Vàng của Đức quốc xã giấu trong hầm muối ở Merkers, Đức - Ảnh: National Archives and Records Administration |
Theo Hãng tin Nga Sputnik, mới đây Thứ trưởng Văn hóa Ba Lan Piotr žuchowski tuyên bố ông tin chắc 99% đoàn tàu chở vàng của Đức quốc xã tồn tại sau khi hình ảnh rađa xác định đoàn tàu bị chôn gần lâu đài cổ Ksiaz ở Wałbrzych.
Ông žuchowski cho biết hình ảnh bị nhòe nhưng thấy được hình dáng của đoàn tàu dài hơn 100m với các khẩu pháo.
“Chúng tôi vẫn chưa biết có gì bên trong. Có thể là thiết bị quân sự, một số nữ trang, tác phẩm nghệ thuật và giấy tờ. Chúng ta sẽ chắc chắn 100% chỉ khi tìm thấy đoàn tàu” - ông cho biết.
Nhà chức trách Ba Lan cảnh báo đoàn tàu có thể chứa những thứ có giá trị nhưng cũng có thể là những thứ nguy hiểm từ thời chiến.
Ông žuchowski không tiết lộ vị trí chính xác nhưng thừa nhận đoàn tàu nằm dọc tuyến đường sắt dài 4km giữa Wroclaw và Walbrzych.
Nhiều phần của đường hầm đã được mở cửa cho du khách tham quan từ trước. Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan cũng đặt các máy ghi địa chấn ở phần sâu nhất của đường hầm.
Giành phần
Đường hầm thuộc dự án Riese (Người khổng lồ) của Đức quốc xã nhằm làm nơi trú ẩn cho Adolf Hitler. Theo một số báo cáo, lối vào một nhánh phụ dài 2km đã bị đánh sập khi phát xít Đức đầu hàng.
Chính quyền Wałbrzych đã tổ chức chiến dịch tìm kiếm huy động các chuyên gia thuốc nổ quân sự. Chiến dịch có thể sẽ kéo dài vài tuần và Ba Lan sẽ bắt đầu đưa đoàn tàu lên ngay khi các kỹ sư quân sự đảm bảo an toàn cho khu vực.
“Thành phố này đầy rẫy câu chuyện bí ẩn do lịch sử của nó. Nhưng bây giờ là thông tin chính thức, chúng tôi đã tìm thấy gì đó” - ông žygmunt Nowaczyk, phó thị trưởng Walbrzych, vui mừng tuyên bố.
“Khu vực này có rất nhiều kho báu vì khi Hồng quân Liên Xô tiến vào, người Đức tháo chạy nhưng tin rằng họ sẽ quay lại. Họ chôn giấu mọi thứ từ tiền, tài liệu đến trang sức vàng” - Lukasz Kazek, hướng dẫn viên du lịch địa phương, nói.
Nhiều sử gia ước tính đoàn tàu chở hơn 300 tấn vàng cùng vô số nữ trang, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mất tích từ sau Thế chiến thứ hai. Thông tin về đoàn tàu được hé lộ từ lời trăng trối của một người đàn ông giấu tên tham gia chôn đoàn tàu cách đây hơn 70 năm.
Giới truyền thông đồn đoán người này có thể là thành viên của đội cận vệ phát xít Đức hoặc một người dân thường đã phát hiện kho báu và giấu nó. Đoàn tàu chưa được tìm thấy, nhưng đã có nhiều người muốn được chia phần.
Ba Lan khẳng định số vàng trên tàu thuộc về chính quyền nước này một cách hợp pháp và 10% giá trị sẽ chia cho hai thợ săn kho báu phát hiện đoàn tàu.
Tuy nhiên, luật sư Nga Mikhail Joffe cho rằng kho báu này phải thuộc về Nga như là khoản đền bù tổn thất của Matxcơva trong thế chiến. Trong khi đó, Tổ chức Do Thái World Jewish Congress tuyên bố: “Nếu tài sản này bị cướp từ người Do Thái trước khi họ bị sát hại, bị đưa đến các trại lao động khổ sai thì phải được trả về chủ cũ hoặc con cháu của họ”.
Các kho báu thời chiến
Các kho báu của phát xít Đức đến nay vẫn là giấc mơ của nhiều thợ săn báu vật. Một số được tìm thấy nhưng phần nhiều chỉ là những tin đồn.
Năm 2015, giấc mơ trở thành sự thật đối với một người Đức tên Florian Bautsch khi phát hiện 217 đồng tiền vàng ở Lüneburg (Đức) trị giá hơn 45.000 euro. Tuy nhiên ông Bautsch chỉ nhận được tiền thưởng khoảng 2.500 euro và số vàng được trưng bày ở bảo tàng địa phương.
Nhưng đối với thợ săn Yaron Svoray (người Israel), chiến dịch tìm kiếm số vàng trị giá hơn 1 tỉ USD dưới hồ Stolpsee gần thủ đô Berlin (Đức) đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo nghiên cứu năm 2007 của nhà kinh tế Sidney Zabludoff - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, số tài sản mà phát xít Đức cướp được vẫn còn thất lạc lên đến 175 tỉ USD và chỉ mới 1/5 số tài sản bị cướp của người Do Thái ở châu Âu được trả về chủ cũ.
Việc trao trả vẫn đang tiếp diễn. Năm 2013, Pháp đã mở cuộc tìm kiếm chủ nhân khoảng 2.000 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ bậc thầy như Monet hay Renoir bị phát xít Đức cướp sau Thế chiến 2. Nhiều tác phẩm này được treo trong các bảo tàng của Pháp từ hàng chục năm qua.
Năm 2006, Mỹ chi trả 25 triệu USD cho các nạn nhân thảm họa diệt chủng Do Thái ở Hungary để đền bù việc một tàu chở vàng của phát xít Đức bị binh lính Mỹ tịch thu năm 1945.
Cuộc điều tra năm 1999 cho thấy nhiều lính Mỹ không trả lại đồ vật lấy được trên tàu.
Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng trả tiền Theo Reuters, tháng 5-2015 các ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu kiểm tra lại hàng ngàn tài khoản mở trước năm 1955 không được đụng đến nửa thế kỷ qua. Nhiều tài khoản có thể là tiền bị phát xít Đức cướp được. “Việc công bố nhằm tìm kiếm những người hưởng lợi từ các tài khoản trên trước khi tiền được trao lại cho chính phủ” - người phát ngôn Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ cho biết. Năm 1998, Chính phủ Thụy Sĩ và Tổ chức World Jewish Congress cũng đạt được thỏa thuận để các ngân hàng Thụy Sĩ chi trả 1,25 tỉ USD cho các tổ chức đại diện nạn nhân Do Thái. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận