28/08/2011 17:08 GMT+7

Doanh nghiệp bàn chuyện tăng lương

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TTO - Tọa đàm "Điều chỉnh chế độ lương trong bối cảnh lạm phát hai con số" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tổ chức chiều 27-8 tại TP.HCM đã thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.

Điều chỉnh tiền lương như thế nào để đảm bảo đời sống của người lao động mà không gây áp lực lớn lên việc tăng mạnh quỹ lương, giảm lợi nhuận là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chia sẻ.

VLxUDQI3.jpgPhóng to
Doanh nghiệp đang xoay xở điều chỉnh lương để đảm bảo đời sống cho người lao động - Ảnh: N.NAM

Trả lương theo thời giá

Theo nghị định 70/2011/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22-8 quy định chung mức lương tối thiểu vùng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), từ 1-10-2011 vùng 1 áp dụng mức 2 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 1,78 triệu đồng, vùng 3 là 1,55 triệu đồng và 1,4 triệu đồng cho vùng 4. Thế nhưng theo ông Võ Văn Hiếu - giám đốc nhân sự Công ty CP ôtô Trường Hải, mức sống tối thiểu để người lao động đủ sống trong tình hình hiện nay cao hơn khá nhiều mức do Nhà nước quy định.

Trong bối cảnh giá cả tăng cao ảnh hưởng đời sống của người lao động, Công ty Trường Hải đã tiến hành khảo sát chi phí sinh hoạt tối thiểu của công nhân để điều chỉnh lương phù hợp.

Theo đó, cộng các chi phí ăn uống, thuê nhà, đi lại, vật dụng sinh hoạt, trang phục, quan hệ giao tiếp, chăm sóc sức khỏe, tối thiểu người lao động ở vùng 1 mỗi tháng cần có 3,074 triệu đồng, vùng 2 là 2,646 triệu đồng, vùng 3 là 2,68 triệu đồng và 2,04 triệu đồng với vùng 4. Ông Hiếu chia sẻ việc tăng lương cho người lao động phải kèm theo các biện pháp tăng năng suất lao động, nếu không sẽ khó thuyết phục được ban giám đốc đồng ý.

Công ty Trường Hải hiện có hàng ngàn lao động khắp đất nước nên các phương án đánh giá nhân sự, chấn chỉnh đội ngũ phải được thực hiện để công ty hoạt động hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận khi quỹ lương tăng. Song song đó, công ty phải giải thích cho người lao động hiểu rõ tình hình thực tế của công ty để họ gắn bó lâu dài, phát triển tương lai của mình sau này.

Ông Nguyễn Văn Hanh (bộ phận nhân sự Công ty CP Phương Nam chuyên sản xuất bột mì) cho hay công ty đang đau đầu với việc thực hiện tăng lương tối thiểu từ ngày 1-10. “Tăng cho người này đạt mức 2 triệu đồng thì người hưởng lương cao hơn ở phía trên cũng phải tăng, nếu không sẽ diễn ra sự so bì. Quỹ lương vì thế phình to lên, lợi nhuận giảm. Nhưng phải làm để đảm bảo đời sống công nhân. Công ty nào bây giờ cũng gặp khó vì chi phí sản xuất tăng cao, còn áp lực tăng lương đang đến gần” - ông Hanh nói.

Tái cơ cấu nhân sự

Trước tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu giảm sút, Công ty bách khoa Computer (BKC) đã thực hiện tái cơ cấu nhân sự để công ty hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo lợi nhuận. Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc nhân sự BKC, cho hay công ty ông đã tiến hành quy trình phân chia quỹ lương dựa trên đánh giá công việc và năng lực chuyên môn của từng người, từng bộ phận.

Theo đó, thu nhập của nhân viên kinh doanh sẽ dựa vào lương cứng 50% và thưởng 50%, tạo động lực cho họ kiếm thêm nhiều khách hàng cho công ty, tăng thu nhập cho mình. Các bộ phận khác được cơ cấu lại tỉ lệ lương thưởng phù hợp.

“Lực lượng làm việc không hiệu quả, không vì mục tiêu phát triển chung của công ty, tính ì cao, mất đoàn kết nội bộ, dư thừa được chúng tôi rà soát tinh giản biên chế 5-10%. Cùng với đó là tăng năng suất lao động khi nhân viên được nghỉ làm ngày thứ bảy nhưng công việc phải hoàn thành trong năm ngày, tăng kiêm nhiệm, thử thách một số nhân viên ở các lĩnh vực khác nhau” - ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Ông Tùng chia sẻ giảm quỹ lương không đồng nghĩa với việc giảm lương của nhân viên theo hướng tìm cách để nhân viên tăng năng suất lao động của mình và nên đặt ra cho nhân viên những mục đích cụ thể, rõ ràng để họ hiểu phải phấn đấu như thế nào mới tạo ra được mức thu nhập xứng đáng cho mình.

Đại diện các doanh nghiệp cho biết hiện đang ráo riết điều chỉnh cách tính thu nhập để đảm bảo đời sống người lao động bằng cách hoạch định lại quỹ lương, dự báo xu hướng lương thưởng song song kế hoạch sản xuất kinh doanh trong tương lai của công ty.

Bà Nguyễn Thị Hà, chuyên gia nhân sự làm việc lâu năm tại các công ty lớn, nhận xét mặt bằng lương biến động không đáng kể, chưa đáp ứng được như mong đợi của người làm công. Lương tối thiểu tuy đã tăng nhưng không giải quyết được vấn đề đảm bảo chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động. Chính sách lương ở một số doanh nghiệp có chuyển biến nhưng còn lúng túng, còn nhiều vướng mắc và chỉ là giải pháp tình thế.

“Lập kế hoạch sớm, theo dõi biến động lạm phát - tài chính, quy hoạch nhân sự linh hoạt, tập trung vào hiệu quả - năng suất, điều chỉnh cấu trúc tiền lương và có phương án chi trả dự phòng là những việc mà các doanh nghiệp cần làm hiện nay để giải quyết ổn thỏa vấn đề lương của mình” - bà Hà tư vấn.

Chủ một doanh nghiệp chia sẻ điều quan trọng là làm sao để nhân viên thấy được mức lương thưởng mình nhận hằng tháng do chính bản thân mình quyết định, bằng cách làm việc hiệu quả. Nếu để tình trạng nhân viên có thói quen xem chuyện lương thưởng là trách nhiệm mà doanh nghiệp phải trả thì chắc chắn họ sẽ ì ạch, không đóng góp đúng sức mình cho công ty.

“Ngoài việc trả lương, chúng tôi thường tổ chức các buổi nói chuyện về hạnh phúc bản thân, hướng về cảm xúc nhân bản để nhân viên thấy yêu bản thân mình và cuộc sống hơn. Từ đó tình yêu với công việc cũng phát triển” - ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Một số doanh nghiệp khác áp dụng các buổi sinh hoạt tập thể với nội dung không liên quan gì đến công việc để nhân viên gắn kết với nhau, khơi gợi đời sống tình cảm để họ cảm thấy cuộc sống “nhẹ tựa lông hồng”, giảm áp lực mong muốn vật chất, yêu hơn công việc mình đang làm.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp