Nhiều diện tích khu đại học Phố Hiến bỏ hoang, trở thành bãi chăn bò. Trong ảnh là khu vực trước cổng phụ Trường đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ý tưởng quy hoạch các đô thị đại học đồng bộ, hiện đại, đủ tiện ích để nâng chất lượng đào tạo đại học là cần thiết. Việc dời hàng trăm cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội, TP.HCM làm giảm áp lực đô thị cũng rất cần.
Nhưng mới đây, tỉnh Hưng Yên lại trình Thủ tướng cho dừng triển khai khu đô thị đại học Phố Hiến sau 13 năm xây dựng khiến không ít người bất ngờ.
Không hấp dẫn các trường
Theo đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến (TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ) năm 2009 thì sẽ có 10 trường đại học được xây dựng tại đây gồm: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Công đoàn, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Đại học tư thục mỹ thuật công nghiệp Việt Á Châu, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Viện đại học Mở Hà Nội.
Trong quá trình triển khai đề án những năm qua, có thêm một số trường, nhà đầu tư khảo sát đầu tư xây dựng cơ sở mới tại khu đại học Phố Hiến như Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, các trường: Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Ngoại giao, Đại học FPT, Đại học Kyungpook, Đại học Suwon và Trung tâm sáng tạo khoa học Hàn Quốc.
Tỉnh Hưng Yên cũng cho biết hầu hết các trường đều đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, tìm hiểu khu đại học Phố Hiến, đều ghi nhận, đánh giá cao và lên phương án sơ bộ để di dời từ Hà Nội về khu đại học Phố Hiến.
Tuy nhiên, các trường chưa tìm được giải pháp về nguồn vốn đầu tư xây dựng và một phần do tâm lý của cán bộ giảng viên, sinh viên các trường chưa đồng thuận, chưa yên tâm khi chuyển về địa điểm mới.
Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, UBND tỉnh Hưng Yên đã có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các trường đại học công lập nhưng đến nay sau 13 năm triển khai, khu đại học này mới chỉ thu hút được Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An về xây dựng cơ sở đào tạo.
Trong đó, Trường đại học Chu Văn An đã đầu tư 34 tỉ đồng xây dựng cơ sở đào tạo, Trường đại học Thủy lợi đầu tư 1.421,5 tỉ đồng (vốn vay ODA) để xây dựng cơ sở đào tạo, ký túc xá.
Dù hai trường này đã đi vào hoạt động từ năm 2017 nhưng đến nay hoạt động đào tạo chưa hiệu quả, số lượng sinh viên hạn chế, hình thức đào tạo chủ yếu là liên thông, liên kết, giáo dục quốc phòng, thực tập chuyên ngành và đào tạo thạc sĩ.
Dù đã có văn bản đăng ký dời về khu đại học Phố Hiến từ nhiều năm trước đây, nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-12, ông Trần Bá Tăng, phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, cho hay không biết chủ trương trường sẽ di dời cơ sở đào tạo về khu đại học Phố Hiến.
Ông Tăng cũng cho biết hiện nay trường không thuộc diện di dời vì trường quy mô nhỏ, đào tạo ít sinh viên.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường khác cũng thuộc diện di dời cho biết nếu đưa cơ sở đào tạo về khu đại học Phố Hiến nhà trường sẽ rất khó khăn trong khâu tuyển sinh, gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, còn sinh viên thì chỉ muốn ở thủ đô để vừa học tập, vừa làm thêm kiếm thêm thu nhập.
Khu ký túc xá Trường đại học Thủy lợi cơ sở khu đại học Phố Hiến (Hưng Yên) nhìn từ bên ngoài hoang vắng, không bóng người - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ba cái khó trong di dời trường đại học
Ông Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho biết chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội được xác định trong các quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội phê duyệt các năm 1998, 2011.
Các quy hoạch này cũng xác định trong nội đô Hà Nội không phát triển thêm các trường đại học. Theo ông Nghiêm, giáo dục đại học hiện nay quá tập trung trong vùng nội đô Hà Nội khi có tới hơn 1 triệu sinh viên đang học tập, sinh sống trong nội đô nên định hướng quy hoạch vùng thủ đô là phân bổ bớt sinh viên ra các tỉnh, các đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho vùng nội đô.
Và để di dời các trường đại học tại Hà Nội, trong quy hoạch vùng thủ đô (gồm 10 tỉnh, thành phố quanh Hà Nội) đã xác định một địa phương là Hưng Yên, khu đô thị Hòa Lạc và một số đô thị vệ tinh sẽ tiếp nhận các trường đại học khi di dời. "Đây là định hướng quy hoạch bài bản, đúng đắn nhưng trong thực tế không làm được như mong muốn", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo ông, việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô các đô thị lớn đang vấp phải cùng lúc ba khó khăn, đó là thiếu quỹ đất đủ lớn, thiếu nguồn lực xây dựng và thiếu cơ chế chính sách phù hợp để di dời các trường đại học.
Muốn di dời các trường đại học cần tính tới cả nơi ở để giảng viên, chuyên gia yên tâm chuyển tới nơi mới. Trong đó cần tính tới việc hỗ trợ chỗ ở cho giảng viên, chuyên gia với giá hợp lý, điều mà hiện nay chúng ta chưa có.
Những khó khăn này đang cản trở việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội, chẳng hạn như việc di dời Đại học Quốc gia Hà Nội về Hòa Lạc hơn 20 năm qua chỉ thực hiện được một phần.
Mục tiêu di dời là đưa hàng chục ngàn sinh viên ra khỏi nội đô nhưng đến nay mới đưa được khoảng 4.000 sinh viên lên Hòa Lạc học tập. Hơn nữa khu nhà ở cho cán bộ, giảng viên vẫn chưa xây dựng được, ông Nghiêm chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm này, một số chuyên gia quy hoạch cũng khẳng định tâm lý cán bộ, giảng viên, sinh viên ngại di chuyển về cơ sở mới của các trường đại học xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, thiếu ký túc xá, thiếu nhà ở tại các khu đại học mới.
Mô hình đại học mới phải đủ tiện ích giảng dạy, nghiên cứu, sinh sống như một đô thị đại học để cả cán bộ, giảng viên, sinh viên yên tâm chuyển đến.
Theo đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong hơn 10 trường dự kiến chuyển về xây dựng cơ sở đào tạo tại khu đại học Phố Hiến. Tuy nhiên, hiện sinh viên của đại học này vẫn học tại các cơ sở đào tạo ở Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Chủ trương quy hoạch di dời các trường đại học về Phố Hiến (Hưng Yên) hướng tới việc bảo tồn văn hóa vì trước đó Phố Hiến đã là một trung tâm giáo dục rồi, nhưng đang có quá nhiều khó khăn. Giải quyết được quỹ đất nhưng lại thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để tổ chức lại cuộc sống cán bộ, giảng viên, sinh viên cho phù hợp.
Ông Đào Ngọc Nghiêm
Tan giấc mơ đô thị đại học, dù đã chi hàng ngàn tỉ đồng?
Đề án khu đại học Phố Hiến được Thủ tướng phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2009. Khu đại học được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, quy mô xây dựng khoảng 1.000ha, trong đó khoảng 700ha đất xây dựng cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 300ha đất còn lại được sử dụng để xây đô thị.
Mục tiêu xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội. Đề án cũng hướng tới xác lập mô hình cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung, hiện đại.
Góp phần vào việc phân bổ lại mạng lưới giáo dục đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng. Thực hiện giãn bớt một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đại học theo hướng chuẩn hóa.
Quy mô đào tạo của khu đô thị đại học Phố Hiến khoảng 80.000 sinh viên và 500 - 1.000 cán bộ, nhân viên các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 5.530 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng 300ha đất đô thị trong khu đại học khoảng 4.800 tỉ đồng, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước khoảng 730 tỉ đồng.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư vào khu đại học Phố Hiến khoảng 3.261,9 tỉ đồng, diện tích đất xây các trường đại học mới đạt khoảng 63,5/771,3ha, đạt tỉ lệ 8,2%. Phần đất xây dựng đô thị đạt 28,52/276,9ha tổng diện tích dự kiến xây đô thị trong khu đại học.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến không hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hưng Yên đã đề xuất cho điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất khu đại học thành đất xây khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, đất đô thị thương mại, dịch vụ để phát triển công trình hạ tầng xã hội, công trình dân sinh.
Mới nhất, tỉnh này có tờ trình Thủ tướng cho kết thúc, đóng lại đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến và thu hẹp lại khu đại học, chỉ giữ lại khoảng 200ha đất để bố trí cho trường đại học nào còn có nhu cầu về xây dựng cơ sở đào tạo.
Xót lòng đô thị đại học để hoang
Khu đô thị đại học Phố Hiến hiện chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An (ảnh) xây dựng cơ sở đào tạo tại đây - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Theo quy hoạch, khu đô thị đại học Phố Hiến có quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên như đã nói, đến nay mới chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An xây dựng cơ sở đào tạo tại đây.
Cả khu đô thị đại học đến nay chỉ có chưa đầy 10 dãy nhà và đang giữa năm học mà đi mỏi chân trong khu đô thị đại học này cũng không thấy bóng sinh viên, giảng viên đâu.
Nhiều phòng học đã để không nhiều năm, bụi phủ kín bàn ghế bên trong giảng đường. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại hầu hết khu đô thị đại học vẫn là bãi đất hoang rộng thênh thang để cỏ mọc, người dân sống quanh khu đại học đang tận dụng làm nơi chăn thả bò.
Tại khuôn viên của Trường đại học Thủy lợi trong khu đô thị đại học này, những dãy nhà giảng đường, nhà hiệu bộ cao 4 - 5 tầng và hai khu ký túc xá cao tám tầng được xây dựng hiện đại, bề thế nhưng vì vắng sinh viên nên cũng đành chịu thua cỏ dại.
Những người thường trực có mặt ở Trường đại học Thủy lợi là hai bác bảo vệ đã luống tuổi, làm nhiệm vụ gác cổng.
Theo người bảo vệ của trường, cơ sở đào tạo của nhà trường được xây dựng xong từ năm 2017 với đầy đủ thiết bị phục vụ giảng dạy. Riêng khu ký túc xá của trường còn được trang bị cả điều hòa, bình nóng lạnh phục vụ sinh viên lưu trú. Nhưng từ khi xây dựng xong đến nay, rất ít sinh viên đến học.
Cơ sở của trường chủ yếu cho các đơn vị của quân đội thuê để đào tạo giáo dục quốc phòng, an ninh. Thi thoảng nhà trường cũng đưa sinh viên chuyên ngành thủy lợi về thực tập.
Để hạn chế lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư, từ đầu năm 2021 Trường đại học Thủy lợi đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng chuyển đổi cơ sở này thành trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, chuyên đào tạo về nghiệp vụ giáo dục quốc phòng cho sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng khu vực quanh Hà Nội.
Tương tự, tại Trường đại học Chu Văn An những ngày này cả sân trường rộng lớn chỉ thấy bóng nhân viên tạp vụ đang quét dọn và một bảo vệ ngồi gác cổng.
Người bảo vệ trường cho biết cơ sở của trường chủ yếu đào tạo tại chức, liên thông, liên kết nên sinh viên chỉ về học tại trường vào thứ bảy, chủ nhật, những ngày còn lại trong tuần không có sinh viên.
Bà Đào Thị Khuê, một cư dân sống trong khu dân cư thuộc khu đại học Phố Hiến (đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Hưng Yên), cho biết thời gian đầu Trường đại học Chu Văn An vừa xây dựng xong còn thấy có sinh viên về học. Bây giờ trường có ít sinh viên về học lắm.
Sinh viên muốn ở nội thành để "dễ sống" và tìm cơ hội
Nguyễn Thị Linh, sinh viên năm nhất Trường đại học Công đoàn, chia sẻ lên Hà Nội học là vì muốn tìm một môi trường học tập mới. Nếu về những cơ sở ở xa thành phố thì có thể sẽ không học hỏi được nhiều.
Cùng quan điểm, Phạm Thị Ngọc Ánh, sinh viên năm hai Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nếu phải học ở các tỉnh thì cô sinh viên này không sẵn sàng theo học vì học ở trung tâm Hà Nội sẽ thuận lợi hơn trong việc học tập, sinh viên có thể tìm các công ty để làm thực tập sinh, làm quen với công việc trong tương lai.
"Ở những nơi như thế thì không khác gì đang học ở quê như hồi cấp III. Đây là một điều mà sinh viên không hề muốn, nhiều sinh viên chấp nhận ở chật chội, chi tiêu đắt đỏ hơn để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn chứ không muốn về tỉnh lẻ học tập", Ngọc Ánh nói.
"Trường tôi có khoảng 70% sinh viên vừa đi học vừa đi làm thêm", hiệu trưởng một trường thuộc diện di dời nói.
8 nguyên nhân khiến đề án đô thị đại học bất thành
Theo ông Trần Quốc Văn, chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hưng Yên, có tám nguyên nhân khiến đề án đô thị đại học bất thành.
1. Chậm bàn giao quy hoạch phân khu dự án.
2. Các trường khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng, vướng trong chuyển đổi tài sản, quyền sử dụng đất cơ sở cũ để tạo vốn xây dựng.
3. Các trường e ngại trong tuyển sinh viên khi chuyển trường về địa điểm mới xa Hà Nội.
4. Việc huy động vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở mới không bảo đảm kế hoạch.
5. Chưa quyết liệt trong di dời các trường ra khỏi Hà Nội.
6. Đề án khu đại học Phố Hiến là mô hình mới, nhiệm vụ triển khai liên quan nhiều ngành nhưng không được phân công rõ ràng.
7. Dự án triển khai trong thời kỳ thị trường bất động sản đóng băng, khó khăn trong huy động vốn.
8. Hạ tầng xã hội, dịch vụ dân sinh tại khu đô thị đại học Phố Hiến còn thiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận