13/09/2008 06:47 GMT+7

Đổ xô làm phim truyền hình

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Thật ra chuyện đạo diễn điện ảnh nhảy qua truyền hình không mới. Thông thường họ làm phim truyền hình những lúc rảnh rỗi như một nghề tay trái. Nhưng nay gió đã đổi chiều. Phim truyền hình trở thành công việc chính, giúp họ có nguồn thu nhập cao.

41eMAElS.jpgPhóng to

Bộ phim đầu tiên hợp tác với hãng phim tư nhân của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có nội dung trẻ trung, xoay quanh cuộc đời của nhóm bạn thân từ thời học sinh là Linh, Hoài, Phúc, Duy, Việt - Ảnh tư liệu

Không khí sôi động sản xuất phim truyền hình không chỉ nhìn thấy ở các hãng phim tư nhân mà lan đến các đạo diễn, hãng phim nhà nước vốn sở trường sản xuất phim truyện nhựa...

Ngày 12-9, bộ phim dài 30 tập Tuổi yêu do đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thực hiện chính thức lên sóng truyền hình HTV7 lúc 21g. Đây là phim truyền hình đầu tiên của đạo diễn vốn nổi tiếng với những bộ phim nhựa như Cây bạch đàn vô danh, Ðời cát, Trái tim bé bỏng... hợp tác với Công ty tư nhân Sao Thế Giới.

Rầm rộ ra quân

Bộ phim Nhà có nhiều cửa sổ (đang phát sóng lúc 20g trên VTV1 thứ năm, thứ sáu hằng tuần; Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC thực hiện) có sự đóng góp của đạo diễn Phi Tiến Sơn - người từng thực hiện các bộ phim nhựa như Vào Nam ra Bắc, Lưới trời... Nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang từng được biết đến qua bộ phim cảm động về nghề giáo Thung lũng hoang vắng, vừa giành được giải Cánh diều vàng năm 2007 ở thể loại phim truyền hình cho bộ phim 25 tập Hậu họa. Hiện chị đang thực hiện phim dài 16 tập Lập trình trái tim cho Hãng phim FPT. Ðạo diễn Hồ Ngọc Xum tạm ngưng không "ăn lương" ở Hãng phim Giải Phóng để thực hiện phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa cho Hãng phim truyện VN.

Trước đây, các đạo diễn làm phim truyền hình thường chỉ làm theo tư cách cá nhân, nói nôm na là hãng phim truyện nhà nước cho "mượn" người. Nhưng nay trước sự phát triển ồ ạt của phim truyền hình, đặc biệt là khu vực TP.HCM, các hãng phim nhà nước không thể đứng ngoài cuộc.

Dù đã có mặt tại TP.HCM từ nhiều năm qua nhưng mãi đến khi bộ phim Kiều nữ và đại gia (30 tập) xuất hiện, tên tuổi chi nhánh Hãng phim truyện VN tại TP.HCM mới được biết đến. Tên hãng càng trở nên quen thuộc qua một loạt phim như Trò chơi sinh tử (20 tập), Luật giang hồ (50 tập) và sắp tới là Những mảnh vỡ phù hoa (35 tập), Khuyến mãi mùa cưới (35 tập), Cuộc chiến hoa hồng (45 tập)… Hãng phim Giải Phóng mới đây cũng hợp tác với Sóng Vàng thực hiện phim Mùa chim én xôn xao (30 tập).

Tháng tám vừa qua, chi nhánh Hãng phim truyện 1 tại TP.HCM lần đầu tiên bắt tay với Hãng phim tư nhân M&T Pictures sản xuất phim truyện truyền hình dài 30 tập Tham vọng, chấm dứt hơn 10 năm chỉ sản xuất phim ca nhạc, cải lương và hỗ trợ hãng phim khi có yêu cầu bối cảnh tại TP.HCM. Mở rộng hơn, ông Ðặng Tất Bình - giám đốc hãng phim - cho biết: "Hiện có đến bốn đoàn phim của chúng tôi đang ở hiện trường để triển khai sản xuất hơn 70 tập phim truyền hình.

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch sản xuất để phù hợp với tình hình, đặc biệt là phù hợp cơ chế mới, sau khi đã hoàn thành việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Chúng tôi sẽ làm theo mọi dạng từ hợp tác với các công ty bạn, liên kết với các nhà đài, làm theo đặt hàng của các đối tác, tự bỏ vốn rồi gọi quảng cáo…".

Nuôi nghề nuôi một ước mơ

Tự bỏ tiền sản xuất, đem chào hàng ở một số đài truyền hình, nhưng số phận của bộ phim Bến đò xưa lặng lẽ (20 tập) do chi nhánh Hãng phim truyện VN tại TP.HCM thực hiện vẫn chưa biết đi đâu về đâu… Vì thế, dù vạch ra nhiều hướng đi nhưng hiện nay các hãng phim nhà nước vẫn chủ yếu làm gia công cho các hãng phim tư nhân. Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc chi nhánh Hãng phim truyện VN tại TP.HCM - thẳng thắn: "Hầu hết giờ phim truyện trên truyền hình đều có một số đại gia lấn sân. Dù biết rằng khó khăn còn nhiều, nhưng chúng tôi là đơn vị sinh ra để làm phim thì phải làm phim thôi".

Trong giai đoạn phim nhựa ít, trở thành của hiếm thì đạo diễn chuyển sang làm phim truyền hình là đương nhiên. Ðạo diễn phim truyền hình cũng đang có giá, dễ kiếm tiền… Thế nhưng ưu tư cũng không ít. Ðạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: "Ðó là "giá" vật chất. Còn "giá" tinh thần lại đang đi xuống. Nếu theo dõi đều sẽ thấy các phim truyền hình hiện tại đều sàn sàn, na ná nhau. Ít phim gây ấn tượng để khán giả nhớ. Vì thế, khán giả cũng khó mà nhớ đến đạo diễn".

Ðạo diễn Nguyễn Thanh Vân thổ lộ: "Những người từng sống trong phim nhựa đều mong muốn được làm phim nhựa. Một điều tréo ngoe là tại VN làm phim nhựa không đủ nuôi sống bản thân, bất kể bộ phim đó thành công hay không. Ở nước ngoài người ta có thể bỏ toàn bộ tài sản để làm phim, tìm đến ước mơ thành công trong phim ảnh. Còn ở VN điều này là phù du. Dù người đạo diễn có năng lực thì cũng khó thành công trong nghề nghiệp. Vô hình trung làm phim truyền hình nuôi sống được bản thân, duy trì công việc, cuộc sống…

Nhưng tôi vẫn hi vọng đây chỉ là một giai đoạn, sau này sẽ thay đổi. Sự nổi tiếng của đạo diễn được đánh giá bởi năng lực, giá trị công việc chứ không phải là sự phổ biến của phương tiện truyền thông là truyền hình".

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp