Đây là những kỳ vọng thành phố đã ấp ủ và đang thực hiện thông qua nhiều dạng thức. Liệu đô thị xanh hay đô thị sáng tạo UNESCO có là kỳ vọng quá lớn cho Đà Lạt?
Mới đây, nhiều chuyên gia góp ý quanh câu chuyện này. Theo đó, các chuyên gia nhìn nhận Đà Lạt có nền tảng để theo đuổi mục tiêu tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc nhưng cần xây dựng các yếu tố nền tảng song song với việc lập hồ sơ đúng quy chuẩn UNESCO.
"Vùng đất kích thích rung động"
Ông Đặng Quang Tú (chủ tịch UBND TP Đà Lạt) nhìn nhận: "Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Đà Lạt luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc.
Đà Lạt cùng lúc lưu giữ, sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận: di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" (năm 2009), di sản phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" (năm 2005) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (năm 2015).
Hiện Đà Lạt là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ tài năng đến với Đà Lạt để sáng tác, sáng tạo văn hóa - nghệ thuật. Do đó, dù kỳ vọng có lớn nhưng xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và xu thế, và đây là mục tiêu quan trọng của bộ máy lãnh đạo trong giai đoạn tới".
Từ TP.HCM, ca sĩ Hoàng Lê Vi cùng chồng là nhạc sĩ Trương Lê Sơn chuyển đến Đà Lạt định cư. Ca sĩ Hoàng Lê Vi nói ban đầu dự định đến Đà Lạt mỗi tháng một lần, nhưng mỗi lần đến đây, cả hai vợ chồng có cảm giác được nạp thêm năng lượng.
"Có thể nói đây là vùng đất có tần số rung động kích thích sự sáng tạo nghệ thuật. Từ xa xưa đến giờ, nơi đây đã nâng dậy tinh thần và nuôi dưỡng cảm xúc cho rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam ta, rất nhiều nghệ sĩ sáng tác đã chọn nơi đây để nghỉ ngơi và sáng tạo, nhiều tác phẩm nổi tiếng cũng đã được viết ra từ đây", ca sĩ Hoàng Lê Vi nói.
Theo nhạc sĩ Cao Nguyên (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng), 300 bài hát nổi tiếng được viết ở Đà Lạt cùng rất nhiều ca nhạc sĩ đạt tầm quốc gia, quốc tế cho thấy Đà Lạt không quá khó khăn với mục tiêu gia nhập Mạng lưới đô thị sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc.
Âm nhạc tạo dịch chuyển
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia - cho biết khi Đà Lạt phát triển thành đô thị sáng tạo trong âm nhạc không có nghĩa các lĩnh vực khác không được quan tâm.
Tuy nhiên, âm nhạc sẽ trở thành yếu tố trung tâm tạo nên sự dịch chuyển trong các ngành khác, từ đó tạo nên sự phát triển văn hóa bền vững.
Tiến sĩ Mai Minh Nhật - hiệu phó Trường đại học Đà Lạt - chỉ ra một "khiếm khuyết" cần sửa chữa để Đà Lạt có "nội lực" sáng tạo âm nhạc: "Các cơ sở giáo dục đào tạo ở Đà Lạt hiện nay chưa có nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực âm nhạc".
Ông Nhật nói thêm: "Tuy nhiên tại đây thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật nói chung, hoạt động âm nhạc nói riêng, tạo nên những không gian trình diễn và thưởng thức âm nhạc thu hút đông đảo giới trẻ tham gia, góp phần định hình thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên và làm sôi động thêm đời sống âm nhạc của thành phố".
Ông Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi) đang xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt. Ở góc độ là người có trải nghiệm gần 10 năm trong hoạt động nghệ thuật quốc tế có tính hàn lâm, ông Hiền cho rằng Đà Lạt cần một cơ chế nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là "lõi mềm" bên cạnh "lõi cứng" cơ sở hạ tầng đang được phát triển.
Điều này ngoài việc đảm bảo an cư lạc nghiệp cho đa dạng nhóm cộng đồng, còn giúp ổn định các yếu tố văn hóa độc đáo đang có nguy cơ suy yếu trước khi có những tính toán chắc chắn để phát triển.
Ngoài ra, "lõi mềm" còn giúp thu hút thêm các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học và các bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đến Đà Lạt. Một hợp lưu văn hóa được hình thành ngay trong lòng đô thị Đà Lạt, tạo cho Đà Lạt nội lực sáng tạo.
61 thành phố sáng tạo âm nhạc
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN) là sáng kiến được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững.
Tập trung vào bảy lĩnh vực chính bao gồm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học; nghệ thuật truyền thông đa phương tiện; và âm nhạc, các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Tính đến năm 2023, 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc.
Các sáng kiến của Đà Lạt khi tham gia UCCN
* Sáng kiến địa phương
1. Lễ hội âm nhạc Đà Lạt | Dalat Music Festival
2. Dự án Di sản âm nhạc của tương lai | Musical Heritage of the Future
3. Xây dựng bản đồ nghệ thuật âm nhạc Đà Lạt
4. Xây dựng và củng cố các không gian văn hóa và sáng tạo tại Đà Lạt
* Sáng kiến quốc tế
1. Hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á | Southeast Asian Gong Harmonics
2. Xưởng thanh âm Đà Lạt
3. Tuần lễ âm nhạc quốc tế LangBiang
4. Dự án Du ca với đại ngàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận