IDMAR là kính viễn vọng dưới nước lớn nhất châu Âu, nằm ở độ sâu 3.500m ngoài khơi biển Portopalo di Capo Passero, phía nam đảo Sicily (Ý).
Kính viễn vọng IDMAR là một hệ thống gồm 28 thanh kim loại thẳng đứng, mỗi thanh gắn 18 quả cầu được trang bị hàng nghìn cảm biến.
IDMAR cho phép các nhà khoa học quan sát và lắng nghe hầu hết mọi thứ xảy ra ở Địa Trung Hải, chuyển tiếp thông tin cho họ trong thời gian thực.
Bà Giuseppina Larosa, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết họ sử dụng IDMAR để theo dõi chính xác vị trí của những sinh vật biển.
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng không còn cá voi ở Địa Trung Hải nữa, chỉ còn cá nhà táng”, bà nhớ lại.
“Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng vẫn ở đây nhưng bơi sâu hơn. Nhờ âm thanh, chúng tôi biết chúng đang ở đâu và di chuyển như thế nào”, vị chuyên gia tiếp lời.
Bên cạnh việc nghiên cứu về đại dương, các nhà khoa học còn sử dụng IDMAR cho một mục đích khác: dò tìm hạt ma của thế giới vật chất.
Neutrino (hạt ma) là một loại hạt nhỏ hơn nhiều lần so với nguyên tử (hạt hạ nguyên tử). Chúng không mang điện tích và có khối lượng cực nhỏ, gần như bằng 0.
Sở dĩ neutrino được gọi là hạt ma vì chúng rất khó để quan sát, dù mỗi giây có hàng trăm nghìn tỉ neutrino đi xuyên qua cơ thể con người một cách vô hại.
Ông Simone Biagi, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết neutrino có khả năng giúp con người giải mã bí ẩn về cội nguồn của thế giới vật chất.
“Neutrino chắc chắn sẽ cung cấp câu trả lời quan trọng giúp (chúng ta) tìm hiểu về nguồn gốc của tia vũ trụ.
“Tia vũ trụ được tạo ra từ các hạt bắn phá chúng ta, bắn phá Trái đất. Thế nhưng chúng ta không biết chúng đến từ đâu. Nếu có thể đo được neutrino, khẳng định neutrino đến từ vũ trụ, nó sẽ giải mã nguồn gốc của chúng ta”, ông Biagi nói.
Cho đến nay neutrino vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại, chúng thách thức mọi quy tắc vật lý đã được thiết lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận