13/11/2023 16:20 GMT+7

Doanh nghiệp bất động sản cần tháo gỡ gì?

LÊ THANH
và 1 tác giả khác

Cả nước có 1.200 dự án bất động sản, trị giá đến 30 tỉ USD đang nằm chờ tháo gỡ. Một tín hiệu vui là thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ chiếm 10% so với điều kiện bình thường.

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes - Ảnh: PV

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes - Ảnh: PV

Phê duyệt cho vay lâu, lãi suất khoản vay cũ quá cao

Tại hội nghị trực tuyến về tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức hôm nay, 13-11, có mặt nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Becamex, Novaland, Him Lam, Sun Group, Masterise, Bất động sản Toàn Cầu, IMG...

Từ thực tế của mình, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Tập đoàn Invest Group, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian phê duyệt tín dụng xuống dưới một tháng, thay vì 2-2,5 tháng, thậm chí 3 tháng mới xong thủ tục như hiện nay.

Song song đó cần ban hành danh mục hồ sơ cần cung cấp khi thẩm định khoản vay vì hiện các ngân hàng đề nghị doanh nghiệp cung cấp rất nhiều hồ sơ, giấy phép con.

Chưa kể lãi suất cho vay bất động sản hiện nay cũng còn rất cao so với các khoản vay cũ. Lãi suất cho vay tại công ty ông đã giảm từ mức 10,5%/năm vào tháng 6-2023 xuống 9,5%/năm, song lãi vay này vẫn đang ở mức cao vì lãi suất huy động ngắn hạn chỉ 4,6%/năm.

Do vậy ông Hiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo sát sao để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản.

Đề xuất nới room tín dụng cho bất động sản

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes, bày tỏ mong muốn Chính phủ cùng các lãnh đạo bộ ngành ủng hộ, tìm cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Hoa cho rằng trong thời gian do quy định hạn chế room tín dụng khiến ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay, trong đó ưu tiên cho vay khách hàng chấp nhận lãi suất cao làm cho mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa được như kỳ vọng.

Chưa kể tài sản đảm bảo bằng bất động sản bị định giá thấp hơn khi thị trường đóng băng. Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khách hàng vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Còn các tài sản khác như máy móc thiết bị, cổ phiếu niêm yết... khiến khách hàng rất khó vay.

Dẫn ra việc vừa được LPBank cấp hạn mức cho vay 5.000 tỉ đồng giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Cường, phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản vì hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã hết room tín dụng bất động sản.

"Trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay xở trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Cường kiến nghị.

Khó khăn lớn nhất là pháp lý

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng để thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững thì giá phải giảm - Ảnh: PV

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng để thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững thì giá phải giảm - Ảnh: PV

Ông Dennis Ng Teck Yow, tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết khó khăn về pháp lý đang chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu.

Theo Novaland, thị trường bất động sản đã qua thời điểm khó khăn nhất, riêng Novaland đã hoàn thành 80% việc tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn cần sự tiếp sức, đồng hành của các cơ quan chức năng.

Về mặt bằng lãi suất, doanh nghiệp kỳ vọng mặt bằng lãi suất vay tiếp tục hạ để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí vốn.

"Thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế được dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn trong năm sau. Sớm nhất đến quý 2, thị trường bất động sản mới có dấu hiệu tốt lên. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời gian thực hiện thông tư 02 về giãn nợ cho doanh nghiệp", Novaland kiến nghị.

Riêng về điều kiện tiếp cận vốn vay, ông Lâm Hoàng Đăng, phó tổng giám đốc Công ty đầu tư Văn Phú Invest, cho rằng theo quy định, doanh nghiệp bất động sản phải có tối thiểu 30% vốn tự có cho dự án.

Trong điều kiện bình thường không sao, nhưng khi thị trường đóng băng, doanh nghiệp phải lấy vốn tự có để trả gốc và lãi vay. Nếu tỉ lệ vốn tự có giảm xuống 10-15% vốn dự án sẽ đỡ khó cho doanh nghiệp.

Cung bất động sản đang vượt cầu

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về room tín dụng bất động sản, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lưu ý ngân hàng nào đang cho vay đối với các tập đoàn này cần có ý kiến và xem xét lại hạn mức cấp cho khách hàng. Bởi đây là hạn mức của từng ngân hàng thương mại, chứ không phải hạn mức của Ngân hàng Nhà nước. 

Còn hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp đủ và hiện nay còn thoải mái - ông Tú khẳng định.

Đối với đề xuất tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Tú cho rằng nguồn cung bất động sản đang rất lớn, vượt hơn cầu. Cung cầu quyết định giá cả. Nên muốn tạo thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững thì giá phải giảm.

Về diễn biến giao dịch trên thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho hay đầu năm đến nay có gần 6.000 sản phẩm giao dịch thành công. Điều này cho thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ chiếm 10% so với điều kiện bình thường.

Về dự án, cả nước có 1.200 dự án với giá trị 30 tỉ USD đang nằm chờ tháo gỡ. Thực tế, thị trường đang gặp khó khăn do người mua mất lòng tin vào doanh nghiệp bất động sản và thị trường.

Giám đốc nghiên cứu toàn cầu Savills nói về thách thức của thị trường bất động sản ViệtGiám đốc nghiên cứu toàn cầu Savills nói về thách thức của thị trường bất động sản Việt

Trong năm 2023, lượng đầu tư vào bất động sản (BĐS) toàn cầu đã giảm khoảng 50% so với năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp