề cũng như đề xuất 9 giải pháp gỡ khó cho thị trường.

1. Vướng mắc lớn nhất là pháp lý

Theo ông Châu, pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nhưng gỡ điểm vướng này cần phải có thời gian, mà giải pháp lớn nhất là phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan. 

Do vậy, ông Châu cho rằng 19 tháng tới đây, trong lúc chờ Luật đất đai và một số luật liên quan có hiệu lực, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11-2022 dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở. 

Đồng thời, sửa đổi nghị định 100 và nghị định 49 để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội…

2. Cần xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư

Ông Châu cho hay thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm). Thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp. 

"Có nguyên nhân do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định", ông Châu nói.

Theo ông Châu, doanh nghiệp đề xuất đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

3. Cần lập ban, tổ "công tác đặc biệt"

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng 9 giải pháp ‘cứu’ thị trường và doanh nghiệp - Ảnh 2.

Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập "ban công tác đặc biệt" hoặc "tổ công tác đặc biệt" để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình. Làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường, trong đó có 64 dự án tại TP.HCM theo chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" và thực hiện "thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực". 

Các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước để cho dự án được tiếp tục triển khai.

4. Có tiêu chí về đất công xen kẽ trong dự án

Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại nghị định 148 để tháo gỡ ách tắc của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

5. Đề xuất thí điểm về chuyển nhượng dự án

Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tương tự nghị quyết 42 của Quốc hội, cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất để tạo điều kiện tái khởi động các dự án "trùm mền" giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.

6. Khẩn trương xác định tiền sử dụng đất 

Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung để cho doanh nghiệp hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. 

Điều này giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho doanh nghiệp, đồng thời để người mua nhà sớm được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng). 

7. Nới trần tín dụng

Ông Châu cho hay các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng 9 giải pháp ‘cứu’ thị trường và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng - Ảnh: NGỌC HIỂN

8. Có giải pháp cho thị trường trái phiếu

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định; đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

9. Cấp bù lãi suất để vay mua nhà ở xã hội

Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Chủ tịch Novaland nói về những khó khăn của thị trường bất động sản Chủ tịch Novaland nói về những khó khăn của thị trường bất động sản

TTO - Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông BÙI XUÂN HUY - chủ tịch HĐQT Novaland - cho rằng trước những khó khăn chung của thị trường, doanh nghiệp này phải tái cấu trúc, rà soát lại các hoạt động kinh doanh và tập trung vào mảng kinh doanh lõi.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp