Phóng to |
Từ 23.520 đồng (ảnh trái) “hô biến” thành 30.000 đồng (ảnh phải) chỉ bằng cách bấm thủ công (ảnh chụp từ clip quay tại cửa hàng xăng dầu số 23 đối diện chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM ngày 19-10-2010) |
Không biết đồng hồ tính từ số nào
Bản thân tôi cũng đã có kinh nghiệm nhiều về những gian lận này nên khi đổ xăng, tôi luôn hướng mắt về đồng hồ điện tử tính tiền của trụ bơm. Thông thường người ta có thói quen mở cốp xe rồi rút tiền ra chứ ít ai để ý đến đồng hồ tính tiền. Lợi dụng điểm này, các nhân viên cây xăng sẽ không trả về số 0 mà sẽ bơm nối. Đã có lần tôi chứng kiến một cô gái yêu cầu đổ 20.000 đồng, nhân viên nhanh tay đưa vòi vào bình xăng (khi đó đồng hồ tính tiền hiện số 45.000 đồng) và bơm khi cô gái đang loay hoay lấy bóp tiền. Đến khi đồng hồ báo số 60.000 đồng, nhân viên ngừng bơm và đợi lấy tiền, còn cô gái ngạc nhiên vì không hề biết đồng hồ tính từ số nào, có bơm đủ hay chưa...
Video clip: "Lừa đảo trắng trợn ở cây xăng" - Nguồn: TVO |
Vì sao ngắt rồi bơm rồi ngắt?
Khi khách hàng đổ xăng với số tiền 30.000 đồng, màn hình mới hiển thị 25.000 thì nhân viên cây xăng đã bí mật ngắt vòi bơm và nhẹ nhàng dốc vòi cho xăng chảy ngược vào trong máy. Sau đó, nhân viên bán xăng tiếp tục bấm vòi để tống hơi vào bình xăng của khách vì biết rõ đồng hồ vẫn tính tiền như bình thường. Như vậy, không có thêm giọt xăng nào chảy vào trong bình mà số tiền trên bảng đồng hồ vẫn hiển thị là 30.000 đồng. Cách “ăn bớt” xăng này tương đối phổ biến và được nhiều nhân viên cây xăng lợi dụng. Cách này 99% những cây xăng ở TP.HCM đang áp dụng. Mong báo chí phản ánh sâu sát tình trạng này cho mọi người dân biết.
Ống bơm xăng lẫn lộn
Tôi biết có cây xăng người ta để rất nhiều ống của các trụ bơm lẫn vào nhau, các cần bơm xăng thì để không đúng với trụ xăng. Mục đích khi người ta bơm xăng sẽ làm cho bạn rối không biết là bơm của trụ nào. Trụ nào cũng có số, vì vậy bạn sẽ không biết được đã bơm đủ hay chưa. Người bán xăng thường giả vờ nhìn vào một trụ bơm nào đó không phải trụ đang bơm để đánh lừa bạn. Giả vờ nhấp nhấp cái cần rồi thả ra giống như là tự động nhảy. Bơm 50.000 đồng mà chỉ 40.000 là nhảy rồi. Các bạn nên cảnh giác với cây xăng này.
Để người dân tự đổ xăng
Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi cách bán xăng của các nước. Đó là để người dân tự đổ xăng vào xe của mình sau khi thanh toán tiền tại quầy thu ngân, hoặc thanh toán bằng thẻ... Như vậy cách thức gian lận thủ công sẽ không còn, mà chủ cây xăng lại còn gia tăng lợi nhuận do giảm được chi phí nhân công.
Thanh toán bằng cách quét thẻ
Tại sao chúng ta không thanh toán tiền đổ xăng bằng cách quét thẻ. Khi thanh toán bằng thẻ sẽ lưu lại thời gian đổ xăng và tên khách hàng để khi có vấn đề có thể phản ảnh và cơ quan chức năng có thể kiểm tra dễ dàng tổng số lít xăng mà nơi đó nhập vào, tổng số tiền bị trừ đi trong thẻ của khách hàng qua hệ thống quản lý.
Thủ thuật đi mua xăng Thật bức xúc, mỗi lần đi đổ xăng giống như đi canh ăn trộm, mắt trước mắt sau. Sau vài lần bị “trấn lột‘’ tiền xăng, tôi đã có kinh nghiệm, mọi người đừng gấp rút, cho xe vào sát trụ bơm, gần người bơm, trong khi đó mắt liếc nhìn đồng hồ hai bên và nhớ hai số đầu của đồng hồ, phòng khi “địch” đứng bên này nhưng bơm bên kia. Nếu không biết người bơm sẽ bơm trụ nào mình có quyền hỏi và yêu cầu trả về 0, đó là quyền lợi của mình. Sau khi quan sát xong thì mở cốp xe, miệng nói mua xăng, mắt dán vào người bơm xem họ có bấm đúng số tiền không, sau đó mở nắp bình xăng, từ đây là phải dán con mắt vào đồng hồ và không cần thiết phải “giao lưu” với người bán. Nhiều cô chú bán xăng tỏ ra vui vẻ tám chuyện nhưng thực chất là đánh lạc hướng người mua. Bơm xong thì trả tiền, đừng vừa bơm vừa móc ví trả mà bị họ “bùa”. Các chị em đi xe tay ga cũng nên chú ý, mở cốp xe phải canh cái giỏ của mình, nhiều tên cướp nhào vô tận cây xăng giật giỏ trong sự ngỡ ngàng, bất lực của nhiều người. Cứ từ từ và tỉnh táo quan sát, đừng gấp rút mà tạo điều kiện cho bọn họ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận