22/06/2022 09:48 GMT+7

'Đoạn trường' chờ lấy căn cước công dân

THẲNG THẮN (thangthan@...)
THẲNG THẮN (thangthan@...)

TTO - Kể lại câu chuyện bản thân, bạn đọc Thẳng Thắn mong muốn: "Mong sao các cấp liên quan cùng bắt tay giải quyết ngay những vấn đề dân sinh nóng bỏng đang gây phiền hà cho dân, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cao đẹp ban đầu".


Đoạn trường chờ lấy căn cước công dân - Ảnh 1.

Người dân làm căn cước công dân gắn chip điện tử tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.TRUNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này:

"Từ ngày 1-1-2020, ngay lúc Bộ Công an phát lệnh triển khai toàn quốc việc thu nhận cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân từ 14 tuổi, tôi cũng như rất nhiều người dân khác hăm hở liên hệ công an địa phương để tiến hành cấp đổi.

Qua nhiều lần hướng dẫn thủ tục được thay đổi, tôi được bộ hành đến nhiều địa điểm cấp đổi từ phường, quận, thành phố rồi đến điểm cấp lưu động; cũng đồng thời trải qua nhiều lần bổ túc hồ sơ về xác nhận cư trú, mã định danh; và thêm nhiều lần phải quay xe về vì điểm làm việc quá tải "hết số" hoặc từ chối nhận hồ sơ người tạm trú.

Tôi muốn nhờ báo chí phản ánh câu chuyện này với mục đích xây dựng, mong muốn lãnh đạo trung ương, bộ ngành, địa phương, đơn vị quan tâm, chỉ đạo sát sao, giải quyết ngay những vấn đề dân sinh nóng bỏng, thời sự đang gây phiền hà nhân dân, ảnh hưởng đến mục tiêu cao đẹp ban đầu đề ra trong dự án.

Thangthan@...


Cuối cùng, tôi đã hoàn tất thủ tục cấp đổi căn cước công dân gắn chip vào tháng 11-2021 tại điểm lưu động của Công an quận Gò Vấp. Cũng trong tháng này, con tôi được Công an TP Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước công dân.

Hai cha con tôi cùng nhận được giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân với phần thông tin để trống thời gian hẹn trả thẻ dù điều 25, Luật căn cước công dân năm 2014 quy định tối đa 15 ngày cấp xong căn cước công dân.

Do không vội dùng đến những tiện ích tích hợp hay ho, tiên tiến mà lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhiều lần giới thiệu trên báo chí, mãi đến giữa tháng 5-2022, tôi chợt nhớ đến nghĩa vụ đi nhận căn cước công dân.

Nghĩ rằng sau hơn 150 ngày, ngành công an đủ thời gian để xác minh, xử lý, in, phát một cái căn cước nhỏ bé rồi, tôi tiếp tục hăm hở thực hiện thủ tục quy định tại điều 10, thông tư 60/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an.

Ngay bước liên hệ đầu tiên, tôi gọi đến số điện thoại trên giấy hẹn của Công an TP Thủ Đức liên tục trong 3 ngày nhưng không ai bắt máy. Tìm hiểu trên mạng ra được số tổng đài 19000368 hỗ trợ về căn cước công dân và quản lý dân cư, tôi gọi đến thì nhận được tin vui là căn cước của hai cha con tôi đã cấp xong, có thể liên hệ công an quận để nhận.

Vui chưa được tày gang. Ngày 15-5-2022, lặn lội từ quận 2 cũ (nay đã được sáp nhập vào TP Thủ Đức) đến trụ sở Công an TP Thủ Đức tại phường Bình Thọ thì được chỉ qua điểm số 9 xa lộ Hà Nội cách đấy 1km.

Xếp hàng trong biển người hơn 60 phút, cuối cùng tôi nhận được một lá số thứ tự hẹn quay lại ngày đầu tháng 6. Vậy là phải chờ 15 ngày (đúng bằng thời gian tối đa luật định) để "được cơ hội" mất thêm một buổi làm cho việc nhận căn cước.

Và tôi đã mất một buổi làm chỉ cho việc đến lấy số. Trước đây, khi chưa lập TP Thủ Đức, người dân quận 2 như tôi chỉ phải đi chưa đến 5km để đến trụ sở Công an quận 2 trên đường Đồng Văn Cống, nhưng nay phải đi 12km chỉ để lấy số thứ tự.

Không chỉ mất thời gian làm việc mà còn tốn thêm tiền đi lại nữa, nghĩa là chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đang tăng lên chứ không hề tiết giảm như ngày công bố thành phố mới.

Nhìn biển người chen chúc quanh một chiến sĩ công an, tôi tự hỏi tại sao lãnh đạo Công an TP Thủ Đức không bố trí nhiều bàn tiếp nhận hơn và lưu lại thông tin giấy hẹn để có thể tìm kiếm, sắp xếp căn cước song song trong thời gian hẹn. Làm như thế, đến ngày hẹn với công dân, mọi thứ đã sẵn sàng thì việc trả căn cước sẽ nhanh và chiến sĩ công an cũng bớt áp lực.

Về đến Công an quận Gò Vấp, tôi nhận được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với Công an phường 16, cảnh sát khu vực với lời khẳng định: công an quận đã trả hết về phường rồi, không còn giữ thẻ nào.

Tuy nhiên, cảnh sát khu vực thông báo chưa nhận được từ công an quận, cũng với lời khẳng định: công an quận đưa về bao nhiêu là phát hết bấy nhiêu xuống tổ dân phố. Đường từ trụ sở Công an quận Gò Vấp đến trụ sở công an phường tôi dài chưa đến 2km, nhưng thật khó hiểu, tôi không thể hỏi quận hay phường để biết căn cước của mình đang chuyển dịch đến đâu và khi nào đến?

Trường hợp của tôi không phải cá biệt bởi vì trong thực tế, mỗi ngày có khoảng 1.500 cuộc gọi đến tổng đài 19000368 phản ảnh về việc bị chậm trả thẻ căn cước công dân khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi đi làm các thủ tục giao dịch.

Tính thêm các kênh Zalo, Facebook, email do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội lập thì số người bị chậm trả thẻ căn cước công dân không hề nhỏ.

Thay cho những dòng thành tích, hứa hẹn, quyết tâm trong báo cáo từ các ngành các cấp, việc cần thiết là tiến hành giám sát thực tế, trả căn cước và nhanh chóng chuyển tải bức xúc của nhân dân.

Đôi khi, chỉ cần thay đổi nhỏ trong quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả là công dân cảm nhận được ngay cái tâm và tầm của lãnh đạo đơn vị.

Mong lắm thay!".

'Chờ lấy căn cước công dân cả năm trời, hỏi thì công an nói làm lại'

TTO - Nhiều người dân phản ảnh làm căn cước công dân gắn chip hơn 1 năm vẫn chưa có, đến hạn trả gọi hỏi nhiều lần không được. Đến công an hỏi thì nhận được câu trả lời phải làm lại khiến người dân bức xúc.


THẲNG THẮN (thangthan@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp