29/09/2020 10:02 GMT+7

Đô thị hiện đại: Nhà phải ở gần chỗ làm

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Việc đảm bảo chỗ ở gần với chỗ làm là nhu cầu hiện đại của một đô thị nhằm giảm lưu lượng lưu thông, giảm kẹt xe. Đó là mục tiêu mà các đô thị thế giới rất quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu muốn hướng tới điều này.

Đô thị hiện đại: Nhà phải ở gần chỗ làm - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình (ĐHQG TP.HCM) tranh thủ ăn sáng khi chờ xe đưa đến trường từ điểm đón số 3 Công Trường Dân Chủ. Nhà ông Tình ở quận 7, mỗi ngày mất khoảng 3 giờ cho việc đi về - Ảnh: NHƯ HÙNG

KTS Võ Kim Cương, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, khẳng định với Tuổi Trẻ như vậy và cho biết: Tuy nhiên, nhiều đô thị không thể làm được ngay vì một số lý do.

Tổ chức chỗ ở gần chỗ làm: không dễ

Thực tế, phát triển đô thị đang định hướng theo thị trường, bám theo nhu cầu, phục vụ người dân. Nhu cầu của người dân đa dạng, không dễ tổ chức chỗ ở gần chỗ làm. Một cá nhân độc thân thì dễ, nhưng cá nhân đó còn có gia đình. 

Ví dụ: gia đình có hai vợ chồng đi làm, người vợ làm việc tại Khu công nghệ cao, người chồng là bác sĩ ở bệnh viện một quận khác, họ không thể chọn chỗ ở gần Khu công nghệ cao được. 

Ngoài ra, còn sở thích của người dân: người thì thích ở nhà ống, người khác thích ở chung cư, hoặc nhà vườn; người muốn đi xe công cộng, người khác muốn đi ôtô. Quy hoạch hướng tới sự thỏa mãn nhu cầu của người dân đi làm gần là mục tiêu quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Vì vậy, tình trạng đô thị nơi có việc làm thiếu nhà ở, nơi có nhà ở thiếu việc làm và hạ tầng như hiện nay phần nào có tính khách quan.

Tuy nhiên, lỗi chính vẫn nằm ở quy hoạch và cách thực hiện quy hoạch. Hiện nay, Nhà nước vẫn quy hoạch theo phương pháp cũ, tính toán theo ý chí, kế hoạch của Nhà nước áp xuống, phân bổ ra cho các quận, huyện mà chưa tính kỹ nguồn lực và xu thế phát triển. 

Sở Quy hoạch - kiến trúc, đơn vị tham mưu về quy hoạch và thực hiện quy hoạch của TP.HCM, đã nhận ra điều này và đang nghiên cứu điều chỉnh. Theo đó, việc bố trí khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm thể thao... phải nghĩ đến mục đích phục vụ cho những người làm việc ở đây, trong đó có nhà ở và các hạ tầng thương mại, dịch vụ, xã hội thỏa mãn nhu cầu của người dân.

Hạ tầng đi trước, việc chào mời đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Nhà nước thu địa tô từ đất lớn hơn, không để toàn bộ địa tô chênh lệch do Nhà nước phát triển hạ tầng rơi vào tay nhà đầu tư như hiện tại. Nhà nước có thể làm thí điểm ở một khu vực để tìm cách làm tốt nhất. Đó là cách mà nhiều nước trên thế giới đã làm để đầu tư hạ tầng cho một khu vực mới nào đó.

KTS Võ Kim Cương (nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM)

* Trong các đồ án quy hoạch đều có tất cả tiêu chí này, nhưng thực tế không đạt được. Như vậy có phải khâu thực hiện quy hoạch có vấn đề không, thưa ông?

- Đúng là việc quản lý thực hiện quy hoạch hiện vẫn chưa khắc phục được. Bộ Xây dựng đã có chủ trương làm chương trình phát triển đô thị. Mỗi chương trình phải có vòng đời, thời gian thực hiện, nguồn lực thực hiện, thời điểm hoàn thành... 

Lâu nay, kế hoạch thực hiện quy hoạch chỉ có ở một vài dự án lớn, còn lại hầu như không có. Nếu Nhà nước có ý thức mạnh mẽ về việc phát triển đô thị một cách đồng bộ thì hạ tầng của TP đã khác chứ không như ngày hôm nay. Mình phải gây áp lực mạnh mẽ để hoàn thành việc này và có thể bảo đảm tiến độ.

Lâu nay, TP.HCM phát triển dàn trải, rải nguồn lực ra quá rộng, khu vực nào cũng có dự án mà không hình thành những khu ở hoàn hảo. Một khi nguồn lực quá ít, ta phải phân vùng quy hoạch và phân vùng quản lý. Ví dụ, khu vực quận 1, đô thị đã ổn định, đã có quy chế quản lý kiến trúc, không cần tập trung nhiều nhân lực để quản lý đô thị. Những khu vực cần tập trung là các địa bàn đang đô thị hóa mạnh, số lượng dân tập trung đông, trong khi quy hoạch và những thiết chế quản lý đô thị chưa đầy đủ như Bình Chánh, Hóc Môn...

Phân vùng quản lý không chỉ là quy hoạch, quy chế mà cả quản lý đầu tư, quản lý phát triển hạ tầng. Mỗi khu vực có những yêu cầu riêng để đảm bảo việc thực hiện theo kế hoạch và đồng bộ. Quản lý đô thị của mình chưa làm được cái này, quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn theo ranh giới hành chính, thực hiện theo kiểu bình quân chủ nghĩa, Nhà nước không chủ động nên đô thị sẽ phát triển tự phát theo thị trường.

Câu chuyện ở đô thị phía Đông hiện nay, Nhà nước không lo được chỗ ở thì người dân tự làm. Người dân tự làm sẽ phá vỡ quy hoạch và cuối cùng Nhà nước không thực hiện được quy hoạch như ban đầu đề ra.

Đô thị hiện đại: Nhà phải ở gần chỗ làm - Ảnh 3.

Đôi vợ chồng trẻ Đào Văn Hân (giảng viên khoa chính trị hành chính ĐHQG TP.HCM), Đặng Thị Tuyết An (phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM) chăm sóc hai con sinh đôi ở căn hộ 35m2 tại nhà công vụ ĐHQG TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hạ tầng đi trước, đầu tư sẽ thuận lợi

* Vậy cách khắc phục những khiếm khuyết của đô thị hiện nay như thế nào?

- Một trong những giải pháp đầu tiên là quy hoạch, phân vùng. Chỗ nào đô thị ổn định, khoanh nó lại để phát triển theo quy chế, chỗ nào cần phát triển thì có chính sách khuyến khích để phát triển nhanh, khu vực nào chưa phát triển, có thể cấm để giữ đất theo quy hoạch...

Trước mắt, Nhà nước cần làm sớm chương trình phát triển đô thị theo hướng tạo điều kiện cho dân và doanh nghiệp làm. Nhà nước phải chăm lo việc phát triển hạ tầng, trực tiếp đầu tư, có thể sử dụng phương án hợp tác công tư. 

Bên cạnh đó, cần có nhiều giải pháp về nguồn lực. Trước hết, Nhà nước nghiên cứu cách phân bổ chi phí hạ tầng trên một mét vuông đất, hợp tác với các chủ đất để lấy chi phí phát triển hạ tầng. Phải xác định rằng nếu đất không có hạ tầng thì không phát triển thành đô thị được. 

Người dân cùng Nhà nước làm hạ tầng có nhiều cách như đóng phí hạ tầng, góp một phần đất để Nhà nước bán lấy tiền làm hạ tầng, hoặc góp đất cùng Nhà nước làm dự án, sau đó kinh doanh rồi nhận cổ phần... Bên cạnh đó, Nhà nước cần tận dụng nhiều nguồn lực khác như hợp tác công tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... để xây dựng hạ tầng.

Đầu tư giao thông cho vùng ngoại vi

- Ở Thủ Đức và quận 9 hiện tại có nhiều dự án nhà ở, nhưng quy mô nhỏ và chủ yếu là đầu cơ nhà, đất chứ ít khu hình thành đô thị bài bản. Một điều đáng nói là chính quyền cho phép quá nhiều khu phân lô bán nền đã phá nát quy hoạch của hai quận này trước mắt. Hậu quả lâu dài là thiếu đất làm hạ tầng phục vụ người dân. Trước mắt, phải rà soát và nhanh chóng chấm dứt chuyện này. Về lâu dài, khu vực này cần có những dự án lớn, bài bản, có đất dành cho hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội.

Quận Thủ Đức có một khu trung tâm phát triển lâu đời và tương đối ổn định, những khu dân cư mới cần phải đưa ra vùng ngoại vi. Để được vậy, Nhà nước phải đầu tư thêm giao thông vùng ngoại vi để tạo điều kiện cho các dự án lớn ở khu ngoại vi này phát triển. Nhà nước cần tạo điều kiện về hạ tầng và các chính sách khuyến khích như thuế và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư để đầu tư vào nhu cầu của dân theo mong muốn của Nhà nước.

Phải có điều tra, nghiên cứu kỹ số lượng công ăn việc làm, tính chất công ăn việc làm, lao động, gia đình, nhu cầu công ăn việc làm, học hành của con cái họ ra sao. Như vậy sẽ quyết định đầu tư như thế nào để đáp ứng cho người dân.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Sẽ không còn lo chuyện đi lại? Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Sẽ không còn lo chuyện đi lại?

TTO - Hàng chục năm qua, nhiều giảng viên, chuyên gia ở các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM là "hành khách" thường xuyên của những chuyến xe do trường vận hành, kết nối cơ sở ở trung tâm với Thủ Đức (khoảng 20 km).

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp