Ông Carel de Groot - cán bộ Đại sứ quán Hà Lan tại Indonesia chia sẻ, năm 2007, thủ đô Jakarta (Indonesia) hứng chịu trận lụt lịch sử do thủy triều dâng. Ngay sau đó, Chính phủ Indonesia đề nghị Hà Lan giúp đỡ, tư vấn phương án chống ngập lụt hiệu quả. Từ đó, dự án NCICD ra đời, trong đó tập trung xác định nguyên nhân ngập lụt, đưa ra giải pháp kỹ thuật và tài chính.
Sụt lún nghiêm trọng, Jakarta xây đê chống ngập
Ông Carel de Groot cho biết hiện dự án đang triển khai giai đoạn 2, với sự ký kết thực hiện giữa ba bên gồm Indonesia, Hà Lan và Hàn Quốc. Trong đó, Indonesia đóng vai trò chủ đạo, Hàn Quốc chịu trách nhiệm kỹ thuật và Hà Lan đưa ra kế hoạch, những lời khuyên về kỹ thuật, tài chính.
Chuyên gia Dự án tích hợp phòng chống lũ lụt ven biển Indonesia chia sẻ về dự án - Ảnh: TIẾN LONG
Một thành viên dự án cho biết tình trạng ngập ở Jakarta ngày càng trầm trọng do nền đất sụt lún vì khai thác nước ngầm, cộng với tình trạng xả thải ra các dòng sông.
Năm 1990, chỉ có 12% diện tích khu vực phía bắc Jakarta nằm dưới mực nước biển, nhưng với tình trạng hiện nay dự báo đến năm 2030, 90% diện tích khu vực này nằm dưới mặt nước biển. Tổng thống Indonesia phải ra sắc lệnh phát triển hệ thống đê biển quốc gia ngăn ngập lụt.
Dự án NCICD phát triển dựa trên các mục tiêu xây dựng công trình chống ngập lụt, đảm bảo sinh kế người dân quanh dự án, xây dựng tích hợp các công trình đạt yêu cầu bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Theo đó, có ba giai đoạn thực hiện dự án. Giai đoạn một, kiểm soát sụt lún nền đất bằng các biện pháp cung cấp nguồn nước sạch, hạn chế người dân khai thác nước ngầm. Giai đoạn hai, kiểm soát ngập lụt do nước biển dâng và nước thải sinh hoạt đổ ra sông. Cuối cùng sẽ là kiểm soát nước thải, y tế.
"Theo dự đoán với những giải pháp trên thì 20-30 năm nữa tình trạng sụt lún đất nền phía bắc Jakarta sẽ chấm dứt", vị này nói.
Đoàn công tác cấp cao TP.HCM nghe vê Dự án tích hợp phòng chống lũ lụt ven biển Indonesia - Ảnh: TIẾN LONG
Chia sẻ cụ thể về hệ thống đê biển chống ngập, thành viên dự án NCICD cho biết dự án này triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án xây dựng hệ thống đê dài 120km, bao gồm một 1/2 đê ven biển và 1/2 đê ven sông. Hệ thống đê biển này sẽ tích hợp các chức năng, bao gồm ngăn nước biển dâng, làm hồ chứa nước, và phát triển các công trình giao thông, nhà ở phía trên.
Về tài chính, để xây dựng 120km đê ngăn nước cần 2 tỉ USD. Ban đầu, chính phủ sẽ làm 20% khối lượng, còn lại do các chủ đất tự đầu tư. Tuy nhiên, phương án đưa ra không thành công, đến năm 2014, chính phủ chỉ xây dựng được 17km, tư nhân xây 14km. Do vậy, hiện dự án đang nghiên cứu phương án chính phủ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ vốn xây dựng, các chủ đất có nghĩa vụ đóng góp tiền cho các dự án.
Giai đoạn 2 dự án sẽ thực hiện trong 10-12 năm, mỗi năm cần 0,5 đến 1 tỉ USD. Nhưng trong điều kiện nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) hạn chế, việc triển khai giai đoạn này sẽ khó khăn.
Vì vậy, nghiên cứu hướng xây dựng các công trình chống ngập lụt tích hợp với công trình giao thông phía trên và phát triển các dự án bất động sản để khai thác, tạo nguồn thu. Theo tính toán, nếu đầu tư 8 tỉ USD sẽ thu về khoảng 55 tỉ USD. Ngoài ra, các dự án sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thay đổi chính sách quản lý hệ thống xe buýt
Cùng ngày, đoàn công tác đã đi tham quan hệ thống xe buýt nhanh (MRT) của thủ đô Jakarta (Indonesia). Tại đây đoàn đã được giới thiệu về phương thức điều hành, vận tải và hệ thống xe buýt.
Đoàn công tác cấp cao TP.HCM tham quan hệ thống điều hành xe buýt nhanh - Ảnh: TIẾN LONG
Đại diện Công ty điều hành hệ thống MRT cho biết hiện tại hệ thống xe buýt tại thủ đô Jakarta có khoảng 3000 xe.
Hiện nay, chính phủ nước này đang có chính sách thay đổi phương thức quản lý xe buýt nhanh. Theo đó, huy động các công ty vận tải xe buýt tư nhân cùng liên kết xe, tuyến lại. Dự kiến với chính sách này, năm sau, số lượng xe buýt ở thủ đô Jakarta có thể tăng lên 10.000 xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận