Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Trải qua ca phẫu thuật, Thu Cúc và Thúy An bây giờ là hai cô bé bình thường như bao đứa trẻ khác - Ảnh: Ngọc Nga |
Cuộc gặp gỡ may mắn
Với người mẹ này, đó là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời đã qua của Cúc và An. “Đó là một sự may mắn lớn của hai cháu. Sinh ra được ba ngày, cả nhà chỉ nghĩ con mình sẽ chết, chống chọi chẳng được bao lâu nữa thì bất ngờ được gặp bác sĩ Liêm” - chị Bình tâm sự, không giấu được niềm xúc động trong đôi mắt.
Khi sinh ra Cúc - An dính nhau, cả nhà chị Bình lặng lẽ không nói với nhau, ai cũng sợ đụng đến nỗi đau. Không ai nghĩ hai đứa bé có thể qua được kiếp nạn mà sống bình thường. Bà ngoại tới thăm cháu trầm ngâm không nói gì, chỉ xin được đặt tên hai cháu là Thu Cúc - Thúy An với ước nguyện hai cháu gái sẽ vượt qua được thử thách đầu đời để là “đóa cúc bình an”. Khi đó Cúc nhỉnh hơn An một chút nên được làm chị. Bà trở về, ngày nào cũng lên chùa cầu nguyện cho “hai đóa cúc” của mình.
“Chẳng lẽ con mình không được sống?” - nằm trong bệnh viện chị Bình đau đớn nghĩ. Nhưng ba ngày sau khi sinh, trong khi gia đình chị Bình chưa biết phải làm sao để cứu con thì có một bác sĩ đến gặp chị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa. Đó là bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm ở Bệnh viện Nhi T.Ư Hà Nội.
Hôm đó bác sĩ Liêm đi giảng nghiệp vụ cho một lớp học tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, giờ giải lao ông nghe mọi người xôn xao ở bệnh viện có một ca song sinh dính vào nhau rất kỳ lạ. Kết thúc buổi học, ông nhanh chóng tìm đến gặp bố mẹ của cặp song sinh kia. Sau khi xem xét tình trạng của hai cháu, bác sĩ Liêm vỗ vai bố của Cúc - An nói: “Anh chị yên tâm, không sao đâu”. Câu nói ngắn gọn đó khiến vợ chồng chị Bình có chút hi vọng.
Phóng to |
“Con đã tự cầm lấy tay mình”
Cúc và An được các bác sĩ hội chẩn kỹ càng và đưa ra kết luận hai cháu bị dính nhau phần bụng, ngực, ức, chung gan, chung đường tiêu hóa, chung khoang màng tim, chung cơ hoành. Riêng Cúc bị tim bẩm sinh ống động mạch, thông liên nhĩ. Tình hình được đánh giá là cực kỳ phức tạp. Nếu phẫu thuật, hai cháu có thể thiếu da để che phủ khoang bụng. Vì vậy các bác sĩ ở khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Quân y 108 đã được mời tham gia để làm giãn thành bụng cho hai cháu. Trước khi tách, bác sĩ Liêm thông báo với gia đình tỉ lệ thành công ca phẫu thuật là 50-50. Có thể chỉ cứu được bé khỏe mạnh hơn.
Những ngày ở bệnh viện nuôi con chờ đợi đến ngày phẫu thuật, tâm trạng của chị Bình trở nên xáo động. Ngày nào chị cũng nhìn hai đứa con cứ nằm nghiêng một bên, tay phải của Cúc chơi với tay trái của An mà ứa nước mắt. Người mẹ trẻ ấy vừa mong đến ngày phẫu thuật để cứu con khỏi tình trạng đau đớn, vừa sợ ngày đó đến vì có thể phải chia tay cả hai vĩnh viễn. Cũng có thể mất một đứa con. Khúc ruột nào mất đi, mẹ cũng vô cùng đau đớn. “Đến gần ngày phẫu thuật tôi không ngủ được. Nhắm mắt lại là mơ thấy con mình bị bẹp mất cánh tay bên kia” - chị Bình nhớ lại.
Rồi ngày đó cũng đến, ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính nhau Lê Thu Cúc - Lê Thúy An nhận được sự quan tâm của dư luận lúc đó. “Đó là một áp lực rất lớn đối với chúng tôi” - bác sĩ Liêm chia sẻ. 6g30 ngày 16-10-2003, ca mổ bắt đầu, bác sĩ Liêm rạch nhát dao đầu tiên bắt đầu ca phẫu thuật đầy cam go. Ca mổ kéo dài đến buổi tối mới xong với sự tham gia của hơn 30 bác sĩ.
“Từ hồi lớn lên tui chưa phải trải qua khoảng thời gian nào mà tim đập chân run đến thế” - chị Bình nhớ lại ngày phẫu thuật ấy. Rồi những giây phút căng thẳng cũng qua đi, chị Bình được vào thăm con gái. Hình ảnh hai đứa con nằm trên hai chiếc nôi, hai bàn tay của chúng có thể tự cầm lấy tay kia của mình, chúng có thể nằm ngửa, tự tay ôm lấy bình sữa để uống, điều mà trước đây chị không dám mơ tới. Chị lao ra hành lang nói với chồng đang đợi bên ngoài trong tiếng nấc xúc động. Vợ chồng ôm nhau khóc vì sung sướng.
Ân tình chưa trả
Cúc và An sau đó phải trải qua thời kỳ chăm sóc sức khỏe đặc biệt với hàng loạt xét nghiệm. Riêng An phải trải qua bốn ca phẫu thuật để căng da bụng và chữa tắc ruột. Suốt những năm sau đó, vợ chồng chị Bình - anh Luân phải trải qua những ngày vất vả ở các bệnh viện vì hai con gái luôn đau ốm. Đồng lương công nhân hai vợ chồng không đủ tiền thuốc thang cho con, anh Luân phải tranh thủ thời gian ngoài giờ làm thêm. Nhưng có một điều an ủi anh chị là bà con lối xóm, bạn bè đồng nghiệp góp sức rất nhiều để anh chị vượt qua giai đoạn khó khăn. Những đồng tiền lẻ do anh chị em công nhân viên trong nhà máy quyên góp, những quả trứng gà của bà cụ hàng xóm gom góp mang cho, những hộp sữa bà con nội ngoại chắt chiu mang tặng đã góp phần giúp Cúc - An chiến thắng được bệnh tật.
Khi Cúc - An tròn 2 tuổi, một buổi sáng có đôi vợ chồng người khách nước ngoài tìm đến nhà hỏi thăm và tặng quà. Hỏi ra mới biết cặp vợ chồng ấy là người Hàn Quốc, ông bà cũng từng sinh đôi dính nhau nhưng không may mắn là hai bé đã qua đời không lâu sau đó. Khi đến Việt Nam, đọc được thông tin về ca phẫu thuật Cúc - An trong một cuốn tạp chí cũ, ông bà đã lặn lội tìm đến thăm hai bé. Món quà nhỏ chỉ vài bộ quần áo nhưng thật sự làm cả nhà chị Bình ấm lòng và cảm động. Lúc chia tay, người phụ nữ ấy nắm lấy bàn tay chị Bình tâm sự: “Tôi ước hai đứa con mình còn sống để được vất vả, lo lắng, hạnh phúc và cả khổ đau như chị”.
Bây giờ Thu Cúc và Thúy An là học sinh lớp 5B Trường tiểu học thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa). Cả hai cô bé đều là học sinh giỏi. Riêng Thu Cúc hát rất hay. Mỗi em một tính cách, Cúc sôi nổi, An trầm lặng. Cúc cá tính, An dịu dàng. Nhưng Cúc và An rất ít khi đi cùng nhau mà không cầm lấy tay nhau.
______________
Kỳ tới: Ước vọng Bảo - Toàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận