Phóng to |
NSƯT Trung Hiếu (trái) khi là Linh bên người cha ruộtẢnh: Mạnh Kiên |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Trong dòng suy tưởng, anh chợt nhớ đến câu nói của một nhà văn Mỹ mà mình đã đọc ở đâu đó: “Con người không sinh ra con người mà đứa trẻ chỉ thành người trong quá trình giáo dục”.
Những câu chữ vừa được gọi dậy trong tiềm thức chợt làm lóe lên trong đầu vị đạo diễn một câu chuyện.
Từ Những đứa con oan nghiệt...
Có hai gia đình sống chung trong một ngôi làng nhưng cách sống và cảnh sống của họ hoàn toàn khác xa nhau. Ông thầy đồ giỏi chữ nhất vùng, chỉ chăm lo truyền dạy đạo đức thánh hiền thì cảnh nhà thanh bạch, trong khi gia đình tên ăn cướp khét tiếng lại giàu sang. Hắn là người sáng dạ, chuyến hàng nào cũng được giải quyết nhanh như chớp nên Doãn Hoàng Giang cho hắn cái tên Tư Chớp. Thằng con trai cả “ăn hàng” còn điệu nghệ hơn bố tựa như rồng bay phượng múa, anh khai sinh cho nó là Phi Long.
Phóng to |
...và khi là Đàm bên người cha nuôi Ảnh: Mạnh Kiên |
Suốt một đời sống nhờ ăn cướp, nhưng về già Tư Chớp cảm thấy “lạnh lưng” cho tương lai đứa con mới sinh nên đem con mình tráo với con ông thầy đồ với ước muốn thằng con ấy sẽ thành người lương thiện. Và quả vậy, sống nơi cửa Khổng sân Trình, con trai Tư Chớp lớn lên thành một thanh niên nho nhã; còn cậu con bị đánh tráo của ông thầy đồ, dẫu mang trong mình dòng máu của người cha đức độ vẫn trở thành một gã du côn khi sống trong nhà kẻ cướp.
Nhớ đến câu nói của nhà sân khấu chủ trương phương pháp kịch gián cách Bertolt Brecht: “Trong xã hội tàn bạo mà con người hiền lành là con người ngu ngốc” nên anh đã mạnh tay cho gã du côn giết chết đứa con trai nho nhã theo tư tưởng ác giả ác báo.
Quá hứng khởi vì đã tìm ra được hình thức để chuyển tải nội dung mang đầy tính hiện thực trong câu nói của nhà văn Mỹ nọ nên Doãn Hoàng Giang chỉ mất một đêm để hoàn thành kịch bản và đó chính là vở Những đứa con oan nghiệt, một thời được nhiều đoàn nghệ thuật phía Bắc dàn dựng... Đi đến đâu, thái độ “tuyên chiến” với môi trường xấu nhằm giành lại nhân cách cho con người của tác giả vở kịch cũng được sự đồng tình của khán giả. Anh bảo: “Đừng trách con người mà phải trách môi trường”.
Lời trách ấy đã vào đến TP.HCM vài năm trước đây khi đạo diễn trẻ Phùng Nguyên đem vở Những đứa con oan nghiệt dàn dựng cho sân khấu Kịch Sài Gòn với sự có mặt của NSND Diệp Lang trong vai Tư Chớp và NSƯT Việt Anh trong vai thầy đồ, và mới đây thông điệp ấy lần nữa được đạo diễn Ái Như tân trang lại cho sân khấu Nhà hát kịch 5B bằng tên gọi mới Bàn tay của trời với sự thể hiện sắc nét của NSƯT Thành Hội (Tư Chớp) và nghệ sĩ Tấn Thi (thầy đồ).
Đến Đứa con bị đánh cắp
Vở Đứa con bị đánh cắp do các nghệ sĩ của đoàn 1 - Nhà hát Kịch Hà Nội diễn tại Nhà hát TP.HCM từ 16 đến 30-9-2007, sau đó sẽ đi lưu diễn Vũng Tàu từ 1 đến 5-10-2007. Đây là một trong những vở kịch gây tiếng vang trong lòng khán giả thủ đô Hà Nội thời gian qua với hàng chục suất diễn. Có hôm đoàn phải diễn liên tục ba suất mà vẫn còn đông khách. Trong chuyến du Nam lần này cùng với kịch bản cũ Cát bụi, vở Đứa con bị đánh cắp thêm một lần nữa khẳng định chất Hà thành tinh tế trong các tác phẩm hay của Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Khi câu chuyện về “những đứa con oan nghiệt” tưởng như trôi vào ký ức của cha đẻ ra nó thì một hôm, Doãn Hoàng Giang được giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội Hoàng Dũng mời dựng kịch bản Đứa con bị đánh cắp của tác giả Nguyễn Quang Lập. Cũng cùng mang tư tưởng tuyên chiến với môi trường xấu, nhưng bàn tay của nhà văn quê Quảng Trị này xem ra còn quyết liệt hơn khi cho hai đứa trẻ là hai anh em song sinh.
Và như để làm mạnh thêm tính chất “hai trong một” này, Nguyễn Quang Lập đã tách hai chữ Linh Đàm, tên của khu chung cư mà anh đang ở để đặt cho hai nhân vật chính: Linh - người anh và Đàm - cậu em. Một người thiếu sự quan tâm dạy dỗ trở nên hư đốn dù được ở với cha mẹ ruột, còn người kia tuy bị “đánh cắp” nhưng được cho ăn học tử tế thành một trí thức trẻ.
Truyện kịch chỉ thật sự mở ra khi cậu em giỏi giang bị tai nạn mất trí nhớ, bị ông anh tráo về ở với cha mẹ ruột làm nghề đạp xích lô, còn mình giả làm cậu em trở thành giám đốc một công ty. Khác với không khí có phần căng thẳng hàm chứa tính phê phán quyết liệt ở Những đứa con oan nghiệt, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã cho Đứa con bị đánh cắp đầy ắp tiếng cười xoay quanh những tình huống bi hài lẫn lộn giữa Linh và Đàm.
Một Đàm giỏi giang, đức độ bỗng là tay chơi, phá nát gia tài. Một Linh dốt nát, ngỗ nghịch bỗng trở nên thông thái, đĩnh đạc. Cái thiện và cái ác trong cùng một hình hài cứ xoay mòng mòng như ba cây cột đen trắng và sáu bộ đồ y tá mang hai màu trắng đen mà đạo diễn cố tình đưa lên sân khấu, như một biểu tượng hai mặt đối lập của hai tính cách con người được hình thành từ hai môi trường khác nhau.
Sự thú vị này còn là hiệu quả diễn xuất của NSƯT Trung Hiếu khi một lúc thủ diễn cả hai vai với hai cách hành xử ngược nhau. Ngay trên sàn tập, anh đã được đạo diễn khen ngợi về sự thông minh và thái độ “xả thân” trong lao động nghệ thuật, “lên bờ xuống ruộng” cỡ nào cũng chấp nhận, miễn sao thực hiện trọn vẹn sự khác nhau bên trong hai nhân vật có chung một hình thức. Đoạn dựng anh cho là thử thách nhất và cũng khiến người xem lý thú nhất là cảnh diễn viên Trung Hiếu xoay mòng mòng xung quanh chiếc trụ xoay, cứ mỗi lần xoay là một người khác, khi là Linh, lúc là Đàm mà dấu hiệu nhận ra chỉ thông qua khả năng biểu đạt của diễn viên.
Một triết gia đã từng nói: kẻ xấu có trăm ngàn thủ đoạn để xấu thì người tốt cũng cần có trăm ngàn “thủ đoạn” để tốt mới mong tồn tại. Còn Doãn Hoàng Giang, thông qua Những đứa con oan nghiệt trước kia và Đứa con bị đánh cắp đang ra mắt khán giả TP.HCM (tại Nhà hát TP) hiện nay, cũng muốn gửi đi một lời kêu gọi: để “con người đừng bị hiền lành một cách ngu ngốc” và để “người thiện biết trăm ngàn phương cách để tốt” thì hãy cho con người một môi trường sống tử tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận