23/03/2021 16:11 GMT+7

Đoàn bệnh viện dã chiến lên đường gìn giữ hòa bình: 'Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Ngày 24-3, 64 cán bộ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) sẽ lên đường sang Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Đoàn bệnh viện dã chiến lên đường gìn giữ hòa bình: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép - Ảnh 1.

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước ngày lên đường, trung tá Trịnh Mỹ Hòa - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) - đã có những trải lòng với Tuổi Trẻ Online.

Vượt qua giới hạn của chính mình

* Điểm đặc biệt của các cán bộ, chiến sĩ lên đường nhận nhiệm vụ lần này là gì, thưa ông?

- Trong số 64 cán bộ của bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Nam Sudan đợt này có đến 13 nữ. Họ là những cán bộ đặc biệt, mỗi người đều cố gắng "vượt qua giới hạn của chính mình" để cùng nỗ lực huấn luyện đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ Liên Hiệp Quốc (LHQ). 

Một số bạn vướng bận khá nhiều việc gia đình như con cái còn nhỏ; cha mẹ già yếu… nhưng đã cố gắng gác lại mọi việc để được lên đường làm nhiệm vụ.

Đoàn bệnh viện dã chiến lên đường gìn giữ hòa bình: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép - Ảnh 2.

Trong 64 cán bộ chiến sĩ, có 13 cán bộ chiến sĩ là nữ - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Ông có nhắc đến cụm từ "vượt qua giới hạn của chính mình"… Phải chăng các cán bộ chiến sĩ đã nỗ lực hơn những gì mình đang có?

- Đội hình của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) rất trẻ, tuổi trung bình chỉ 34. Tất nhiên trẻ sẽ hạn chế về số năm kinh nghiệm nhưng đổi lại các bạn dễ đáp ứng hơn trong đào tạo, huấn luyện. Bằng chứng là chưa đầy 7 tháng kể từ khi thành lập, bệnh viện đã đạt tới 86% các tiêu chí về trình độ tiếng Anh (IELTS), ở điều dưỡng là 5.0, bác sĩ là 5.5.

Đây được xem là thành tích ngoạn mục khiến nhiều người bất ngờ, bởi trong bối cảnh COVID-19 kéo dài phải cách ly, chuyển qua học online; các chuyên gia nước ngoài không thể đến giảng dạy và bệnh viện không thể đưa người ra ngoài học được.

Do đó, chúng tôi được đào tạo từ chuyên gia trong nước, từ Học viện Quân y, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175. Như vậy, điều khác biệt ở đợt huấn luyện này là "100% nội địa hóa" (cười…).

Đoàn bệnh viện dã chiến lên đường gìn giữ hòa bình: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép - Ảnh 3.

Trong 64 cán bộ này có vợ chồng bác sĩ Tống Vân Anh - bác sĩ Đỗ Thanh Tùng, cùng công tác tại Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mong muốn giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế

* Với tư cách là giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3), trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông có suy nghĩ gì không?

- Thật ra, trước khi nhận nhiệm vụ tôi chỉ là bác sĩ lâm sàng chuyên của khoa nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175). Trước đó, từ năm 2015 tôi từng xung phong ra Trường Sa công tác một năm, và chưa từng kinh qua các vị trí quản lý nào cả. Với tôi đến bây giờ, niềm say mê lớn nhất vẫn là được chăm sóc, trò chuyện với người bệnh.

Khi nhận nhiệm vụ làm giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3), tôi đang học bác sĩ chuyên khoa 2 ở ĐH Y dược TP.HCM. Tôi nhanh chóng quyết định tạm gác việc học để nhận nhiệm vụ, bởi đó là niềm tự hào lớn lao.

Tôi cũng yên tâm, bởi đã có vợ chăm lo chu toàn cho hai cô con gái. Và bây giờ tôi cũng như các đồng nghiệp chỉ cố gắng làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Ông và các đồng nghiệp đã có kế hoạch gì khi đặt chân sang Cộng hòa Nam Sudan?

- Trước mắt, chúng tôi cố gắng tiếp bước phát huy những giá trị của các đồng nghiệp đi trước gầy dựng. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước, với nòng cốt là các biện pháp 5K nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa chăm sóc điều trị bệnh nhân, vừa phòng chống COVID-19 hiệu quả.

Song song đó, chúng tôi có nhiều ý tưởng để tạo ra các điểm nhấn mang đậm dấu ấn quê hương. Đó là cùng với việc chăm sóc điều trị người bệnh, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác quân, dân, y; hỗ trợ các bệnh viện ở địa phương (vốn cơ sở vật chất bằng 0), một số kỹ thuật. Và đặc biệt là các hoạt động quảng bá ẩm thực quê hương.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập vào tháng 3-2020 nhằm thay thế Bệnh viện cấp 2 (số 2), với 64 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn, chủ yếu là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng các đơn vị: Quân khu 2, 7, 9 và Quân đoàn 4.

Tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) đợt này ngoài lực lượng mới còn có 18 cán bộ từng tham gia các bệnh viện dã chiến ở Cộng hòa Nam Sudan trước đó. Đây là lực lượng nòng cốt của bệnh viện về chuyên môn y tế và mặt công tác hậu cần, kỹ thuật…

Sự kiện đánh dấu lần thứ 3 Việt Nam tổ chức bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế (lần đầu tiên vào tháng 10-2018, lần 2 vào tháng 11-2019). Trong suốt 3 năm qua, các bệnh viện đã tham gia điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công, được Liên Hiệp Quốc khen ngợi.

Việt Nam lần thứ 3 cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan Việt Nam lần thứ 3 cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan

TTO - Ngày 23-12, Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) phối hợp Bệnh viện Quân y 175 khai mạc huấn luyện thực hành tổng hợp Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp