Nhà thơ Cao Xuân Sơn (đứng) đang nhắc lại thời kỳ đầu của tác phẩm Đất rừng phương Nam tại Kim Đồng. Ảnh: L.Điền |
Giới nghiên cứu và người yêu văn Đoàn Giỏi vừa có cuộc gặp nhau tại tọa đàm văn chương Đoàn Giỏi - đại thụ phương Nam” tại chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM sáng 15-10 nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày sinh của ông.
Đất rừng phương Nam còn nhiều chất liệu cho điện ảnh
Không chủ ý đánh giá hay ghi nhận về văn nghiệp, các ý kiến tại tọa đàm chủ yếu chia sẻ những cảm nhận về giá trị văn chương của Đoàn Giỏi. Từ phía nhà xuất bản Kim Đồng, Đoàn Giỏi và Đất rừng phương Nam là một trong những tác giả làm nên tên tuổi của NXB Kim Đồng.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhắc lại chi tiết từ tháng 2 năm 1957 khi NXB Kim Đồng chưa ra đời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt hàng Đoàn Giỏi “hãy viết một cái gì cho thiếu nhi, về miền Nam”, và Đất rừng phương Nam đã ra đời như thế, với bản in lần đầu chỉ hơn 100 trang, sau mỗi lần tái bản tác giả lại bổ sung, và luôn là đầu sách bán chạy của Kim Đồng sau hơn nửa thế kỷ.
Là thế hệ trưởng thành từ miền Bắc trong thời chiến tranh, cả nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn đều thừa nhận rằng nếu không có những nhà văn như Đoàn Giỏi, Vũ Hùng viết về thiên nhiên cảnh vật, sản vật miền Nam và Tây nguyên, thì tuổi thiếu nhi của chúng tôi không biết gì về những miền đất này.
Tâm sự này được đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ: Tôi đọc Đất rừng phương Nam lúc ở Phan Rang sau 30-4-1975. Và một thời gian sau thì gia đình tôi chuyển vào sống ở Đồng Tháp, rất ấn tượng với cách sống của con người ở đây - khác hẳn so với người Huế của tôi…
Đạo diễn Vinh Sơn cho biết chính ông đã đề xuất dự án làm phim truyền hình Đất phương Nam với Đài Truyền hình TPHCM năm 1997. “Đến giờ, tôi vẫn chưa xài hết những chất liệu về Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, vẫn còn đủ để làm một dự án phim điện ảnh về vùng đất này” - đạo diễn Vinh Sơn tâm sự tại buổi tọa đàm.
Đạo diễn Vinh Sơn tâm sự những điều tâm đắc về Đoàn Giỏi khi ông làm phim Đất phương Nam - Ảnh: L.Điền |
Giá trị cảnh báo về tầm quan trọng của thiên nhiên
Điểm thú vị là cuộc tọa đàm thoạt đầu được tổ chức theo lối “tao ngộ” giữa những người yêu quý tác giả Đoàn Giỏi. Nhưng từ phía người đọc và nghiên cứu, TS Hà Thành Vân và anh sinh viên Lâm Hoàng Phúc đã đem đến tọa đàm những phân tích khảo cứu rất quan trọng.
TS Hà Thanh Vân đã khảo sát 160 người trưởng thành (tuổi từ 22 đến 55) thì tỷ lệ người cho biết có đọc Đất rừng phương Nam và biết đến Đoàn Giỏi chiếm 55%. Theo TS Vân, đây là một con số cao, bởi trong một khảo sát trước đây của cô với cùng đối tượng, khi được hỏi có biết Xuân Diệu, Huy Cận không, thì số người trả lời có biết chỉ chiếm 20%.
Còn Lâm Hoàng Phúc mang đến tọa đàm một tham luận có tính sáng tạo, đó là áp dụng quan điểm Phê bình sinh thái để đọc hai tác phẩm Những chuyện lạ về cá và Rừng đêm xào xạc của Đoàn Giỏi.
Phúc dẫn lại lời trăn trối của nhân vật vợ Tám Mun trong Rừng đêm xào xạc: “Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gắp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mỹ đó”.
“Như chuyện đánh Mỹ” - tức dù cho không có cuộc chiến tranh này đi nữa, thì việc mất rừng cũng sẽ mang đến những hậu quả ghê gớm. Đặt việc trồng rừng, khôi phục tự nhiên ngang với việc chiến tranh gìn giữ đất nước và sinh mệnh con người, thông qua nhân vật của mình, Đoàn Giỏi đã một lần nữa khẳng định vai trò chủ chốt của tự nhiên trong sự tồn sinh của con người” - Lâm Hoàng Phúc nhận xét.
Nhà văn Trần Đức Tiến cũng đồng tình với phân tích này, ông cho rằng Đất rừng phương Nam sống được đến bây giờ còn là vì có giá trị cảnh báo về những yếu tố quan trọng của thiên nhiên của môi trường, mà đến nay càng ngày ta càng thấy tầm quan trọng của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận