Thường xảy ra ùn ứ xe trên quốc lộ 51 do xung đột với xe ra vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.
Song song với phương án này, nhiều người cho rằng cần phải chú ý đến các nút giao với cao tốc bởi nếu không đầu tư đồng bộ, khi cao tốc được mở rộng thì tình trạng kẹt xe sẽ tiếp tục xảy ra tại các điểm này.
Phương án mở rộng đường cao tốc
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng công ty Cửu Long), tuyến cao tốc được chia thành hai đoạn. Cụ thể, đoạn từ vòng xoay An Phú đến đường Vành đai 2 được thiết kế với tốc độ 100km/h và đoạn từ Vành đai 2 đến thị trấn Long Thành có tốc độ thiết kế 120km/h. Riêng đoạn qua cầu Long Thành thiết kế có tốc độ 100km/h.
Về quy mô xây dựng, đoạn từ vòng xoay An Phú đến Vành đai 2 mở rộng sang hai bên, mỗi bên 2 làn xe nhằm đảm bảo quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m. Còn đoạn từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng sang hai bên, mỗi bên 2 làn xe nhằm đảm bảo quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5m.
Phương án mở rộng đường cao tốc tại nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để thuận tiện kết nối với tuyến đường số 2 vào sân bay quốc tế Long Thành sắp được xây dựng. Tổng công ty Cửu Long đề xuất đầu tư mở rộng đường cao tốc bằng nguồn vốn đầu tư công. Theo đó sẽ làm việc với nhà tài trợ (dự kiến là JICA của Nhật Bản) để xem xét tài trợ vốn cho dự án.
Từ đề xuất trên, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
UBND TP.HCM cũng hoàn toàn ủng hộ đối với dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng TP.HCM và đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
TP.HCM cũng đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông An Phú (quận 2). Đây là điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cuối đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ). Hiện nay, mật độ xe lưu thông qua khu vực này rất lớn theo hai hướng về hầm sông Sài Gòn và ra xa lộ Hà Nội.
Đây cũng là điểm giao thoa đi các hướng về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển hàng đầu của cả nước như Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận...
Sơ đồ đoạn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây Nguồn: Tổng công ty Cửu Long - Đồ họa: TUẤN ANH
Nút thắt giao thông An Phú thường xuyên kẹt xe
Hiện nay, nỗi ám ảnh kẹt xe của nhiều người đi trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là nút thắt giao thông An Phú và quốc lộ 51. Tới nay nút giao An Phú vẫn chưa có cầu vượt hoặc hầm chui khiến thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tương tự, tình trạng kẹt xe cũng thường xuyên diễn ra trên quốc lộ 51 hướng từ Vũng Tàu về TP.HCM. Chính vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2) sao cho đồng bộ với quy mô hoàn chỉnh tuyến cao tốc.
Theo quy hoạch, nút giao thông An Phú sẽ được xây hầm chui, cầu trên cao, ban đầu dự kiến triển khai từ nguồn vốn dư của dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thế nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn về thu xếp, bố trí vốn nên UBND TP đã chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng nút giao thông này bằng nguồn vốn ngân sách. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, hiện đang lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú và sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư dự án này.
Để giải quyết nhiều bất cập vẫn đang tồn tại ở tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc này cần nghiên cứu làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, đường Vành đai 2, Vành đai 3 và quốc lộ 51.
Nỗi ám ảnh tại nút giao thông thị trấn Long Thành
Nút giao thông ở đoạn thị trấn Long Thành (tỉnh Đồng Nai) kết nối với quốc lộ 51 cũng trở nên quá tải, kẹt xe thường xuyên. Vì vậy, khi Bộ GTVT có ý kiến về việc mở rộng làn xe nhưng chưa đề cập đến nút giao thông này đã khiến không ít người băn khoăn.
Anh Dũng, tài xế thường qua lại tuyến đường này, nói: "Hiện nay nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành với quốc lộ 51 vẫn thường kẹt xe vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy Bộ GTVT nhắc đến nút giao An Phú ở TP.HCM mà không thấy nhắc chuyện mở rộng nút giao ở quốc lộ 51 vốn thường xuyên kẹt xe". Theo anh Dũng, mấy năm qua các tài xế đi lại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn thường khổ sở với nút giao này.
Ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành - khẳng định đến nay việc kẹt xe ở nút giao quốc lộ 51 với cao tốc TP.HCM - Long Thành vẫn còn xảy ra vào giờ cao điểm. Khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông ở địa phương phải túc trực, điều tiết.
Theo ông Đức, việc mở rộng làn xe trên tuyến cao tốc vừa được Bộ GTVT đưa ra cần làm đồng bộ, kể cả nút giao ở địa bàn Long Thành. "Hiện chúng tôi rất lo vì dự án sân bay Long Thành có hai tuyến đường số 1, số 2 kết nối vào tuyến cao tốc trên và quốc lộ 51. Nếu không làm đồng bộ, kịp thời thì tình trạng quá tải còn tiếp tục xảy ra khi thi công, vận chuyển..." - ông Võ Tấn Đức nói.
H.MI
* TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức):
Cần giải quyết ùn tắc đồng bộ
Hiện tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điều này khiến người dân đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa, liên kết các địa phương vùng Đông Nam Bộ với nhau.
Do đó, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cửu Long nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc này lên 8-10 làn xe là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, việc mở rộng làn xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc này và các khu vực lân cận. Bởi hiện có 3 điểm ùn tắc ở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là đầu cao tốc tại nút giao thông An Phú (Q.2), trạm thu phí Long Phước và đoạn rẽ vào quốc lộ 51. Chính vì vậy, nếu chỉ mở rộng cao tốc mà không có kế hoạch giải quyết đồng bộ ùn tắc ở nút giao An Phú và quốc lộ 51 thì không hiệu quả vì tình trạng kẹt xe vẫn sẽ diễn ra ở hai đầu cao tốc, khiến người dân mệt mỏi.
Cho nên để giải quyết căn cơ ùn tắc tại đây, tôi đề xuất bên cạnh nghiên cứu mở rộng thêm làn đường trên tuyến cao tốc, cần nghiên cứu thêm việc xây dựng nút giao thông nhiều tầng tại An Phú, mở rộng quốc lộ 51... Đối với nút giao thông An Phú, nhất định phải sớm triển khai các hạng mục hầm chui, đường trên cao... kết hợp với nhau mới hạn chế được nạn kẹt xe.
Việc triển khai đồng bộ như vậy sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn. Như vậy, Bộ GTVT có thể khuyến khích các địa phương kết hợp thu hút tư nhân đồng hành để làm theo nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần đơn giản thủ tục đầu tư để khuyến khích đầu tư hơn.
THU DUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận