Đó là chưa kể chi phí tháo dỡ nhà không phép cũng lên đến hàng tỉ đồng. Ai chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?
Phóng to |
Nỗi xót xa của một người dân ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM) khi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà không phép - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Đừng đổ hết cho dân
* Ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP.HCM):
Theo tôi, UBND các xã đừng đổ thừa do dân lợi dụng thời điểm sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng hay lực lượng mỏng, không bao quát, giám sát hết. Thực tế chỉ cần người dân đổ vật liệu xây dựng là thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính đã biết. Có nơi cán bộ lập biên bản xong rồi để đó chứ không xử lý tới nơi tới chốn, dùng biên bản này như một “bùa hộ mệnh” để báo cáo rằng tôi đã có phát hiện, có xử lý. Hoặc biện bạch rằng tôi nắm được nhưng không đủ lực lượng, không đủ thẩm quyền để giải quyết. Và thực tế cũng có chuyện cán bộ lập biên bản vi phạm xây dựng xong rồi bảo người dân cứ... xây tiếp đi.
Theo quy định của pháp luật, nhân viên thanh tra xây dựng và cán bộ địa chính xã... phải có trách nhiệm phát hiện từ khi dân đặt viên gạch đầu tiên khi xây nhà không phép. Sau đó phải chốt chặn, cắt điện, nước, không cho đưa vật liệu xây dựng vào công trình... Nếu cán bộ làm kiên quyết, hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật thì thiệt hại của người dân đâu có lớn vậy?
* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):
Tôi nghĩ nguyên nhân chính của việc xây dựng không phép xảy ra tràn lan với số lượng lớn như thời gian qua là do cán bộ lơ là, không quản lý địa bàn, để cho dân xây dựng không phép. Chủ nhà, đầu nậu xây nhà không phép, sang nhượng đất trái phép có làm được cũng phải có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý. Việc xây dựng không phép xảy ra ở một địa phương thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền cũng phải nhìn thấy lỗi của mình trong việc quy hoạch “treo”, kéo dài không thực hiện trong khi nhu cầu về nhà ở đang rất bức xúc. Một thời gian dài trước đây, nhiều khu công nghiệp mọc lên không đi kèm với quy hoạch khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân. Bởi vậy mới phát sinh chuyện công nhân, người lao động từ các tỉnh đổ về mua đất nông nghiệp, xây nhà không phép cho rẻ. Cơ quan thẩm quyền cần có kế hoạch sử dụng đất cho kỹ, những khu vực nào chưa thể triển khai quy hoạch thì đầu tư hạ tầng cấp thấp và cho dân thuê để xây nhà tạm trong vòng 10 năm, 20 năm. Như vậy vừa giải quyết được nhà ở giá rẻ cho dân, vừa không để lãng phí đất trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch. Chính quyền cũng không phải chịu sức ép vì phải giải quyết hậu quả của quy hoạch “treo”.
* Ông Vũ Thế Thuận (tổ 18, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh):
Trong việc xây dựng không phép, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho người dân là không hợp lý. Cán bộ có làm lơ thì dân mới xây dựng được căn nhà. Vì vậy cán bộ phải bồi thường một phần thiệt hại do nhà dân bị tháo dỡ. Chỉ cần căn cứ vào thời điểm xây nhà, truy ra cán bộ nào phụ trách địa bàn thời điểm này thì phải bồi thường. Khi yêu cầu cán bộ thanh tra xây dựng hoặc cán bộ địa chính bỏ tiền túi bồi thường, họ bị thiệt hại sẽ khai ra ai đứng đằng sau, ai tổ chức hoặc người đồng tình... trong việc làm lơ này. Một cán bộ phải bồi thường, cán bộ khác sẽ lấy đó làm gương để làm việc có trách nhiệm hơn, không tiêu cực.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Tháo dỡ nhà xây không phép ở ấp Doi (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Minh Đức |
Dân làm, dân chịu
* Ông Lê Thanh Liêm (chủ tịch UBND P.15, Q.Gò Vấp):
Tôi khẳng định người dân phải chịu những thiệt hại từ việc tháo dỡ nhà không phép và chi phí tháo dỡ. Những thiệt hại này do hành vi vi phạm xây dựng của dân gây ra, không thể buộc cán bộ bồi thường được. Cán bộ để xảy ra sai phạm phải chịu kỷ luật, người đứng đầu cũng bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm về mặt quản lý, điều hành.
Riêng với chi phí tháo dỡ do ngân sách nhà nước chi, cán bộ quản lý có phải bồi thường hay không phải chờ đến khi có kết luận của cơ quan thanh tra quận hoặc cơ quan công an điều tra dựa trên mức độ, thái độ... vi phạm. Có trường hợp cán bộ có lỗi nhưng chưa đến mức phải bồi thường thiệt hại cho ngân sách, cũng có trường hợp nghiêm trọng, buộc cán bộ thiếu trách nhiệm phải bồi thường.
* Bà Ung Thị Xuân Hương (giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):
Theo luật hiện hành, chủ nhà xây không phép phải chịu chi phí tháo dỡ, nhưng thực tế chi phí này rất khó thu được và ngân sách nhà nước phải chịu. Hiện luật không quy định cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc quản lý để xảy ra sai phạm phải bồi thường ngân sách. Ngay cả trường hợp cán bộ có lỗi gây ra thiệt hại trực tiếp cho người dân (như cấp giấy phép xây dựng trên đất cấm xây dựng dẫn đến nhà của dân bị tháo dỡ, hoặc ra quyết định xử phạt sai nên nhà dân bị tháo dỡ oan...) cũng chỉ bồi thường cho ngân sách một phần (trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự do lỗi cố ý). Hơn nữa, Luật bồi thường nhà nước quy định phải có biên bản xác nhận hành vi trái pháp luật của công chức làm căn cứ. Chính vì vậy, tôi nghĩ khó có cơ sở để buộc những cán bộ quản lý trật tự xây dựng bồi thường chi phí ngân sách bỏ ra để tổ chức tháo dỡ nhà không phép.
* Luật sư TRẦN HỒNG PHONG (Đoàn luật sư TP.HCM):
Theo nguyên tắc hành chính dân sự, khi cán bộ nhà nước thiếu trách nhiệm trong công việc gây ra thiệt hại cho người dân, thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường. Tuy nhiên, việc yêu cầu cán bộ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại từ hành vi xây dựng không phép của người dân là không hợp lý. Vì đây là lỗi cố ý của người dân. Chính họ gây ra thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Theo tôi, vấn đề pháp lý cần đặt ra ở đây là những chi phí mà ngân sách đã bỏ ra cho việc tháo dỡ nhà cần phải được xác định là thiệt hại một cách chính thức, theo đúng quy định của pháp luật. Trong chuyện này có nguyên nhân và nguồn gốc từ lỗi của cán bộ chức trách, của lãnh đạo địa phương và còn liên đới đến trách nhiệm của cả các cấp trên nữa.
Chúng ta đã có luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó xác định khi cán bộ có sai phạm trong hành vi hành chính gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức (tổ chức ở đây có thể hiểu là cả cơ quan nhà nước) thì phải có trách nhiệm “hoàn trả một phần” những khoản chi phí mà Nhà nước đã bỏ ra. Như vậy, xem đó là thiệt hại (và về bản chất đúng là như vậy) thì hoàn toàn có thể xác định chủ thể gây ra thiệt hại là ai, xác định được trách nhiệm và tỉ lệ lỗi của từng cá nhân (cán bộ) trong việc để xảy ra việc xây dựng không phép tràn lan.
Theo tôi, cấp phường phải chịu trách nhiệm 70% thiệt hại ngân sách, chủ yếu là cán bộ thanh tra xây dựng và chủ tịch UBND phường. Khi đó hoàn toàn có thể buộc cán bộ sai phạm phải bị phạt bằng tiền.
Khiển trách 4 bí thư xã Ngày 24-8, ông Lê Văn Hòa, bí thư Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM), cho biết Huyện ủy đã kỷ luật khiển trách bí thư đảng ủy bốn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên. Hiện huyện đang tổ chức kiểm điểm 90/182 cá nhân, 10/42 tập thể có trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng không phép số lượng lớn. “Các cơ quan liên quan đang tổ chức kiểm điểm rất nghiêm túc. Huyện ủy Bình Chánh sẽ truy trách nhiệm tới nơi tới chốn những cá nhân, tổ chức liên quan vụ việc này” - ông Hòa cho biết. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận