15/07/2018 07:29 GMT+7

Đoạn kết World Cup, nhìn từ những cái tên

HÀ QUANG MINH
HÀ QUANG MINH

TTO - Subasic - Lovren - Vida - Vrsaljtko - Strinic - Brozovic - Modric - Ratkitic - Perisic - Mandzukic - Rebic. 11 cái tên ấy có gợi lại cho bạn điều gì không?

Đoạn kết World Cup, nhìn từ những cái tên - Ảnh 1.

Có lẽ sẽ nhiều người cùng một cảm nhận chung. Những âm "ic" ở cuối cái tên, cho thấy dường như có 1 sự thống nhất vô cùng về nguồn cội.

Thực chất, ngoại trừ trường hợp Vida, cái tên khá lạ với người Croat, cái tên có vẻ Slovenia hay Hungaria thì đúng hơn, phần còn lại đều là những cái tên Croat thực thụ.

Và đội tuyển Croatia có thể được coi là đội bóng hiện thân của chủ nghĩa dân tộc ở World Cup lần này, khi họ là một trong những đội bóng có tính duy nhất rất cao về nguồn gốc dân tộc của các cầu thủ.

Trong khi đó, ở ĐT Pháp, ĐT Bỉ, và cả ĐT Anh, chúng ta không còn thấy sự thống nhất kiểu đó từ lâu rồi. Đó là kết quả của sự khác biệt trong đời sống xã hội, chính trị của từng quốc gia.

Ở đây không có chỗ cho sự kỳ thị, mà chỉ là một so sánh để nhận thấy rằng bóng đá đang phản ảnh các khía cạnh xã hội thực tế khác như thế nào mà thôi.

Nhiều năm qua, Pháp vẫn hay bị người ta dè bỉu một các ác ý về màu da trong nội bộ đội tuyển của họ. Thật lạ, cho đến tận thế kỷ 21 rồi mà chuyện đó vẫn có thể xảy ra được? Và lạ lùng hơn, tại sao lại chỉ nhắm vào Pháp trong khi các ĐT châu Âu tương đồng với Pháp về sự đa dạng văn hoá, chủng tộc lại không hề bị giễu nhại?

Điển hình như tuyển Bỉ chẳng hạn. Phải chăng, lý do đến từ cái kỳ vọng "lịch lãm, hào hoa" đã không được Pháp đáp ứng?

Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được một sự thật rằng đúng là tuyển Pháp thời đại mới, kể từ thế hệ của Zidane, đã và đang được xây dựng trên nền tảng của những người nhập cư và nền tảng ấy ngày một chiếm đa số.

Nói rộng hơn, cả nền bóng đá Pháp cũng được xây dựng trên nền tảng nhập cư ấy, khi những danh thủ nhập cư thế hệ trước đang làm những người dẫn dắt các tài năng trẻ của thế hệ nhập cư sau này ở khắp các lò đào tạo của đất nước hình lục lăng.

Sự thật là người nhập cư không có nhiều cơ hội ở Pháp cũng như các nước phương Tây. Họ có thể được đón nhận, được bảo trợ bởi một chính sách an sinh xã hội giàu lòng bác ái nhưng cơ hội phấn đấu thành trung lưu hay thượng lưu là cực hiếm.

Và một trong những cơ hội để thay đổi vận mệnh của chính mình đối với những người nhập cư, vốn dĩ sống ở các vùng ven của đô thị, vốn dĩ bị coi là ngoại biên của xã hội, chính là bóng đá.

Zinedine Zidane đã minh chứng cho sự thành công mà cơ hội ấy mang lại. Thierry Henry cũng đã minh chứng như thế, và nhiều danh thủ khác nữa.

Thế nên, ở bên rìa các đô thị lớn, trên những sân bóng bình thường, những đứa trẻ trong những tấm áo rộng thùng thình, tất nhiên là cũ rồi, với cái tên của 1 giấc mơ nào đó (như Zidane, Henry, Djorkaef…) hoặc với logo một CLB nào đó, đổ mồ hôi cho một thứ mà chúng nghĩ là niềm vui sống trong đời (bóng đá) còn cha mẹ chúng thì lại cho rằng đó chính là cơ may để có thể đổi đời.

Mbappe, Pogba, Kante, Matuidi, Umtiti… đều bắt đầu cuộc đời bóng đá của mình theo công thức ấy. Nó là sự pha trộn giữa đam mê của đứa trẻ với khát vọng của cha mẹ chúng. Ở ĐTQG Bỉ cũng vậy thôi, những Dembele, Chadli, Lukaku, Kompany… cũng đã trưởng thành từ sự tổng hoà ấy.

Nhưng ở Croatia thì không. Đơn giản, người nhập cư thường chọn những nước như Pháp, Đức, Bỉ… chứ không chọn Croatia. Nó vừa là lý do về kinh tế, về an sinh xã hội và cả lý do về chủ nghĩa dân tộc ở Nam tư cũ cũng rất nặng nề.

Và nhắc tới Croatia, nhắc tới nhập cư, không thể không kể câu chuyện của Dejan Lovren. Đó là một người nhập cư đích thực nhưng cuối cùng đã quay trở về quê nhà mình. Chiến tranh ở Bosnia xảy ra khi Lovren còn rất nhỏ (anh sinh năm 1989).

Từ ngôi làng Kraljeva Sutjeska, thuộc Zenica, nơi mà Lovren đã trải qua tuổi thơ với tất cả những kỷ niệm đẹp nhất, anh đã phải chứng kiến thực sự sinh tồn là gì khi tuổi còn quá nhỏ.

"Chúng tôi từng có tất cả. Đó là sự thực. Mọi láng giềng đều tốt bụng cả, dù họ là người Hồi giáo hay người Serb. Tất cả chia sẻ với nhau, bằng nụ cười. Rồi một ngày chinh chiến xảy ra. Tất cả thay đổi chỉ trong một đêm".

"Tất cả thành kẻ thù của nhau, 3 văn hoá khác nhau. Rồi sau một đêm trú ẩn dưới hầm mà tôi vẫn nghĩ rằng đã có tiếng bom, cha, mẹ, các chú, dì cùng lên một chiếc xe, chúng tôi chạy qua Đức, nơi ông ngoại tôi đang sống. Cuộc đời di cư bắt đầu".

Lovren đã kể lại như thế, trong cuốn phim tư liệu về đời mình. Cũng trong cái đêm định mệnh đó, anh đã chứng kiến bác mình bị giết, bằng dao.

Rồi cuộc đời tị nạn ở Đức trải qua với mỗi lần 6 tháng gia đình anh bị từ chối cấp giấy tờ với một giải thích ngắn gọn "hết chiến tranh là phải rời Đức".

Hồi đó, nếu có giấy tờ, có khi hôm nay Lovren không chơi chung kết World Cup 2018 với Croatia mà có thể đã vô địch World Cup 2014 cùng tuyển Đức.

Gia đình Lovren quay lại Croatia khi chiến tranh qua đi, với một đời sống nghèo nàn đến mức đôi giày trượt băng ưa thích của anh cũng phải bị bán đi để đổi lấy bánh mì. Tổng thu nhập của gia đình vẻn vẹn chỉ có 350 euro mỗi tháng trong cả một quãng thời gian dài.

Và bóng đá cuối cùng đã là cứu tinh cho gia đình ấy, để bây giờ, vị cứu tinh ấy đang đứng trước trận cầu tranh đấu cho vị thế nhà vô địch thế giới.

"Bây giờ, nhìn vào những người nhập cư của thế sự hôm nay, tôi cứ nhớ lại gia đình mình ngày đó, nhớ lại cái cách người ta không muốn bạn ở trên đất nước của họ. Tôi hiểu, đó là cách tự vệ của họ, cách họ bảo bọc đời sống của chính mình".

"Nhưng những người nhập cư không có lỗi. Họ đấu tranh cho mình, và con cái mình. Họ vô vọng và không một chốn nương thân. Tôi hiểu những gì họ đã trải qua. Xin hãy cho họ một cơ hội".

Đó là chia sẻ cuối cùng của Lovren trong cuốn phim tư liệu về đời mình. Và điều Lovren nói khiến chúng ta nghĩ đến hai chữ cơ hội ấy. Trước Croatia là một Les Bleus đã từng cho rất nhiều người nhập cư nhiều hơn một cơ hội.

Nhưng quan trọng nhất là những người đã có cơ hội ấy phải quay lại đóng góp cho đội tuyển thế nào cho tương xứng. Đó mới là một công bằng thực sự, nhất là ở một quốc gia có motto "Tự do - Bình đẳng - Bác ái".

Chỉ 8 năm trước thôi, ở Nam Phi, sự bất tuân của 23 ngôi sao Pháp mà trong đó đầy rẫy những ngôi sao nhập cư đã đủ đầy từ việc có cơ hội từ bóng đá Pháp như Nasri, Anelka… đã để lại một vết nhơ rất lớn được gọi là "ô nhục Knysna". Đó là điểm đánh dấu sự thay đổi thực sự ở Les Bleus, để trở thành một đội bóng khác.

Ở thời điểm đó, người Pháp nhắc lại câu chuyện từ tháng 2-2009, khi Pháp đá giao hữu cùng Argentina ở Marseilles, đa số cầu thủ Pháp đã không hát quốc ca. Và sau này, sự khinh khi quốc thiều ấy của họ đã lặp lại nhiều lần, để truyền thông và dư luận Pháp phải giận dữ vô cùng.

Sau này, khi phỏng vấn Deschamps (năm 2012), chính ông đã chia sẻ rằng "kể từ bây giờ, điều quan trọng nhất là phải cho các cầu thủ ý thức được họ không chỉ là một vận động viên, mà còn là một hình ảnh đại diện của thanh niên Pháp".

Ở trận bán kết gặp Bỉ, chúng ta đã thấy Les Bleus hát quốc ca nghiêm túc như thế nào.

Trong khi đó, ở phía Bỉ, Fellaini, De Bruyne, Chadli và đặc biệt là đội trưởng Eden Hazard đã không hát lấy một chữ. Họ đang nghĩ gì trong đầu? Phải chăng họ nghĩ như Anelka, như Nasri, Gallas của Pháp 2010?

Thế nên, Pháp thắng Bỉ vào chung kết với Croatia cũng phải. Họ đang là đội bóng thể hiện được một chủ nghĩa tương xứng với chủ nghĩa dân tộc của đối thủ Croatia.

Đó chính là chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa không phân biệt về sự khác nhau ở màu da, sắc tộc, mà đòi hỏi tất cả đều phải có trách nhiệm với lá quốc kỳ trên tấm áo đấu của mình.

Nói chung, mỗi đội bóng, ngoài triết lý bóng đá đều cần phải có một triết lý văn hoá thì mới có thể tiến xa được. Ở cấp CLB, người ta đã nói về chủ nghĩa quốc gia củ FC Barcelona, một quốc gia không nhà nước (Catalan).

Nhiều người không hiểu có trách cứ Barca bạc bẽo khi bán các cầu thủ có công với mình nhưng thực tế, khi cầu thủ không còn thấm nhuần chủ nghĩa quốc gia của Barca, họ sẽ bị bán ngay dù cho họ có lập bao nhiêu công cán đi nữa.

Ở ĐTQG, điều đó càng phải cần, càng phải được đề cao. Ít ai biết được rằng Les Bleus phái mất 8 năm trời để hun đúc lại văn hóa ấy cho mình. Ít ai biết được rằng tuyển Anh sau khi thua Croatia ở bán kết đã nán lại 30 phút ở sân vận động, đứng trước khán giả nhà, tri ân và xin lỗi.

Trong tuyển Anh ấy cũng có đến 8 cầu thủ nhập cư, từ vùng Caribe. Nhưng họ hát vang "Gods save the Queen" trước mỗi trận cầu, vì họ ý thức rằng nước Anh đã cho họ tất cả.

Chính vì thế, chung kết World Cup 2018 sẽ rất đáng chờ đợi. Đó sẽ là trận cầu mà đội nào thắng cũng xứng đáng được vinh danh, bởi họ đã và đang mang trong mình một niềm tự hào thực sự.

HÀ QUANG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp