16/05/2012 08:15 GMT+7

Đổ phế thải xây dựng tràn lan trên đường

X.LONG - LÂM HOÀI
X.LONG - LÂM HOÀI

TT - Tại Hà Nội, những cung đường vắng, những tuyến đường hướng ra ngoại thành thường là điểm nóng về nạn đổ phế thải xây dựng bừa bãi.

Ngoài ra, nhiều khu vực nằm ngay giữa khu đô thị còn thưa vắng dân cũng đang nở rộ tình trạng đổ lén phế thải xây dựng.

K56Bd7Bm.jpgPhóng to
Tuyến đường nối giữa phố Trung Kính sang khu đô thị Nam Trung Yên, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) ngập tràn phế thải xây dựng - Ảnh: X.Long

Tuyến đường nhánh nối giữa phố Trung Kính sang khu đô thị Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy) dù đã được thảm bêtông nhựa nhưng cứ cách vài bước chân là có một bãi phế thải xây dựng. Ông Đỗ Đức Lương - một người dân ngụ P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy - cho biết: “Cứ đêm đến là xe chở phế thải xây dựng đến đây đổ lén. Qua một đêm là có thêm đống phế thải mới nên đến giờ các đống phế thải nối đuôi nhau dọc tuyến đường này”.

Ngay liền kề tuyến đường trên, tại các khu vực trước cửa Trường trung học cơ sở Nam Trung Yên và khu vực gần tòa nhà Keangnam, các bãi phế thải xây dựng tự phát xuất hiện dày đặc. Có nơi gạch đất được đổ vào khu vực đất dự án chưa triển khai, nhưng có nhiều điểm phế thải xây dựng đổ ngay dưới lòng đường.

Ông Trần Đăng Hải, phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho biết từ năm 2008 khi nạn đổ lén phế thải xây dựng rộ lên, thanh tra sở đã phối hợp với công an địa phương, cảnh sát môi trường...thường xuyên đi mai phục, theo dõi để bắt quả tang nhưng tình hình vi phạm đến nay vẫn có chiều hướng “nóng”.

Theo ông Hải, nhiều nơi có biển cấm đổ phế thải nhưng người ta vẫn lén lút đổ: “Nhiều người chở phế thải xây dựng thuê nhưng không đổ vào bãi của thành phố mà tìm nơi gần để đổ. Trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn quá rộng, nhiều điểm còn vắng người, nhiều tuyến đường ít người qua lại nên nạn đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang”. Cũng theo ông Hải, các chế tài xử phạt hành vi này rất nặng. “Trường hợp bị bắt quả tang sẽ bị tạm giữ phương tiện, buộc khắc phục hậu quả, xử phạt hành chính tới 12,5 triệu đồng nhưng thực tế cũng chỉ góp phần hạn chế vi phạm tái diễn” - ông Hải cho biết.

Ông Hải thừa nhận chức năng xử lý nạn đổ lén phế thải hiện còn chồng chéo, chưa có một “nhạc trưởng” chỉ chuyên nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, xử lý loại vi phạm này. “Nếu việc che đậy phế liệu hay vận chuyển có vi phạm thì thanh tra GTVT và cảnh sát giao thông xử lý. Trường hợp bắt quả tang đối tượng đổ trộm phế thải thì cảnh sát môi trường, thanh tra xây dựng xử lý...” - ông Hải cho hay. Để dẹp nạn đổ lén phế thải một cách hiệu quả, ông Hải cho rằng cần có một lực lượng chuyên trách. Ngoài ra, thành phố cần quy hoạch nhiều điểm đổ phế thải để đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay.

Hà Nội có 4 điểm chứa, xử lý phế thải xây dựng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay TP có bốn bãi chứa, xử lý phế thải xây dựng quy mô lớn. Cụ thể, bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh rộng khoảng 4,25ha (công suất 300 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho khu vực huyện Mê Linh, Q.Cầu Giấy, Q.Tây Hồ. Bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh rộng 3,2ha (công suất 300 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho khu vực huyện Đông Anh, Q.Long Biên. Bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì rộng 7ha (công suất 400 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho huyện Thanh Trì, Q.Hoàng Mai, Q.Thanh Xuân. Bãi chứa phế thải tại hai xã Phú Thị, Kim Sơn, huyện Gia Lâm rộng 7ha (công suất 400 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho huyện Gia Lâm và khu vực lân cận.

X.LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp