29/09/2020 14:00 GMT+7

Đỏ mắt ngóng mùa cá

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - 'Có cá mắm gì đâu mà cô nhắc thêm rầu!' - lão ngư Ba Ghe nhìn con kênh kiệt nước trước nhà, trả lời khi tôi hỏi thăm chuyện mùa lũ, mùa cá năm nay.

Đỏ mắt ngóng mùa cá - Ảnh 1.

Dớn của ông Ba Ghe đặt cả buổi sáng chẳng có mấy con cá - Ảnh: DIỆU QUÍ

Bên ấm trà sớm, lão ngư Ba Ghe (Trần Văn Ngân, 66 tuổi, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang) trầm tư cho biết hơn 35 năm giăng lưới, đặt dớn bắt cá, chưa bao giờ vô mùa nước nổi mà ông... rảnh đến vậy.

Dớn cá để... bắt chuột

Từ sáng sớm, tôi chạy dọc con lộ vành đai biên giới theo kênh Vĩnh Tế với hi vọng gặp xuồng ghe giăng lưới. Trái với mong đợi của tôi, dòng kênh và những cánh đồng từng qua bao mùa nước nổi tấp nập xuồng ghe, đầy ắp cá tôm giờ vắng đến nao lòng.

Nắng lên, vài chiếc xuồng đánh cá vẫn nằm chỏng chơ dưới mé sông. Trên bờ, các dây dớn bắt cá xếp xó một góc. Lão ngư Ba Ghe cho biết ông "ngồi chơi xơi nước" mà buồn hiu vì ngóng con nước lên để xuống sông đặt dớn.

Mọi năm vào tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về mang theo phù sa và tôm cá, ngư dân lại vui vẻ tất bật với mùa sản vật nước nổi khẳm xuồng.

Về miệt châu thổ lúc hừng đông, xế chiều, người ta rất dễ thấy cảnh thương lái dập dìu đợi xuồng cá cập bến, mang theo đủ loại cá lóc, cá lăng, cá trê, cá rô, cá mè vinh, cá trèn và tôm tép, mà nhiều nhất là cá linh.

"Chỉ cách hơn mươi năm trước, sáng cô vô đây là thấy bạn hàng tấp nập chờ tụi tui kéo cá lên rồi cân, phân loại đem bán, vui lắm. Nhà tui 3h sáng kéo dớn lên là người ta xúm vô mua rồi. Đổ lưới từ ngoài sân ra sau nhà bán hết sạch, mấy đứa cháu tui thấy cá linh là ngán luôn. Có người mua về ăn, người thì mua cá ủ làm nước mắm. Giá rẻ bèo" - ông Ba Ghe nói.

Theo ông Ba Ghe, cá tôm tràn về trên đồng nhiều nhất vào mùng 10 và 25 âm lịch hằng tháng. Luồng dớn dài 1km của ông kéo được cả tấn, mấy ngày còn lại vài trăm ký hay ít nhất cũng ba, bốn chục ký.

Thời được hưởng "mỏ cá" trời cho cách đây hơn 20 năm, ông nói cá linh nhiều đến nỗi phải canh vừa đủ là kéo lên liền, nếu không cá... nặng làm rách lưới.

Đỏ mắt ngóng mùa cá - Ảnh 2.

Bà Mười kéo mẻ vó nhẹ tênh vì không có cá trên kênh Tha La - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Hồi xưa đặt dớn dính mấy trăm ký cá, 3-4 người đổ mới nổi, ghe nào kém cũng năm, bảy chục ký. Bữa nào nước nhiều, cá tràn lên đồng, đặt một cái dớn cũng kiếm được vài trăm ngàn bạc, hên thì cả triệu. Còn nước ít thì hai, ba trăm ngàn một ngày. Chỉ sợ không đủ sức mần chứ không lo thiếu cá" - ông nhớ lại.

Nhưng từ năm ngoái, những người làm nghề "bà cậu" như ông Ba Ghe phải lay lắt qua mùa lũ "đói" cá. Con nước lên chậm, ít và rút nhanh, túi cá là sinh kế của bà con cũng theo đó vơi hẳn đi.

"Hai ba năm nay cá ít lắm, không riêng cá linh mà các loại khác cũng bặt tăm. Cứ hi vọng năm nay đỡ hơn, giờ tháng 8 âm lịch rồi mà cô nhìn kìa, có miếng nước nào đâu. Nước nhiều còn chưa chắc có cá, huống chi cạn trơ như vậy" - ông Ba Ghe nói rồi chỉ lên cái dớn mới làm xong bỏ trong vách nhà, thay vì đặt cá giờ ông dùng để bắt... chuột.

Dẫn tôi xuống mé kênh Vĩnh Tế cách bờ lộ khoảng 5m, ông Ba Ghe buồn rầu nói mấy năm trước giờ này nước đã "nhảy" lên đồng, ngồi trên đường cũng câu được vài ký cá, ếch. "Ngày nào tui cũng xuống ngó chừng. Từ đầu mùa lũ tới giờ hơn tháng rồi mà nước còn lút tuốt dưới kênh, đồng khô queo" - lão ngư vừa nói vừa xếp hai cái dớn sát mé kênh cho gọn và cố đợi con nước về.

"Chỉ còn con nước ngày 30 tháng này mà không nhảy, rồi tới rằm nữa kể như dẹp luôn" - ông Ba Ghe ngao ngán nói nếu mùa cá này không đặng sẽ rửa tay gác... lưới, để xuồng và dớn lại cho con cháu ngó chơi.

Vẫn ráng đợi con nước

Không chỉ Vĩnh Tế, dòng kênh Tha La (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) đông đúc cảnh kéo lưới, ghe thương hồ năm nào giờ chỉ là dĩ vãng. Từ đầu cầu Tha La xuôi dọc kênh, tôi tìm đỏ mắt chẳng thấy một chiếc xuồng cá nào.

Chạy sâu thêm chút nữa, tôi để ý kỹ mới thấy một phụ nữ đang kéo vó dưới kênh. Đó là bà Mười (Phan Thị Tuyết, 50 tuổi). Bà Mười cho biết mình sống gần đó, bình thường lũ về vợ chồng chạy chiếc xuồng máy đặt dớn, nước rút mới kéo vó.

Đầu mùa tới giờ không có nước, bà và chồng thay nhau ra ngồi canh vó. "Hồi trước tui đổ dớn được cỡ 20-30kg cá linh, cá vụn 50-60kg, cá ngon cũng hơn 10kg, thấy ham dữ lắm. Mấy mùa trước "vô mánh", kiếm được hơn chục triệu lo cho sấp nhỏ đi học. Năm ngoái ít cá, tưởng năm nay đỡ mà ai ngờ nó còn tệ hơn" - bà buồn hiu.

Cả tháng nay, ngày nào bà Mười cũng ra đợi con nước rồi thấp thỏm không biết cái vó có con cá nào không. Có khi ngồi từ sáng tới chiều chỉ được hơn 100.000 đồng cho chút cá nhỏ, cá tạp. Thất bát mùa cá, bà không gọi thương lái đến mua như mọi khi mà tự mang ra chợ bán.

Đỏ mắt ngóng mùa cá - Ảnh 3.

Ông Chàn với chiếc dớn mới may hồi đầu mùa nhưng đến giờ vẫn chưa được dùng - Ảnh: D.QUÍ

"Thiệt tình tui mần gần 20 năm chưa thấy năm nào "bèo" như vậy. Đặc sản cá linh xứ mình mà giờ muốn ăn còn hiếm thì lấy gì bán. Tình trạng này kéo dài hết mùa nước chắc đói" - bà trải lòng.

Vừa nói chuyện với tôi bà Mười vừa ra kéo vó lên. Chiếc vó hôm nay bà đặt hơn tiếng đồng hồ dính cỡ một ký cá, tép nhỏ, không có cá linh. Xế chiều, mưa lất phất nhưng bà chưa chịu về, cố chờ thêm chốc lát vì "mưa xuống sẽ có cá hơn".

Mấy mươi năm qua, bao phận đời miệt này mưu sinh dựa vào những mẻ cá đầy ghe xuồng mùa nước nổi. Những năm gần đây nước không về, cá cũng biệt tăm, nhiều ngư dân ngậm ngùi xếp lưới, mạnh ai nấy tìm sinh kế khác để kiếm chén cơm. Tuy nhiên cũng có những người không đành bỏ cuộc, vẫn cố trông chờ con nước như ông Ba Ghe, bà Mười.

"Buồn lắm nhưng mà mình quen cái nghề này rồi nên ráng theo chứ không bỏ nổi. Mỗi ngày kiếm một, hai ký cá cũng được. Hai đứa con lớn của tui đi làm ở Bình Dương đang thất nghiệp vì dịch, tui tính kêu tụi nó về đây giăng lưới chỗ khác coi khá hơn không, được bao nhiêu hay bấy nhiêu" - bà Mười trĩu giọng.

Trên sông Vàm Nao, ngư dân Trương Văn Chàn (55 tuổi, xã Phú Hữu, huyện An Phú) cũng mỏi mòn chờ con nước từ Biển Hồ (Campuchia) đổ về để ông soạn lưới ra sông. Rảnh rỗi không biết làm gì, tay lưới Chàn cùng một số người quanh vùng đi... hái bông điên điển trong lúc đợi nước lên.

"Tui nghe nói lũ năm nay thấp dữ lắm, nhưng vẫn cứ đợi. Buồn buồn xuống sông đặt mấy cái dớn cho đỡ ngứa tay, bữa nào hên được chút cá cũng có gạo, còn hơn ngồi trên bờ nóng ruột đợi hoài" - ông Chàn trĩu giọng, nhìn ra sông ngóng con nước về...

250.000 - 300.000 đồng/kg

Là giá cá linh làm sẵn được bán từ đầu mùa đến giờ ở An Giang vì hiếm hoi.

Mùa này những năm trước, các ngư dân miệt Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Hưng (Long An) cũng đang tất bật chuẩn bị câu, lưới để bắt cá tôm theo dòng nước nổi. Nhưng năm nay cảnh tượng khác hẳn, hầu như chẳng ai chuẩn bị gì.

"Trên thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp mà còn không có nước, có cá thì mong gì dưới này có. Tui nói con cháu không mua thêm ngư cụ gì nữa, chỉ tốn tiền rồi bỏ đó" - lão ngư Trần Văn Thìn ở Thạnh Hóa chùng giọng.

Các con trai ông đều đã lên thành phố kiếm việc, bỏ lão ngư 73 tuổi ở nhà ngày ngày đợi con nước…

Đồng bằng sông Cửu Long lo Đồng bằng sông Cửu Long lo 'đói lũ'

TTO - Với dự báo lũ sẽ về chậm với mực nước thấp, thậm chí "đói lũ" năm nay, nhiều người dân các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL sẽ đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ mất mùa đánh bắt cá mà mùa màng cũng thất bát do chuột bọ, sâu rầy tấn công.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mùa lũ cá linh mùa cá
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp