07/08/2015 06:01 GMT+7

Đoàn kết là sức mạnh của ASEAN

Q. TRUNG
Q. TRUNG

TTO - Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) trước thời điểm ra đời cộng đồng chung ASEAN cuối năm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí về tất cả những vấn đề cốt lõi của hội nghị.

Từ trái sang, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Thái Lan Tướng Thanasak Patimaprakorn, Ngoại trưởng Myanmar, Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trước Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong lần 8. Ảnh: Reuters
Từ trái sang, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Thái Lan Tướng Thanasak Patimaprakorn, Ngoại trưởng Myanmar, Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trước Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong lần 8 - Ảnh: Reuters

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh sức mạnh của ASEAN là ở sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN phụ thuộc vào sự đoàn kết của các thành viên.

* Những điểm nhấn của hội nghị AMM 48 năm này là gì thưa Phó Thủ tướng?

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 và các Hội nghị liên quan là những hội nghị quan trọng nhất trong năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia.

Quan trọng vì đây là kỳ họp mà các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thảo luận với nhau về các vấn đề trong ASEAN khi chỉ còn vài tháng nữa ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng. Các Bộ trưởng ASEAN đã có các cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước đối tác quan trọng trên thế giới để thảo luận về quan hệ của ASEAN với các đối tác khi ASEAN trở thành cộng đồng.

Do đó, các Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các nước ASEAN mà còn trong quan hệ của ASEAN với các nước bên ngoài.

Các Bộ trưởng ASEAN thảo luận những biện pháp thúc đẩy trong ASEAN nhằm thực hiện toàn bộ những cam kết để đến cuối năm nay ASEAN trở thành cộng đồng. Hiện nay mức thực hiện các cam kết của các nước ASEAN là trên 90%, trong đó Việt Nam đã thực hiện trên 93%, là một mức rất cao.

Còn một vài tháng nữa là hết năm 2015, cho nên việc thúc đẩy thực hiện những cam kết này là hết sức quan trọng. Các Bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy thực hiện các cam kết của từng nước để đảm bảo hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay; trọng tâm là vấn đề kết nối trong ASEAN, vì kết nối trong ASEAN thực hiện thành công thì sẽ kết nối được với bên ngoài, và giảm khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN. Các Bộ trưởng ASEAN đã trao đổi rất nhiều nội dung quan trọng.

Thứ nhất là các định hướng để ASEAN phát triển sau năm 2015. Việc thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay không phải là điểm dừng, mà là sự bắt đầu của một tiến trình mới cao hơn sau năm 2015. Do vậy, các Bộ trưởng đã trao đổi với nhau những nội dung và định hướng lớn của Tầm nhìn ASEAN sau 2015 với mục tiêu hoàn tất và trình Lãnh đạo thông qua vào cuối năm nay, qua đó định hình phát triển cho ASEAN trong 10 năm tới.

Tinh thần chủ đạo là cần xây dựng một ASEAN lấy người dân làm trung tâm, trong đó người dân không những được thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ các nội dung, hoạt động hợp tác mà còn đóng vai trò chủ thể, tham gia và đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.

Thứ hai là nâng cao vai trò, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN khi trở thành cộng đồng vào cuối năm nay.

Vai trò trung tâm đó hết sức quan trọng với ASEAN vì ASEAN muốn có một vai trò không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới; do vậy, cần phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các cơ cấu, cấu trúc của khu vực cũng như cấu trúc trong ASEAN.

Để đảm bảo vai trò trung tâm, các Bộ trưởng ASEAN đã thảo luận vấn đề mấu chốt là sự đoàn kết, thống nhất, hay nói một cách khác là có một tiếng nói chung trên tất cả các vấn đề.

Thứ ba là quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN với tất cả những đối tác quan trọng nhất của ASEAN, như Hội nghị ASEAN+1, Hội nghị ASEAN+3, cơ chế Đông Á, các Bộ trưởng ASEAN họp với Bộ trưởng các nước trong Cấp cao Đông Á,  và với Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong diễn đàn an ninh khu vực.

Tính chất trao đổi và thúc đẩy quan hệ của ASEAN được thể hiện trong quan hệ với từng nước đối tác, cũng như với một nhóm nước, hay trong cơ chế rộng rãi hơn là vấn đề an ninh khu vực. Trong tất cả các cuộc trao đổi, các Bộ trưởng tập trung nêu rõ việc ASEAN sẽ trở thành cộng đồng chung vào cuối năm nay, một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, với sức vươn lên như Thủ tướng Malaisia phát biểu tại lễ khai mạc là vào năm 2050, ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển kinh tế thứ tư, hay là khu vực thương mại lớn thứ 4 thế giới. Với tiềm năng như vậy, định hướng quan hệ của ASEAN với từng nước đối tác, cũng như với các nhóm nước là rất quan trọng.

Phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh là những vấn đề hết sức quan trọng. Những vấn đề liên quan đến hòa bình an ninh, từ chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan cho đến an ninh khu vực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên đều được thảo luận. Đó là những nội dung hết sức quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này.

* Thông điệp và đóng góp của Việt Nam như thế nào tại hội nghị AMM lần này? 

- Chúng ta đã tham gia hết sức tích cực trong tất cả các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN, cũng như Hội nghị của ASEAN với các đối tác và có những đóng góp hết sức trách nhiệm trên các lĩnh vực.

Một là, chúng ta khẳng định cam kết đảm bảo thực hiện toàn bộ những cam kết với ASEAN để đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đặc biệt là tại những lĩnh vực quan trọng đối với cả Cộng đồng và với Việt Nam, như kết nối trong ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Hai là, chúng ta cũng đóng góp vào việc tăng cường vai trò của ASEAN, nhất là vai trò trung tâm, mà vấn đề mấu chốt là xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trên các vấn đề. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

Ba là, chúng ta đã đóng góp nhiều đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các Đối tác trên các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến các đóng góp vào vấn đề an ninh trong cuộc họp giữa Bộ trưởng ASEAN và các đối tác.

Đặc biệt, chúng ta đã hoàn tất nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN-EU (07/2012-07/2015), thúc đẩy những tiến triển rất thực chất trong quan hệ hai bên, tranh thủ EU tăng gấp đôi viện trợ cho ASEAN cũng như xây dựng lộ trình nâng quan hệ Đối tác ASEAN-EU lên tầm chiến lược.

Vấn đề Biển Đông đã được các Bộ trưởng ASEAN và các đối tác đề cập thế nào trong các Hội nghị?

Tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, nhất là đối với các nước ASEAN, được các Bộ trưởng hết sức quan tâm tại tất cả các Hội nghị; trong đó biển Đông là một trong những vấn đề được các Bộ trưởng quan tâm nhất, vì tình hình Biển Đông không chỉ tác động đến an ninh trong khu vực mà tác động đến các vấn đề liên quan đến các nước bên ngoài khu vực.

Vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề giải quyết tranh chấp về chủ quyền, mà còn liên quan đến các tuyến đường giao thông vận tải hàng hải cũng như hàng không; do đó, không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà cả các nước bên ngoài khu vực. Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc bồi đắp mở rộng, tôn tạo quy mô lớn các đảo đá tại Biển Đông, khiến các nước hết sức lo ngại. 

Tại tất cả các Hội nghị của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước đều nêu lo ngại về tình hình Biển Đông.

Đây là một trong những chủ đề được các Bộ trưởng ASEAN đạt sự nhất trí khá cao, bày tỏ quan ngại.Trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu hẳn trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là Điều 5, thực hiện tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực Biển Đông. Các Bộ trưởng cũng khẳng định quyết tâm cần phải thúc đẩy đàm phán để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Q. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp