13/08/2015 09:44 GMT+7

​Đoạn trường kêu oan của ông Trương Bá Nhàn

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Việc khiếu nại kéo dài nhiều năm khiến ông Nhàn cảm thấy mệt mỏi và các luật sư cũng có lúc muốn buông xuôi vì không biết bao nhiêu đơn gửi đi mà không cơ quan nào trả lời.

Ông Trương Bá Nhàn sau khi được xin lỗi oan sai - Ảnh: H.ĐIỆP

Một ngày sau buổi xin lỗi công khai tại UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM, ông Trương Bá Nhàn trở về văn phòng luật sư Người Nghèo, nơi đã đồng hành không mệt mỏi cùng ông trong suốt chín năm đòi bồi thường oan sai.

Và từ đây cũng đóng lại 14 năm đằng đẵng tăm tối của cuộc đời ông! Nhưng đắng cay mà ông Nhàn đã trải qua thì ông không thể nào quên.

Trở về trong đau đớn

Ông Nhàn nhớ lại sau bốn năm ở tù về tội giết người và cướp tài sản, cuộc trở về của ông không phải là sự đoàn tụ, mà trong cái nhìn rẻ rúng của họ hàng và giận hờn trách móc của người vợ.

Ông nói: “Tôi cảm thấy đau đớn lắm, mình trở thành một gánh nặng cho gia đình, cho vợ con. Tôi không thể nào chịu được những lời chì chiết dù tôi biết mọi khó khăn vất vả đều có thể vượt qua được, nhưng nếu không có sự thông cảm và thấu hiểu thì có sống với nhau cũng bằng không”.

Và ông Nhàn rời nhà, chia tay đứa con mới vài tuổi, mà thật ra ông không biết vợ đặt tên nó là gì. Bởi họ của ông đã không được lựa chọn làm họ cho đứa trẻ. Với hai bàn tay, mớ giấy tờ liên quan đến vụ án, ông tìm kiếm những người anh em bạn bè để nhờ họ giúp đỡ.

Một mặt để có kế sinh nhai qua ngày qua tháng, một mặt còn đi kêu oan vì cái quyết định đình chỉ bị can đã hết thời hạn điều tra chứ cơ quan điều tra không khẳng định ông bị oan sai. May mắn được người quen giúp đỡ, ông Nhàn vào làm việc ở rẫy mì tại Bình Phước.

“Tôi ăn, ngủ, làm việc tại rẫy mì, cứ có tiền thì đi làm đơn gửi đến các cơ quan để kêu oan, cho đến khi gặp được văn phòng luật sư Người Nghèo” - ông Nhàn bộc bạch.

Gửi đơn không có hồi âm

Luật sư Trịnh Thanh - trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo, người quyết định hỗ trợ ông Trương Bá Nhàn trong việc khiếu nại kêu oan - không thể nào quên được hình ảnh ông Nhàn tìm đến văn phòng luật sư những ngày đầu tiên:

“Đó là một người nghèo khổ và nhìn cách ăn mặc của ông, tôi biết ông ở mức quá nghèo khổ. Ông không có tiền, và khi ông đưa hồ sơ thì tôi biết vụ án này có dấu hiệu oan sai bởi ông Nhàn có thời gian ngoại phạm nhưng không được cơ quan điều tra chấp nhận. Khi coi hồ sơ xong, chúng tôi quyết định hỗ trợ ông…”.

Và không chỉ trợ giúp về pháp lý, văn phòng luật sư Người Nghèo còn là nơi trú ngụ thứ hai của ông Nhàn mỗi khi ông lên TP.HCM kêu oan hay khiếu nại.

Tại đây, những bữa cơm trưa, những đồng tiền gom góp của anh em văn phòng luật sư giúp ông Nhàn thêm vững tin vào những lá đơn hằng ngày mình đã gửi.

Tuy nhiên, việc khiếu nại kéo dài đến chín năm, khiến ông cảm thấy mệt mỏi và bản thân các luật sư cũng đã có lúc muốn buông xuôi vì không biết bao nhiêu đơn từ gửi đi mà không cơ quan nào trả lời.

Chỉ duy nhất Ban Nội chính trung ương (thời ông Nguyễn Bá Thanh làm trưởng ban) hồi âm: “Đã chuyển đơn về cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

Về lý do để vụ việc khiếu nại đòi bồi thường kéo dài đến chín năm, luật sư Trịnh Thanh cho biết trong quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn nêu rõ lý do đình chỉ là do quá thời hạn điều tra và ý thức của các cơ quan tố tụng là ông Nhàn có tội.

Vào thời điểm đó, nghị quyết 388 về bồi thường oan sai không bồi thường cho những trường hợp tương tự như ông Nhàn.

Phải đến năm 2010, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước ra đời và các văn bản hướng dẫn mới quy định những trường hợp đình chỉ như ông Nhàn thì cũng được bồi thường.

Luật quy định từ năm 2010 nhưng chỉ đến khi đoàn giám sát của Quốc hội vào làm việc tại TP.HCM và lá đơn của ông Nhàn đến được tay trưởng và phó đoàn giám sát thì mọi việc mới được giải quyết.

Chưa biết làm gì cho tương lai

Ở tuổi xế chiều, mái tóc đã muối tiêu, ông Trương Bá Nhàn nói rằng còn chưa biết tính gì cho tương lai. Bản thân ông bệnh tật, bao nhiêu năm qua không dám gặp bạn bè, anh em thân hữu bởi mang tiếng của một người đã đi tù.

Vậy nên, điều đầu tiên ông muốn làm là cảm ơn văn phòng luật sư Người Nghèo đã không bỏ rơi người nghèo như ông, đã tin những gì ông nói… Số tiền bồi thường không nhiều (295 triệu đồng) và ông Nhàn cũng phải dùng để trả nợ nần do quá trình đi kêu oan phải vay nợ của bạn bè.

“Sau buổi xin lỗi, tôi về văn phòng luật sư Người Nghèo để nghỉ ngơi vài hôm rồi trở lại Bình Phước làm mì” - ông nói. 

Ông cũng nói sẽ trở lại nhà vợ cũ để thăm con trai trong một ngày gần nhất. Bởi hôm trước, tại buổi xin lỗi, vợ cũ của ông Trương Bá Nhàn cùng mẹ ruột của bà cũng có mặt nhưng họ không nói chuyện gì với nhau. Giữa ông và người vợ cũ cũng không chia sẻ gì.

Nói với phóng viên, người vợ cũ của ông Nhàn cho biết: “Ổng được xin lỗi thì tôi mừng cho ổng, và cũng mừng cho thằng con tôi bởi khi lớn lên nó sẽ không phải mặc cảm vì mang tiếng có cha từng giết người”.

Con không nhớ mặt cha

Có mặt trong buổi xin lỗi của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, cậu bé T.T.T., con trai của ông Trương Bá Nhàn, ngồi riêng một bàn với mẹ và bà ngoại. Trong suốt buổi xin lỗi và ngay cả sau khi đoàn xin lỗi đã ra về, T. không một lần nào sang nói chuyện với cha.

Trả lời một phóng viên, em nói không còn nhớ mặt cha mình nữa. Chỉ đến khi mẹ chỉ cho T. biết cha là người đàn ông tóc hơi xoăn, làn da đen đúa đang ngồi ở dãy bàn bên kia, T. mới ngó sang và gật đầu.

Lý giải cho việc không biết này, vợ cũ của ông Nhàn nói rằng T. chỉ được gặp cha khi còn rất nhỏ, và kể từ khi ông bà chia tay, ông Nhàn không trở về nhà của vợ cũ nên việc chăm sóc con trai chỉ một mình bà lo liệu. 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp