25/09/2022 07:44 GMT+7

'Đô' lên, dầu xuống, tăng trưởng giảm

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Giữa lúc các tín hiệu suy thoái xuất hiện dồn dập hơn khi nhiều nước đua nhau tăng lãi suất chống lạm phát, đồng USD tăng giá đã kéo giá dầu thô rơi xuống dưới mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên từ đầu năm nay.

Đô lên, dầu xuống, tăng trưởng giảm - Ảnh 1.

Nhu cầu năng lượng tại Mỹ đang giảm. Trong ảnh: dầu được lấy từ xe bồn tại cơ sở lọc dầu Marathon ở Utah, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Những biến động lớn trong tuần qua đã ảnh hưởng mạnh đến giá dầu. Ngày 24-9, giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 4,8% còn 86,15 USD/thùng, trong khi giá dầu tại Mỹ giảm 5,7% còn 78,74 USD/thùng, theo Hãng tin AFP. 

Mức giá này đã giảm 40% so với đỉnh điểm 130 USD/thùng vào tháng 3-2022. Nó cũng phản ánh nỗi lo của giới đầu tư trước viễn cảnh tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa, ít nhất là ở hiện tại.

Tuần lễ đen tối

Với việc giá cả tăng không ngừng, các nước tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ với hy vọng thà chấp nhận tổn thất kinh tế về ngắn hạn để đối phó lạm phát và tránh những hậu quả lớn hơn về lâu dài.

Trong tuần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lên 0,75% cùng cảnh báo sẽ còn nhiều đợt tăng nữa và có thể chỉ nới lỏng vào năm 2024. 

"Mục đích của họ rõ ràng là đẩy kinh tế về phía suy thoái. FED tăng lãi suất sẽ triệt tiêu mọi nhu cầu, nhất là năng lượng" - ông Robert Yawger, phó chủ tịch Công ty Mizuho Securities, bình luận trên Đài CNN.

Tương tự, Anh cũng tăng lãi suất dù biết chắc rằng sẽ suy thoái khi hai quý liên tiếp là quý 2 và 3 đã giảm tăng trưởng. Các động thái tương tự của Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Philippines và Indonesia đều cho thấy viễn cảnh u ám của thị trường.

Giới đầu tư hẳn nhiên bất an với điều này và phản ứng của họ đã khiến các sàn giao dịch ngập sắc đỏ vào cuối tuần. Chỉ số S&P 500 đã mất 6,7%. 

Cổ phiếu của các công ty năng lượng Mỹ Halliburton Co. và Marathon Oil Corp. lần lượt giảm 8,7% và 11%. Cổ phiếu của các ông lớn châu Âu BP PLC và Shell PLC đều giảm hơn 5% và cơn sóng tiếp tục lan đến châu Á.

Giữa dòng xoáy kết hợp của tăng lãi suất và cổ phiếu mất giá, việc giới đầu tư rút về nơi trú ẩn an toàn đã đẩy đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Việc đồng tiền định giá nhiều mặt hàng trong đó có dầu tăng cao khiến nhu cầu năng lượng giảm, cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm.

"Một cuối tuần tiêu cực ở châu Á và châu Âu, kèm theo viễn cảnh thắt chặt hơn nhiều và suy thoái kinh tế đang đè nặng lên tâm lý mọi người" - ông Craig Erlam, nhà phân tích tại sàn giao dịch OANDA, nhận định.

Nhu cầu giảm

Lo ngại lớn nhất của giới đầu tư là nhu cầu năng lượng giảm và các dữ liệu gần đây đã cho thấy điều đó. Nhu cầu nhiên liệu của Mỹ hiện đang xuống thấp, trong khi các hoạt động kinh tế ở châu Âu tiếp tục suy yếu trong tháng 9-2020. 

Suy thoái kinh tế ở châu Âu dự kiến làm giảm tiêu thụ năng lượng hơn nữa. Đó là chưa kể nhu cầu tại "đại công xưởng" Trung Quốc chưa phục hồi.

Giá dầu dự kiến tiếp tục biến động trong cuối năm nay. Theo giới phân tích, vẫn có nhiều yếu tố có thể khiến giá dầu đảo chiều và tăng trở lại bất chấp suy thoái. Các biện pháp trừng phạt của EU với dầu Nga vào cuối năm nay có khả năng khiến sản lượng dầu của Nga giảm, tạo thêm sức ép lên nguồn cung toàn cầu.

Các nhà phân tích của Tổ chức JPMorgan Chase dự đoán giá dầu Brent sẽ phục hồi về ngưỡng 100 USD/thùng trong quý 4-2022. Nhưng việc Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến xả thêm 10 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược vào tháng 11-2022 có thể giúp tăng thêm nguồn cung và giảm giá dầu, theo báo New York Times.

Tuy nhiên, ít ra ở hiện tại, giá dầu giảm sẽ giúp người tiêu dùng nhẹ bớt lo âu về lạm phát sau gần một năm chứng kiến giá dầu leo thang liên tục và tăng điên cuồng sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022.

Không chỉ giá dầu, giá nhiều mặt hàng và đồng tiền cũng giảm mạnh trong tuần. Theo Hãng tin Reuters, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2022, xuống còn 1.655 USD/ounce trên thị trường Mỹ ngày 23-9.

Đồng tiền các nước cũng giảm mạnh khi 1 euro chỉ đổi được 0,97 USD, đồng bảng Anh xuống thấp nhất kể từ năm 1985, trong khi đồng yen mất giá khiến Tokyo phải can thiệp hỗ trợ lần đầu kể từ năm 1998.

Mệt mỏi vì lạm phát ở châu Âu Mệt mỏi vì lạm phát ở châu Âu

TTO - Người dân các nước EU, kể cả Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch..., đều đang quay cuồng với giá sinh hoạt tăng chóng mặt mỗi ngày, lạm phát tăng cao và viễn cảnh một mùa đông giá buốt vì thiếu hụt năng lượng.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp