Phóng to |
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Hãy trao cờ cho người trẻDoãn Hoàng Giang và cuộc chiến nhân cách
Nhân dịp vào TP.HCM, ông đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trao đổi rất tâm tình.
* Học diễn viên nhưng Doãn Hoàng Giang lại thành danh trên cương vị đạo diễn?
- Xuất thân từ trường dòng, gia đình có người đi Nam năm 1954, tôi vào đời với một cái lý lịch nhiều “tì vết”. Là người tạo ra chương trình Sân khấu truyền thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có tiết mục mang sang Triều Tiên thi giành huy chương vàng mà tôi không hề biết cái phòng bá âm như thế nào. Năm 1960, khi đăng ký học khoa đạo diễn ở trường Sân khấu Điện ảnh, tôi bị đẩy sang khoa diễn viên.
Người ta nói những người sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn sẽ trở thành lãnh đạo đoàn, phải có tầm tư tưởng lớn, lý lịch phải vững vàng… Hết giờ lên lớp diễn viên, tôi lại qua lớp đạo diễn, chầu chực ngoài cửa sổ như một “con chó tiền rưỡi” nghe thầy giảng bài. Tôi “cà” những tay học đạo diễn lúc đó cho tôi trả bài hộ, từ xử lý không gian, thời gian… cho đến viết kịch bản, dựng vở. Mỗi lần nghe Hà Nội làm vở mới, kể cả những vở do các đạo diễn Liên Xô sang dàn dựng, tôi đều tìm đến xem. Xem và tự nhủ rằng phải vượt qua họ.
* Phải chăng vì thế mà trong nhiều vở diễn của ông đều có hình ảnh xấu về những “cán bộ tổ chức”?
- Tôi đã từng xung phong đi đắp đê, vác gỗ, vác đất…, chấp nhận làm những công việc mạt hạng để cải tạo cái lý lịch của mình. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều cán bộ tổ chức, miệng thì thao thao rao giảng đạo đức trong khi thò tay xuống gầm bàn mân mó đùi diễn viên. Tôi mang nỗi ấm ức của mình trút vào Hà Mi của tôi, Hoa cỏ dại, Đôi mắt...
Năm 1964, khi được Nhà hát Kịch Trung ương mời về dựng vở, vô tình chạm mặt với ông cán bộ tổ chức xét lý lịch mình ngày trước dính kỷ luật phải ra gác cổng, tôi còn cư xử trẻ con đến mức văng tục. Ông ta trố mắt nhìn tôi vì ngạc nhiên. Hóa ra ông không biết tôi như tôi đã biết ông. Lúc còn tại vị, cứ lý lịch nào có “tì vết” là ông quăng vào sọt. Ông được dạy như vậy. Ngẫm lại, nếu cuộc đời mình cứ thuận buồm xuôi gió, chưa chắc mình đã có đủ dũng khí và nỗi đau đời để làm nghề. Nói một cách hoa mỹ thì mình phải ơn cái thời khốn nạn đó.
* Về phương diện thị giác, Doãn Hoàng Giang được nhiều người thừa nhận là một đạo diễn tiên phong với những sân khấu nhiều tầng nấc. Đó cũng là một cách để ông tạo ra sự khác biệt?
- Nếu dựng những vở chỉ có vài nhân vật, đi lại quanh quẩn trong buồng riêng thì sân khấu không đòi hỏi nhiều tầng nấc. Đồng ý làm việc với tôi là phải chấp nhận bộn bề công việc. Tôi thích dựng những đại cảnh. Chẳng hạn khi dựng vở Bài ca Điện Biên, tôi sử dụng 350 diễn viên. Về mặt tạo hình, nếu chứa một khối lượng lớn diễn viên như vậy trên cùng một mặt phẳng là rất bất lợi.
Hay trong Nhân danh công lý, tôi dựng một cây cầu vắt ngang sân khấu tượng trưng cho cán cân công lý, những người có quyền lực thì bước qua còn những kẻ cơ hội thì luồn qua. Không cẩn thận thì công lý nước mình chỉ là sợi dây căng ngang đường để ngăn người lương thiện. Vào sân vận động cũng thế, hàng rào chỉ ngăn được người những cổ động viên lương thiện, đâu có cản được bọn hooligan…
* Nếu công lý là cái dây thì chúng ta bế tắc?
- Pháp luật không phải là cái dây, mà phải là một bức tường thành không một ai có thể dùng quyền lực hoặc tiền bạc để lót đường bước qua. Bất kỳ quốc gia nào cũng cần có cơ quan lập pháp, nhưng cái để người ta phân biệt nước này văn minh hơn nước kia là do hành pháp. Vụ viên thiếu úy cảnh sát múa kiếm ở Đà Nẵng, con trai phó bí thư huyện ủy Thủ Thừa (Long An) đánh cảnh sát giao thông gây phẫn nộ trong nhân dân nhưng có vẻ như cũng đang chìm dần.
* Từ uất ức cá nhân cho đến những nỗi đau đời, ông đều ném lên sân khấu. Đến giờ, ông đã ném hết chưa?
- Chưa. Ném những cái cũ lên thì cái mới lại xuất hiện. Thế mới khổ. Làm nghệ sĩ là phải biết công phẫn. Chính sự công phẫn làm nên những nghệ sĩ lớn.
* Những vở diễn không chỉ tồn tại trên sân khấu, mà trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi con người ta cũng phải “diễn”. Theo ông, sân khấu hiện nay đã trở thành một tấm gương phản ánh đủ đầy hiện thực cuộc sống?
- Chưa. Có một câu nói rằng từ khối óc đến bàn tay là một bi kịch của nhà văn. Óc anh nghĩ rất nhiều, nghĩ rất hay nhưng khi viết ra thì không được hay như anh nghĩ. Đạo diễn cũng vậy, từ khối óc đến sàn diễn là một bi kịch.
* Ngoài kịch nói, ông còn nhảy sang “cách tân” chèo. Có vẻ như ông là người khá ôm đồm?
- Thực ra khi bắt tay vào làm chèo thì tôi cũng chưa biết “chéo chẹo chèo cheo” là thế nào, cứ cắm đầu làm, chuyện “cách tân” là sau này người ta gán cho tôi. Việc tôi quyết định làm chèo xuất phát từ thực tế lúc đó là khán giả quay lưng lại với bộ môn nghệ thuật này, nhất là đối tượng thanh niên. Vở đầu tiên là Một tình yêu sẽ đến, tôi làm cho Đoàn chèo Hà Tây, sau khi chia tay Nguyệt Ánh, người vợ đầu tiên. Lấy tên vở như vậy vừa là một cách để tự vỗ về mình, vừa là tâm nguyện tình yêu với chèo sẽ trở lại với thanh niên. Một nền nghệ thuật mà để thanh niên quay lưng lại thì kể như vứt đi.
* Ông có cực đoan quá không? Không lẽ người già không phải là khán giả?
- Mục đích tối thượng của tôi là phục vụ thanh niên. Còn các cụ đến rạp, tôi cảm ơn. Cụ đã từng là một cô gái đẹp nhưng giờ thì đã trở thành một bà già móm mém. Con kính trọng cụ nhưng con không yêu cụ. Con có thể lạy cụ nhưng con không lấy cụ. Con phải yêu một cô gái trẻ, đẹp, đầy sức sống để cùng con sinh con đẻ cái, để tạo thành một thế hệ mới. Tôi nghĩ không một nền nghệ thuật nào nhằm để phục vụ các ông bà già. Bởi lẽ người già không còn nhiều sức lực và thời gian để phá hoại hoặc ngược lại là cống hiến và xây dựng xã hội.
Romeo và Juliet, Hamlet… - những tác phẩm lớn của nhân loại - đều tập trung vào đối tượng thanh niên. Nghệ thuật chân chính bao hàm tính định hướng và giáo dục cho giới trẻ. Một thế hệ trẻ mà tốt thì họ còn mấy chục năm để làm tốt. Ngược lại thì họ cũng còn bằng ấy thời gian để phá hoại xã hội. Đó là lý do khiến tôi muốn kéo thanh niên quay lại với chèo, yêu chèo. Thứ hai, tiết tấu của chèo cổ lỗ, cứ i a í a, mà tôi giễu nhại là vừa diễn vừa nghĩ. Lối tiết tấu mà năm bảy phút không cho người xem biết một thông tin gì mới thì những khán giả trẻ chắc chắn sẽ nản. Thứ ba, cha ông để lại cho chúng ta một nền nghệ thuật cũng giống như để lại một mẫu ruộng, con cháu có hiếu là phải từ đó làm thành trăm, thành ngàn mẫu ruộng.
* Người ta nói Doãn Hoàng Giang là người đầu tiên ở Việt Nam đưa “hát nhép” lên chiếu chèo. Ông sẽ “biện hộ” cho mình như thế nào?
- Tôi coi đó là một sự sáng tạo. Anh có biết Lâm Bằng không? Đẹp lắm, diễn rất hay mà không hát được. Không lẽ mình bỏ một cô bé đẹp thế? Tôi bố trí ba em hát thật giỏi đứng sau cánh gà, nhìn miệng Lâm Bằng mà “đớp” theo. Khán giả bàng hoàng, không hiểu Giang nhào nặn thế nào mà Lâm Bằng hát hay thế.
Trong nghề có người biết cô bé không hát được, xộc vào sau sân khấu mới hay Giang giở trò ma. Tôi nói các ông thắc mắc cái gì? Các ông vừa được xem cái đẹp, vừa được nghe giọng hát hay, còn muốn gì nữa. Nghệ thuật là sự hòa quyện của những tinh hoa. Trong điện ảnh, diễn viên lồng tiếng đầy ra đấy, sao không thấy ai phàn nàn. Còn ca sĩ bây giờ, có người làm biếng, chạy show nhiều quá, ra sân khấu là cỡn lên, hát nhép thì mới đáng bị phê phán.
* Cũng vì chèo mà ông từng bị nhiều người xem là kẻ đốt đền?
- Khi mở cửa bán vé, tôi treo một bức trướng mười mấy mét từ trên nóc rạp xuống, đề rằng: “Chèo là một bộ môn nghệ thuật của cha ông, vốn quý của cha ông, nhưng để phục vụ cho đời sống đương đại thì còn có một số nhược điểm. Tôi mong góp một tiếng nói cho chèo hiện đại”. Hai bên cửa rạp, tôi dán những bản photo bài viết phê phán mình, to uỵch. Cách làm này bây giờ được gọi là PR. Trai thanh gái lịch kéo đến rạp ùn ùn như kiến, sướng lắm. Đến nỗi, một số người viết bài phê phán tôi phải đến năn nỉ tôi gỡ xuống.
Người ta nói tôi nhảy lên bàn thờ ông cha vứt cái nọ quăng cái kia là lầm lẫn. Tôi tôn trọng di vật ông cha để lại như bước vào một viện bảo tàng. Những chiếc cọc nhọn khi xưa vua Ngô Quyền sử dụng để đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng là bằng chứng của một thời oanh liệt. Chúng ta cứ trải lụa đỏ, bày nó trong tủ kính cho thật trang trọng nhưng không dùng nó nữa. Thời thế bây giờ đã khác, kẻ thù cũng đã khác.
* Có vẻ như chúng ta sống hơi nhiều bằng hoài niệm?
- Khi tương lai anh mờ mịt, khi hiện tại anh tầm thường thì anh sẽ vuốt ve mình bằng vàng son quá khứ. Nếu bây giờ tôi vẫn cứ “lau chùi” Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi, Nàng Sita… thì có nghĩa là Doãn Hoàng Giang chẳng có cái gì. Thanh niên nhìn về tương lai, người trung niên nhìn hiện tại và người già nhìn về quá khứ.
* Doãn Hoàng Giang không còn trẻ, vậy đang nhìn về đâu?
- Tương lai. Đỉnh cao vẫn chờ tôi ở phía trước. Những gì tôi đã làm chưa là cái gì. Nói có vẻ kiểu cách thì tôi còn muốn phải khác nữa, còn muốn thay đổi nữa, còn muốn làm được nhiều nữa. Đi Tây, người ta hỏi: “Giang, nghệ thuật mày có cái gì?”. Trả lời: “Cha ông tao ghê lắm, có Xúy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa…”. Lại hỏi: “Tao hỏi mày cơ mà?” thì tôi sẽ trả lời họ như thế nào? Ai thích chèo cổ thì cứ làm chèo cổ, nhưng hãy để mặc tôi tìm kiếm một con đường nghệ thuật mới.
Thấy người Nhật đập đi một khu phố cổ, khách du lịch châu Âu đứng khóc hu hu. Người Nhật nói rằng việc gì mà mấy ông khóc, đáng ra chúng tôi mới là người phải rơi lệ. Nhưng chúng tôi chấp nhận đánh đổi cái đó để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các ông muốn xem cổ, chúng tôi để nguyên một khu phố cổ cho xem.
Chúng ta cũng vậy thôi. Hãy cứ giữ lấy Hội An cho khách nước ngoài đến xem nhưng đừng bắt thành phố nào cũng phải như Hội An. Không lẽ cha ông chúng ta ở lều thì chúng ta cũng phải ở lều. Không thể xây dựng một cái mới nếu không đập đi cái cũ. Đôi khi, tôi có cảm giác như chúng ta lầm lẫn hai chữ “cha ông”. Cha ông có người tôi tôn kính, có người tôi học hỏi nhưng cũng có những người như Trần Ích Tắc, Lê Ngọa Triều thì tôi khinh miệt.
* Nghĩa là với ông, 70 chưa phải là già?
- Ngày trước cả gia đình tôi sống chen chúc trong một căn phòng 20m2, bây giờ dọn về nhà mới bốn tầng, rộng thênh mà vẫn thấy chẳng ra cái gì. Nghệ thuật cũng vậy thôi. Làm nghệ thuật mà nghĩ rằng mình đã vươn tới đỉnh cao thì coi như đã bắt đầu xuống dốc. Trái chín là trái sắp rụng, trăng tròn là trăng sắp khuyết.
Trên con đường nghệ thuật, tôi luôn nghĩ mình chỉ là trái ổi ương, là trăng 12, 13… Thực tình, tôi hầu như không có khái niệm về thời gian. Vào việc là quên hết tuổi tác, là thấy mình vẫn sung mãn như thằng Giang hồi 24, 25 tuổi. Nhiều khi vẫn cứ nhố nhăng, gặp em nào đẹp vẫn cứ ôm chầm chập, hôn chùn chụt, các em nhảy, mình cũng nhảy.
* Làm thế nào mà ông giữ cho mình sự trẻ trung đến vậy?
- Tình yêu với cuộc sống, với sân khấu, với sân cỏ. Dù lên sân vận động hay ngồi xem truyền hình trực tiếp, tôi cũng cổ vũ, cũng gào thét chẳng kém gì thanh niên.
* Nhiều người vẫn còn nhớ những bài bình luận bóng đá khá duyên dáng của ông trên báo Lao Động cách nay gần mười năm. Theo ông, “hai sân” này liệu có điểm tương đồng?
- Sân khấu và sân cỏ đều cần khán giả. Tôi đã từng làm bảng tổng kết gồm bảy điểm chính mà sân khấu cần học từ sân cỏ trên cơ sở một câu hỏi: Tại sao sân cỏ hấp dẫn? Tại sao từ người già, thanh niên cho đến trẻ nhỏ, không cứ đàn ông hay đàn bà, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo… đều hỉ nộ ái ố khi dõi theo từng đường banh. Sức hấp dẫn của sân cỏ có những quy luật của nó. Vì vậy, sân khấu muốn hấp dẫn được khán giả thì phải áp dụng các quy luật của sân cỏ. Tính xung đột được đẩy đến cao trào, yếu tố bất ngờ… Rồi sân cỏ cần ngôi sao, sân khấu cũng cần có ngôi sao. Đương nhiên, đó phải là những ngôi sao sáng bằng tài năng chứ không phải nhờ lăng xê. Sân khấu của tôi có 1% khán giả của sân cỏ là đã mãn nguyện rồi.
* Nhiều người tỏ ra lo lắng về tình cảnh “tre đã già mà măng chưa mọc”của sân khấu Việt Nam. Đã có khá nhiều lời ngợi ca dành cho một vài đạo diễn trẻ tại Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc tổ chức tại TP.HCM cuối năm 2007. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi này, ông nghĩ sao?
- Đời sống sân khấu nước mình buồn tẻ, quanh quẩn vẫn vài ba gương mặt cũ. Nhiều khi tôi thèm muốn cảm giác bị người ta vượt qua, thậm chí khiến mình phải dùng tiểu xảo, thò chân ra ngáng một cái cũng thấy sướng. Thế nên, mỗi lần hội diễn là mỗi lần tôi khắc khoải chờ đợi những gương mặt mới.
Cuộc thi vừa rồi có nhiều vở rất hay, qua đó nổi lên một vài gương mặt rất khá. Nhưng liệu họ có trở thành những ngôi sao sáng rực của sân khấu hay không thì còn phải chờ đợi. Thực tế không thiếu những người từng học ở nước ngoài, vận dụng các đòn miếng, về nước dựng một vở có thể khiến mọi người sững sờ nhưng đến vở thứ hai thì “hết võ”.
Trong bảng tổng kết cuộc thi, tôi có viết rằng rất mừng vì sự xuất hiện của các đạo diễn trẻ nhưng cũng rất băn khoăn là sau cuộc thi này, không biết họ có còn tiếp tục được đầu tư mạnh dạn cho các thể nghiệm mới, hay các vở diễn lại vẫn rơi vào tay các đạo diễn lớp trước.
* Nhưng nếu những người như Doãn Hoàng Giang còn tiếp tục làm nghề thì phần bánh dành cho các đạo diễn trẻ sẽ vẫn tiếp tục nhỏ?
- Tử vi nói chừng nào Giang biết nói không thì đời Giang mới sướng. Một anh bạn họa sĩ hí họa tôi với cái bụng bự chà bá, trên bụng đề hai chữ “cả nể”. Có lẽ thời gian tới sẽ phải nói một loạt chữ không.
* Người ta nói ông chạy show rất khỏe, khắp cả ba miền. Hẳn ông giàu lắm?
- Giàu thì không nhưng tôi thuộc loại sướng nhất Việt Nam.
* Chỗ này ông hơi chủ quan thì phải?
- Có những người làm ra tiền mà ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc. Tôi làm việc như một con trâu cày, nên phải được ăn cỏ non, mùa rét phải được đắp bao tải ấm. Cái gì hay, cái gì đẹp tôi chơi. Tôi làm việc cật lực để “trả thù” cho cái thời “ngồi như con chó tiền rưỡi”, cái thời nhìn người ta đi xe đạp mà thèm khát, cái thời gặm bánh mì suốt hai năm trời để vùi đầu vào Thư viện quốc gia…
* Ông là người háo thắng?
- Tôi yêu những câu thơ của Tagore: Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất, cái cây tìm sự cô đơn trên trời/Cây càng vươn lên cao, càng vươn về nỗi cô đơn. Không háo thắng thì mình chỉ là cỏ dại. Không háo thắng không thành phẩm chất nghệ sĩ.
* Kịch đến chèo, rồi tuồng, cải lương cho đến tấu hài, ông chẳng bỏ cái gì. Xem ra ông là người khá đa đoan?
- Tôi làm cái gì cũng mê, cũng đắm đuối, cũng toàn tâm toàn ý. Làm chèo thì chỉ biết chèo, quên béng những môn khác. Nhưng “em” nào ở gần mình cũng cảm thấy hình như anh Giang yêu mình nhất. Tôi đa đoan trong nghề, trong tình cảm cũng đa đoan.
* Đa đoan nên đến bây giờ ông vẫn đi về một bóng?
- Kể từ khi ly hôn năm 1977, tôi quyết định không tục huyền. Thứ nhất là thương con, tôi muốn dành trọn vẹn sự săn sóc cho con trai của mình. Thứ hai, tôi không thích sự chắp nối. Để tự răn mình, tôi làm vở Người con cô đơn. Nội dung nói về một cặp vợ chồng bỏ nhau, mỗi người chạy theo hạnh phúc riêng, bỏ đứa con bơ vơ.
Tôi còn bê nguyên mẫu cái cầu thang ở ngôi nhà cũ khi thiết kế sân khấu. Tôi giữ gìn đến mức không bao giờ để con trai tôi nhìn thấy cha nó chở một người phụ nữ khác hoặc thậm chí là tiễn chân một người phụ nữ khác ra khỏi cửa, kể cả Nguyệt Ánh. Bây giờ con tôi đã có vợ, có con nhưng tôi vẫn nối điện thoại thường xuyên với nó. Tôi vẫn có cảm giác con tôi phải nằm trong tầm kiểm soát ngầm của tôi. Đứa trẻ khi bé chỉ nặng đôi tay, khi lớn nặng về tâm hồn.
* Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận